Văn hoá xếp hàng đã làm tốn biết bao giấy mực của báo chí và những lời than vãn của người dân, bởi ai trong chúng ta cũng từng nhiều lần phiền muộn vì sự hỗn độn có thể bắt gặp hàng ngày ở bất cứ nơi công cộng nào.
Kỷ niệm chán chường nhất của tôi với vấn đề này là lúc mang bầu đi khám ở bệnh viện. Đến rõ sớm để xếp hàng, còn một người nữa là đến lượt mà cuối cùng bị chen lấn bật ra vòng ngoài. Tôi đã phải gọi điện rồi mệt mỏi ngồi nhờ người nhà đến xếp hàng lại từ đầu. Từ đó, bất cứ đâu có đám đông là tôi lại cố gắng tránh xa bởi nếu lẫn lộn trong đó, thế nào cũng chuốc lấy vài sự bực mình.
Đáng buồn là cách thức cư xử kém văn minh này đang có xu hướng ngày càng xấu.
Chúng ta hẳn còn chưa quên những cuộc ẩu đả, cãi chửi của đám đông chen lấn mua bánh Trung thu gia truyền Bảo Phương ở Thuỵ Khê (Hà Nội), cảnh tượng các bạn trẻ chen lấn để giành được suất sushi miễn phí ở một cửa hàng mới khai trương… hay những sự chen lấn diễn ra hàng ngày ở các cây xăng, quầy hàng giảm giá và đỉnh cao phải kể đến cảnh giẫm đạp lên nhau để mua bằng được lá ấn trong lễ Khai ấn đền Trần hằng năm. Nói chung, bất cứ chỗ nào có đám đông cần phải xếp hàng thì ở đó có sự chen lấn.
Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành ăn sushi miễn phí tại Hà Nội (Ảnh: Vnexpress) |
Có người bảo “khung cảnh cứ như thời loạn lạc”. Cơ mà so sánh với thời loạn lạc có khi lại chưa chuẩn, oan cho cái thời ấy. Người Việt Nam đã từng nể phục nước Nhật bình tĩnh và trật tự trước thảm họa động đất, sóng thần mà quên mất cách đây 40 năm, trước trận Điện Biên Phủ trên không chỉ vài đêm, Hà Nội đã sơ tán trong trật tự 500.000 trong tổng số 600.000 người dân nội thành với biết bao câu chuyện cảm động thấm đẫm tình người.
Có người nói “cứ như cái thời đói kém”. Thế cũng chả đúng! Những người chen lấn ăn sushi vặn lại trên mạng rằng “chúng tôi không đói”. Những người mua bánh Trung thu cũng không ai vì thiếu cái bánh gia truyền Bảo Phương mà chết cả.
Mà nói thế càng không chuẩn, rất oan cho cái thời đói kém, điển hình là thời bao cấp lại chính là lúc văn hoá xếp hàng lên ngôi. Một cục gạch, một cái làn cũng được tôn trọng vì nó được đường đường chính chính đại diện cho một đồng bào của ta. Thế mà giờ toàn là “chính chủ” thì lại sử dụng chiêu “thập diện mai phục”, tìm cách “qua mặt” nhau không thương tiếc.
Đấy là “gà cùng một mẹ” - người trong nước với nhau thì “đóng cửa bảo nhau” và “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Ra nước ngoài hoặc đối diện với người nước ngoài thì cố mà văn minh lên một tẹo. Cơ mà cũng không.
Người Việt mình chen lấn đến đổ cửa và lung lay cả gian hàng để tranh giành quà tặng tại Triển lãm sản phẩm Hàn Quốc diễn ra ở Trung tâm Hội nghị triển lãm SECC, TP HCM (31/10-02/11/2013).
Người Việt mình gần như cướp giật, tranh giành nhau 3.000 cái áo mưa trong chương trình tài trợ của Đại sứ quán Hà Lan giữa tháng 9 vừa qua. Một số người hoan hỉ vì lấy được những 2-3 cái áo liền.
Mấy cái vụ cơm bữa đó, người Việt mình với nhau quen rồi. Nhưng Tây họ lạ, họ sững sờ, bàng hoàng về một “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” – slogan mới của du lịch Việt sau bao lần loay hoay thay đổi (rồi cũng thế cả thôi vì cũng chỉ là “bình mới rượu cũ”).
Xếp hàng chỉ đơn giản là mọi người đứng vào hàng một cách trật tự, có ý thức chờ đến lượt mình. Văn hoá xếp hàng là khi mọi người cùng tôn trọng lượt của nhau và có ưu tiên cho người già, phụ nữ mang thai và trẻ con.
Ở các trường từ mẫu giáo đến đại học đang dạy khá tốt việc xếp hàng, ở đó trật tự xếp hàng được thiết lập. Nhưng bước ra khỏi cánh cửa nhà trường thì văn hoá đó không có đất phát huy.
Vấn đề là tại sao học sinh, sinh viên ra ngoài xã hội thì không thực hiện văn hoá xếp hàng đã được dạy? Trước kia Việt Nam mình từng có văn hoá xếp hàng mà sao ngày nay lại bị mai một?
Tại sao xếp hàng là một hành động dễ dàng nhất, ai cũng có thể làm được, nếu được hỏi thì ai cũng muốn, nhưng không ai làm?
Có phải vì chúng ta đang nhìn nhau, chờ nhau. Trẻ con nhìn người lớn, người lớn chờ... bề trên. Những người lẽ ra phải là tấm gương mẫu mực thì lại là những kẻ chen ngang một cách ngang ngược, vô lí. Những kẻ chen ngang như thế có ở trong mọi lĩnh vực tạo nên sự bất bình đẳng xã hội, tạo chỗ trú cho những thói gian ngoan, tiểu xảo, ích kỷ, cá nhân.
Những người xếp hàng thường bị thua thiệt, thậm chí, bị coi là kẻ ngáng đường và ngốc nghếch.
Chẳng ai muốn bị coi thường, vì thế mà những người nghiêm túc xếp hàng ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội.
Xếp hàng chỉ là một hành vi rất nhỏ nhưng lại có thể nói lên nhiều điều về một con người và rộng hơn là về một xã hội.
Văn hoá xếp hàng còn thể hiện niềm tin của người dân với sự công bằng trong xã hội...
Ông bạn vừa đi công tác Nhật Bản trở về liền bị tôi tranh thủ phỏng vấn ấn tượng về đất nước Mặt Trời mọc.
- Có gì đâu, Nhật Bản bây giờ khác gì Việt Nam thời bao cấp (!!!) - bạn tôi tưng tửng trả lời.
- Có nhầm không đấy?
- Thì thời bao cấp ở ta làm gì có chuyện chen ngang, không có chuyện phụ nữ mang thai hay người già, trẻ con phải đứng trên các phương tiện công cộng…/.