Biển người tại Hội trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, 20/8. Ảnh: FB Tran Thang |
Con tôi trả lời bằng giọng chán ngán, bực dọc: Đến làm gì hả mẹ? Con đã chấp nhận nộp vào một khoa “an toàn” rồi, bây giờ đến đó cũng chả giải quyết được gì, cứ chờ thôi, không rút ra rút vào nữa!Đến chiều, trên Facebook, thấy một đồng nghiệp lớn tuổi trong TP.HCM cập nhật: “Nhìn cảnh một số cháu đứng khóc, nhiều cháu hớt hải chạy ngược chạy xuôi, chạy dưới trời Sài Gòn đang trong cơn mưa chiều để rút và nộp hồ sơ cho kịp giờ "đóng sổ " . Và phụ huynh mặt mũi bơ phờ... Thật không còn gì để nói! Một mùa tuyển sinh hỗn loạn và điên rồ nhất lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam!”. Tự dưng tôi cũng bật trào nước mắt. Tôi không khóc vì lo lắng. Mà vì ấm ức. Vì thương con mình. Vì thương tất cả lũ trẻ bằng tuổi con mình. Sao mà chúng phải khổ thế!.
Khi con gái tôi biết điểm thi, mọi người đều chúc mừng, vì tính trung bình cháu đạt 8,5 điểm 1 môn; và nếu tính tổ hợp nào có tiếng Anh nhân đôi thì còn lợi hơn nữa, khi cháu được 9,25 điểm Anh văn. Theo gợi ý của nhiều thày cô dự đoán điểm sàn năm nay cao hơn năm ngoái chừng 2 điểm, thế là cháu chọn ngành học mà mình quan tâm, với ngưỡng điểm cao hơn năm ngoái từ 2-3 điểm.
Trường đại học đầu tiên mà cháu chọn nằm ở tốp đầu. Theo dõi được khoảng 10 ngày, điểm của cháu rơi dần khỏi danh sách an toàn, trở nên chấp chới. Bởi tất cả thí sinh được điểm cao đều tập trung nộp vào những trường tốp trên này. Đặc biệt, đứng đầu danh sách là hàng trăm thí sinh được ưu tiên cộng điểm. Thế nên, bảng phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh gần như trở thành vô nghĩa lý. Con tôi chẳng thể điểm của biết cháu ở phân khúc nào sau khi nhiều bạn khác điểm cao bằng hoặc thấp hơn cháu một chút được cộng điểm ưu tiên đã vượt lên trên.
Sau khi tham khảo bạn bè và được tư vấn của các sinh viên tình nguyện, cháu quyết định nộp hồ sơ vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ngành mà cháu nộp vào (POHE- các chương trình định hướng ứng dụng). Hôm 17/8 điểm ngưỡng (dự kiến đạt) ngành này là 22,08 thì chỉ 1 ngày sau tăng thêm hơn 5 điểm thành 27,25 và đến 11h30 ngày 20/8 là 29,25.
Sau 1 ngày tăng hơn 5 điểm, đã tưởng gây sốc lắm rồi, mà nghe nói, có khoa Du lịch ở một trường ĐH khác, sau 1 ngày điểm sàn còn tăng thêm tới 10 điểm.
Điểm thi đại học, chỉ 0,25 đã là hơn thua, mà điểm leo thang tới con số 10, hỏi sao mà không choáng. Có khác gì chơi chứng khoán đâu?
Từ hôm 1/8, những ngày đầu, nhiều thí sinh còn nghe ngóng, chưa nộp hồ sơ vội. Cha mẹ cùng con cái suy nghĩ, cân nhắc, thật căng thẳng. Tính toán cũng rất khó, vì chẳng có cơ sở gì cả, khi việc đỗ hay trượt phụ thuộc hoàn toàn vào việc có bao nhiêu người nộp vào, mà con số ấy ai có thể đoán được?Thí sinh và người nhà tại ĐH Bách Khoa Hà Nội vào ngày 20/8. Ảnh: Thái An/VOV |
Nhưng cuộc chạy đua thực sự căng thẳng chính vào những ngày cuối, khoảng từ 16/8 trở đi. Nhiều bậc cha mẹ từ các tỉnh đưa con xuống thành phố, đến các điểm trường, ăn chực nằm chờ, để rút và nộp hồ sơ, cốt làm sao tính thế nào cho con đỗ được đại học. Có thí sinh rút ra, nộp vào tới mấy bận một ngày trong những ngày cuối, tùy thuộc vào dự đoán thứ tự của mình trong bảng xếp hạng.
Việc chọn ngành chọn nghề yêu thích trở nên quá xa vời. Giờ đây chỉ chọn 1 trường để đậu được mà đi học là may rồi. Quyết định chọn ngành nghề, bước ngoặt lớn của cả một cuộc đời, cuối cùng lại là chọn đại một ngành để không trượt!.
Ai đó đã ví von thật đúng: chúng ta có thể đang mất đi nhiều bác sĩ yêu nghề, để sau này có những kỹ sư chẳng tâm huyết gì với công việc (khi nhiều thí sinh điểm cao chót vót mà không vào được ĐH Y thì chuyển sang Bách khoa chẳng hạn). Với những ngành khác cũng thế thôi.
Xin đừng nói rằng sự nhốn nháo này là do thí sinh, cứ rút ra nộp vào, sao không kiên định với nghề mình đã chọn?. Nhưng, trượt đến nơi rồi, không rút ra thì làm sao? Theo đuổi nghề mà mình chọn ư, đến sang năm có thi chắc gì đã đậu?
Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những cô cậu học sinh đã phải đối mặt với một thử thách, một sự mệt mỏi không đáng có, một cú sốc gây mất lòng tin.
Hôm nay, đọc bài trên báo Tuổi trẻ với đầu đề “Bộ GD-ĐT nên có một xin lỗi…”. Là phụ huynh, tôi thấy lời xin lỗi đó cũng chẳng để làm gì, nếu Bộ vẫn tiếp tục tiến hành những cải cách đột ngột, và không lường trước được những hệ lụy, để làm khổ các con tôi. Lời xin lỗi đâu có làm vơi đi những tổn thất tinh thần mà phụ huynh chúng tôi, con tôi và các thanh niên cùng lứa phải gánh chịu. Tôi vẫn còn 1 đứa con vài năm nữa sẽ thi đại học. Và những đứa cháu trong gia đình cũng thế. Tôi không muốn cảnh tượng như năm nay còn tái hiện trong những năm tiếp theo. Thật chỉ mong có vậy.
Bài toán này khó giải lắm ư? Đâu phải thế nhỉ?. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, người ta để các trường tự chủ về việc tuyển sinh, đào tạo. Cái mà Bộ cần quản chính là đầu ra. Trường muốn tuyển thế nào thì tuyển, dạy sao thì dạy. Miễn là đầu ra phải đạt chuẩn. Chứ như bây giờ, vào thì khó thế đấy. Rồi học, rồi ra trường, các cơ quan tiếp nhận hầu hết đều phải đào tạo lại, sinh viên tốt nghiệp mới làm được việc. Thế mà Bộ cứ loanh quanh cải cách thi với tuyển mãi làm chi!