Những bất cập của Kỳ thi THPT Quốc gia gần đây được mổ xẻ, phân tích khá nhiều trên các kênh truyền thông khác nhau. Ở đây, tôi tập trung phân tích những hiệu ứng ngược ở góc độ tâm lý, định hướng nghề nghiệp của thí sinh trong... 20 ngày xét tuyển.
Thí sinh đang phải chạy thi trong Cuộc đua đỗ - trượt hơn là chọn ngành theo năng lực (Ảnh minh họa) |
Hiệu ứng tâm lý... ngược của thí sinh: 24 điểm với 3 môn thi không hề thấp, ấy thế mà nó lại trở thành gánh nặng với không ít thí sinh trong 20 ngày xét tuyển. Từ đó, xảy ra hiệu ứng dội ngược tâm lý với thí sinh.
Nhiều thí sinh khóc lóc ỉ ôi nhiều ngày vì 24 điểm rất có thể không đỗ trường và khoa đã chọn (với quy chế mọi năm còn biết đỗ bao nhiêu %), không dám ra khỏi nhà nhiều ngày, tránh gặp mặt hầu hết người thân, bạn bè vì... sợ bị hỏi: 24 điểm có chắc đỗ trường đó không? (trường và khoa dự định nộp hồ sơ trước khi thi).
Nhiều thí sinh suốt ngày làm bạn với smart phone, laptop, ôm tivi, ăn, ngủ như một hình nhân di động. Không khí gia đình vì thế cũng nặng nề, ngột ngạt. Áp lực thi cử căng thẳng là vậy, 20 ngày chờ đợi cũng khủng khiếp không kém. Nhà có 1 thí sinh thi mà hệ lụy tâm lý cả gia đình gánh. Nhìn đứa con sáng đi ra, chiều đi vô, hết ôm chăn lại ôm gối, hết ngồi lại nằm mà sốt cả ruột. Đành rằng, có những bạn trẻ vẫn vô tư chơi đùa và ...chờ đợi ngày công bố điểm chuẩn. Song, thực tế thì không ít bạn có diễn biến tâm lý phức tạp, lo lắng dẫn đến chán ăn, chán chơi, mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, tinh thần tổn hại...
Có bạn thí sinh đã thốt lên với tôi: "20 ngày chờ đợi với cháu như sống trong bầu không khí u ám, đám mây đỗ/trượt cứ treo lơ lửng trên đầu như đứng trước một chiếc máy chém. Cháu chỉ mong cắt phéng, xé toác cái đám mây kia ra để thấy hoặc là mặt trời, hoặc là ánh trăng thôi." (Thí sinh 1 trường THPT ở Hà Nội).
Thi gộp 2 trong 1, tưởng như tiết kiệm tiền bạc của nhà nước nhưng lại tạo ra cuộc đày ải mới với gia đình thí sinh. Các bạn ở những thành phố lớn, gần trường dự định thi còn vất vả. Chứ thí sinh ở tỉnh căng thẳng xem bảng xếp hạng, bổ nhào từ quê lên phố để bước vào công cuộc rút - chuyển hồ sơ giữa các trường, mới cực vô đối. Nếu thi đại học bố con bồng bế nhau lên thành phố ăn trực nằm chờ 4-5 ngày thì với 20 ngày thế này, phương án nào gian nan hơn? Nhiều người nói đùa là "Bộ giáo dục đang dạy thí sinh chơi chứng khoán". Nghe mà chua xót cho một chính sách méo mó.
Định hướng của gia đình rằng năm nay con nên thi trường này, chọn trường kia. Sở thích, sở trường của con giỏi mảng A mà không giỏi mảng B. Năng lực, tính cách của con phù hợp với ngành này chứ không hợp với ngành nọ. Tất cả gần như không còn ý nghĩa với cuộc đua mang tên đỗ - trượt năm nay.
Không ít thí sinh và gia đình tặc lưỡi: Rút hồ sơ để chuyển sang trường khác thôi, miễn đỗ là được rồi, ngành nào không quan trọng. Chẳng thế mà xảy ra hiện tượng: sáng nộp trường A, chiều rút để chuyển trường B. Hệ lụy thì đã rõ: Thí sinh và gia đình thí sinh lao đao, áp lực công việc dồn thêm lên cả chính các trường Đại học với việc nay nộp, mai rút của thí sinh. Thống kê hôm nay của Trường đã đủ chỉ tiêu, nhưng ngày mai chưa biết ra sao khi thí sinh rút - chuyển.
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta thử ví dụ nhé: Nếu Đại học Harvard mà cũng bắt thí sinh phải đến nộp hồ sơ trực tiếp thì đến mạt kiếp họ cũng không bao giờ tuyển được những thí sinh xuất chúng từ khắp nơi trên thế giới như thế. Và danh tiếng Harvard vì vậy cũng còn lâu mới nức tiếng toàn cầu. Ấy vậy mà, chính sách của chúng ta ra đời ở kỷ nguyên rực rỡ của công nghệ thông tin, nhưng thí sinh chỉ có thể ngồi một chỗ để xem bảng xếp hạng, còn muốn chuyển ư, xin lỗi nhé, hãy nhấc mông lên và hộc tốc chạy tới trường nào.
Thiết nghĩ, nếu trước khi ban hành chính sách này, Bộ GD&ĐT xây dựng hệ thống phần mềm hoàn chỉnh tới từng trường Đại học, đảm bảo từng thí sinh không chỉ chủ động xem điểm mà còn chủ động rút - chuyển hồ sơ thì tốt biết mấy. Đương nhiên, đi kèm với đó là quy định: Thí sinh được rút - chuyển tối đa bao nhiêu lần. Nếu không thì lại dẫn đến những bấn loạn khác.
Chính sách 2 trong 1 kỳ vọng giảm tải áp lực, tài chính; trong thực tế lại tạo ra những cuộc đua mới: gay cấn, cực khổ và "đày ải tâm lý thí sinh" không kém. Đành rằng không chính sách nào hoàn hảo với số đông, song suy cho cùng, không phải ngẫu nhiên một văn bản trước khi ban hành rộng rãi, lại cần được làm thí điểm trước khi nhân rộng.
Hiệu ứng ngược của... 20 ngày xét tuyển thật là bài học đắt giá./.