1. Tháng 7/2013, câu lạc bộ bóng đá Arsenal sang Việt Nam du đấu. Bên cạnh hình ảnh các cầu thủ Arsenal đội nón lá, tươi cười trên đường phố Hà Nội, hình ảnh đọng lại trong chuyến du đấu ấy của CLB nước Anh là chàng trai trẻ Vũ Xuân Tiến cởi trần chạy bộ 5 km đuổi theo xe chở các thần tượng. Sau, cả thế giới biết đến cậu với biệt danh “Running Man”.

22_7_2013_vuxuantien_ypvw.jpg
"Running man" Vũ Xuân Tiến.

Trong ngày CLB Arsenal thi đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam, trên khán đài có một dòng băng rôn lớn của cổ động viên Arsenal: “Tất cả chúng tôi đều là Running Man” (ý chỉ cả khán đài đều hâm mộ “những khẩu thần công” không kém gì Vũ Xuân Tiến). Lúc đó, nhiều người đã ví von rằng biểu ngữ thật hợp thời. Tất cả chúng ta đều “chạy”: “Chạy” điểm, “chạy” trường, “chạy” việc, “chạy” quan...

Đến hôm nay, khi xem những hình ảnh, bài báo về 20 ngày xét tuyển Đại học vừa qua, biểu ngữ trên sân Mỹ Đình năm nào lại phảng phất hiện về và đúng đến đau lòng. 20 ngày qua, cả xã hội công khai chạy rầm rập từ trường này qua trường kia để rút- nộp hồ sơ.

Chạy tới trường Học viện Bưu chính Viễn Thông rút hồ sơ khi số điểm ở ngưỡng nguy hiểm, sắp rơi ngoài danh sách chỉ tiêu. Chạy tới trường Đại học Công Đoàn nộp hồ sơ khi thấy điểm mình ở trường này đạt ngưỡng an toàn. Sáng vẫn ung dung chắc đỗ, chiều thêm bao hồ sơ mới, điểm mình lại thành trượt. Và thế là, lại chạy. Nộp- rút, chạy- chạy như một vòng tròn luẩn quẩn, nghiệt ngã.

20 ngày, hàng triệu người chạy nháo nhào trong canh bạc cuộc đời của con em. Một kỳ thi với luật chơi oái oăm khiến cả xã hội phải oằn vai mệt mỏi. Sĩ tử và người nhà thì không phút nào yên lòng vì ranh giới giữa trượt và đỗ có khi chỉ là vài giây “rút- chạy- nộp” chậm. Phòng xét tuyển thì như sàn sàn giao dịch Nasdaq khi sĩ tử và người nhà nêm chật kín khán phòng, chờ đợi từng diễn biến nhỏ rồi gọi điện khắp nơi hội ý.

Có nhiều cuộc chạy đã cán đích. Nhưng có nhiều cuộc chạy khác thất bại. Và có nhiều người thất bại bởi nửa tiếng tắc đường. Người vượt vũ môn thành công bật khóc. Người không kịp vượt qua mấy nút giao thông cũng khóc ròng. Nước mắt rơi chung của thí sinh và phụ huynh làm lên “trận đánh lớn” của ngành giáo dục.

2.Hôm qua, dư luận xôn xao vì cuộc chạy thần tốc bằng xe cứu thương vượt 350 km từ Hà Tĩnh về Hà Nội để “cấp cứu” hồ sơ của một sĩ tử. Theo đó, điểm của sĩ tử này đã không còn ở ngưỡng an toàn của Học viện An Ninh trong ngày cuối của đợt xét tuyển (20/8). Bí quá, gia đình phải nhờ xe cứu thương chạy thẳng tới  Hà Nội rút hồ sơ ở Học viện An Ninh và nộp vào Đại học Bách Khoa Hà Nội. Cuộc “cấp cứu” vô tiền khoáng hậu này có cái kết đẹp khi thí sinh kịp nộp hồ sơ vào Đại học Bách Khoa trước giờ khóa sổ.

Tài xế Đại và chiếc xe cấp cứu chở hai mẹ con thí sinh đi rút và nộp hồ sơ. Ảnh:L​ao Động

Chuyện bi hài này có lẽ là đỉnh điểm của chuỗi dài những chuyện “thật không thể tin được” của kì thi tầm quốc gia. Một kì thi không chỉ ganh đua bằng kiến thức trong phòng thi mà còn là một chạy đua (theo nghĩa đen) của cả “ê-kip” hỗ trợ các thí sinh. 

Xe cứu thương đã “cấp cứu” thành công một “ca” hồ sơ. Vậy ai sẽ “cấp cứu” cho một kỳ thi nặng nề và rắc rối đến khó hiểu này?