Các con em chúng ta đã qua kỳ thi Phổ thông xét tuyển Đại học. Cũng đã có kết quả thi. Đó là một niềm vui nhưng cũng có khi lại là nỗi đau khổ tuyệt vọng của rất nhiều thí sinh không có được sự may mắn. Chưa bao giờ áp lực vào đại học lại căng thẳng như những năm gần đây.
Năm nào cũng sẽ có hơn một triệu thí sinh tan vỡ giấc mộng vào đại học. Bao mơ ước ấp ủ, hy vọng suốt mười hai năm học, giờ bỗng thành mây khói, kéo theo nhiều hệ lụy bi thảm.
Năm nay có lẽ cũng vậy thôi. Chính vì thế, những ngày này là những ngày phấp phỏng nhất, căng thẳng nhất, không phải chỉ đối với các thí sinh mà cả với các bậc phụ huynh và những ai hằng quan tâm đến số phận của con em mình. Không phải vô cớ, nhiều người gọi mùa thi là mùa trầm cảm.
Các bác sỹ ở bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết, năm nào sau kỳ thi đại học, nhất là khi các trường báo điểm, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp rối loạn tâm thần do thi trượt. Có em tự tử hụt. Nhiều em thì chán sống. Người ta lại giật mình trước những cái tin học sinh trường này tự tử, học sinh trường kia nhảy cầu tự vẫn vì trượt đại học. Vậy tại sao lại có những chuyện bi thảm như thế xảy ra? Lỗi do đâu? Có phải tất cả vì các em không?
Không! Lỗi tại chúng ta. Lỗi từ chính các bậc làm cha mẹ. Chúng ta chỉ quen dạy các con một chiều, và thường lại là chiều ngọt ngào, thuận lợi mà không giúp các con làm quen dần với những thất bại, cay đắng, giúp các con có thể đứng vững trước mọi biến cố, rủi ro.
Nhiều người còn coi việc đỗ đại học như một danh dự. Không những thế, còn là Danh dự gia đình. Danh dự của cả một dòng họ. Như vậy vô tình, chúng ta đã tạo ra những áp lực vô cùng nặng nề, bức bối đến mức, khi không đỗ đại học, không còn “danh dự” nữa, các em chỉ biết mỗi cách, và chỉ có mỗi cách giải thoát, là tìm đến những cái chết thảm khốc.
Nếu các bậc cha mẹ biết chuẩn bị kỹ cho con em mình, giải tỏa giúp các con thoát khỏi những áp lực nhuốm màu ảo tưởng, nhiều khi rất tầm phào, ba bị ấy, chỉ bằng một câu nói rất nhẹ nhàng và đơn giản thôi, thì tình thế cũng đã khác: “Bố mẹ sẽ rất mừng, nếu con thi đỗ phổ thông và được vào đại học. Nhưng nếu không đỗ đại học và không đỗ cả phổ thông nữa thì cũng không sao. Bố mẹ cũng sẽ rất mừng, nếu như con vui. Bởi vào đại học không phải là con đường duy nhất!”.
Đúng vậy! Vào đại học đâu phải là con đường duy nhất. Trong xã hội hiện đại, việc theo học tại các trường cao đẳng, đại học, nếu là những trường danh tiếng thì thật thuận lợi, vì cử nhân của những trường có uy tín sẽ có nhiều cơ hội hơn những người khác.
Nhưng cũng có những người không học đại học, cao đẳng, hoặc đang học mà bỏ học, vẫn có những thành tựu lớn, vẫn trở thành những tên tuổi vĩ đại, vẫn nổi tiếng thế giới, mà nhiều học giả dù có bằng cấp và học vị cao nhất cũng không giám mơ ước tới.
Tạp chí Time vừa đưa ra danh sách 10 người bỏ học, không có bằng đại học mà vẫn thành công nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới. Những bậc tài danh này đã không đi theo con đường truyền thống là trải qua quá trình học tập tại trường đại học, cao đẳng. Tuy vậy, với những nỗ lực phi thường, họ vẫn vươn tới những đỉnh cao ở rất nhiều lĩnh vực: Công nghệ, Khoa học, Kiến trúc, Điện ảnh, Âm nhạc, Toán học, Thể thao... Để tránh sự dông dài, tôi chỉ xin đơn cử hai trường hợp cụ thể.
Người thứ nhất là Bill Gates, nhà sáng lập tập đoàn Microsoft. Báo “Harvard Crimson” đã gọi Bill Gates là "Người bỏ học nổi tiếng nhất của Harvard". Người ta còn tôn vinh ông là “Người giàu nhất thế giới” trong hơn một thập kỷ. Hiện nay, dù không ở vị trí đầu bảng, ông vẫn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Bill Gates vào Đại học Harvard từ mùa thu năm 1973. Hai năm sau, ông bỏ học để thành lập hãng Microsoft cùng với người bạn Paul Allen. Bây giờ, nhắc đến tên tuổi ông, có lẽ không có ai là không biết. Năm 2007, dù không có bằng tốt nghiệp Đại học, Bill Gates vẫn được Trường Harvard trao bằng Tiến sỹ danh dự. Tại buổi lễ phát bằng, Bill Gates phát biểu rất vui vẻ và hài hước: "Tôi là một người gây ảnh hưởng xấu. Đó là lý do tại sao tôi được mời đến dự lễ tốt nghiệp của các bạn. Nếu tôi đến dự và phát biểu tại lễ nhập học của các bạn, có lẽ số người dự buổi lễ tốt nghiệp hôm nay sẽ ít hơn".
Người thứ hai tôi muốn nhắc đến là một chàng trai 8X, rất trẻ. Đó là Mark Zuckerberg – sinh năm 1984, Tổng Giám đốc điều hành của Facebook. Cũng như Bill Gates, Mark Zuckerberg từng là sinh viên trường Harvard. Hồi còn học trường Đại học danh tiếng này, Mark Zuckerberg đã phát triển Facebook trong phòng ký túc xá với ý định cho sinh viên trong trường Harvard sử dụng.
Giờ đây Facebook đã trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới. Khi sự ưa chuộng dành cho Facebook bùng nổ, Zuckerberg bỏ học và chuyển công ty tới California. Theo tạp chí Forbes, Zuckerberg là tỷ phú trẻ tuổi nhất trên thế giới
Đọc đến đây, có thể các em sẽ cãi tôi: “Bác Khoa ơi! Mặt bác trông rất gian, nhưng có vẻ tốt bụng. Tuy thế, bác vẫn là ông thi sĩ ở trên… giời. Ở nước Mỹ, Bill Gates bỏ học vẫn thành được Bill Gates. Mark Zuckerberg đã thành Mark Zuckerberg rồi. Nhưng ở Việt Nam, nếu không theo học, chúng cháu chỉ có thể thành Lê Văn Luyện hay kẻ châm trích xì ke ma túy thôi!
Ồ không đâu! Hỡi các Thiên thần vô cùng yêu quý! Cái ác không trừ một ai, chứ đâu chỉ có chọn những người thất học. Nguyễn Đức Nghĩa là một trong những kẻ giết người tàn bạo vào bậc nhất, nhưng Nghĩa là sinh viên Đại học, lại ở trong một gia đình có truyền thống cách mạng đó thôi.
Nhiều người Việt Nam rất nổi danh mà có tốt nghiệp đại học đâu. Thậm chí nếu hỏi bằng tốt nghiệp phổ thông họ cũng không có. Rất nhiều những nông dân làm giàu, sáng chế ra nhiều cỗ máy sản xuất rất hiệu quả mà họ chỉ học lớp 5, lớp 6. Nghĩa là họ còn chưa tốt nghiệp Phổ thông.
Trong văn chương cũng thế. Nhà thơ Xuân Quỳnh chỉ có bằng… lớp 6. Nhà văn Lê Lựu … lớp 9. Nhà văn Nguyễn Khải… lớp 7. Nhà văn Tô Hoài có lần bảo tôi: “Nếu xét về học vấn thì mình chỉ qua bậc tiểu học. Chừng lớp 3, lớp 4 gì đó. Nghĩa là mới học đến sách “Tuổi hồng” – một loại sách dành cho học sinh phổ thông thời ông.
Nhưng Nguyễn Khải, Tô Hoài đều có sự hiểu hiểu biết và kiến thức rất đồ sộ. Tô Hoài còn có thể được xem như một nhà Hà Nội học. Nhiều Giáo sư, Tiến sĩ còn không xứng là học trò ông. Nhà văn Nguyễn Khải có lần kể rất vui rằng: “Có một cô nghiên cứu sinh hỏi tôi, anh học ở đâu ra vậy? Tôi bảo, tôi chỉ có “bằng” lớp 7, rồi đi bộ đội, làm y tá. Cô khuyên, thế thì anh phải tiếp tục học, nâng cao kiến thức. Anh mà tốt nghiệp được đại học thì anh còn viết hay hơn nữa!”. Nói rồi Nguyễn Khải cười hô hố.
Ở Hội Nhà văn, Nguyễn Khải và Chế Lan Viên là hai người uyên bác, thông minh vào bậc nhất. Ngôn ngữ sắc lẻm. Nhiều học giả có bằng cấp học vị rất cao còn phải nghiên cứu, khám phá ông. Trong đời sống, cũng có bao nhiêu người kiệt xuất, như Thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy, người đã làm được bao việc phi thường… Rồi còn nhiều, rất nhiều người khác nữa.
Nhắc đến những người bỏ học nổi danh, không có nghĩa là tôi cổ súy cho việc bỏ học, hoặc “không thèm vào Đại học”. Sở dĩ Bill Gates, Mark Zuckerberg, hay nhiều bậc thiên tài khác vươn tới được những đỉnh cao của trí tuệ loài người, chính là nhờ tự học. Tự đào tạo.
Các cụ ta cũng bảo: “Không thày đố mày làm nên”. Đúng vậy. Không học thì không thể thành người. Nhưng học ở đâu? Có nhất thiết cứ phải vào trường đại học không? Qua kinh nghiệm của Bill Gates, Mark Zuckerberg và nhiều bậc tài danh kiệt xuất, chúng ta thấy không phải như vậy. Họ có được thành công lớn chính là nhờ tự học, tự đào tạo.
Ngay cả những người có học vị thật, và học vị cao, như Giáo sư, Tiến sĩ, nếu không liên tục tự học, tự đào tạo thì cũng có thể sẽ bị tái mù. Đối với người hiếu học thì ở đâu cũng là trường học. Một hiền nhân xưa dạy: “Cứ trong ba người đi tới trước mặt ta kia, thế nào cũng có một người là thày ta”.
Cụ Lê nin cũng bảo: “Học! Học nữa! Học mãi!” Đó là học ở trong đời sống. Học ở sách vở. Chả thế, Thiên tài Đỗ Phủ trao kinh nghiệm cho ta, mới hay “bí kíp” của cụ cũng là tự học và học ở sách vở: “Đọc sách vỡ muôn quyển – Hạ bút như có thần”. Để “hạ bút như có thần” thì phải thông tuệ hàng vạn cuốn sách. Sách là người thày thủy chung, là người dạy ta đến trọn đời. Bây giờ ở nước ta, có thể nói: Trên trời, dưới sách. Nhìn đâu cũng thấy sách. Sách in. Sách điện tử. Một biển kiến thức ở ngay trong xó nhà mình, muốn khám phá, chiếm lĩnh, chỉ cần một cú “nháy chuột” thôi.
Xin chúc mừng các em đã qua kỳ thi vất vả và đỗ vào các trường đại học. Tất nhiên, đó chỉ là một bước chân trên con đường vạn dặm ngút ngát. Đặc biệt, tôi cũng xin chúc mừng cả những em không có tên trong danh sách trúng tuyển kỳ thi. Không có gì đáng phải buồn cả. Nếu cánh cổng Trường đại học có khép lại trước mặt các em thì rồi sẽ lại có hàng ngàn cánh cửa khác, với những con đường khác, cũng rất tươi sáng, đang mở ra xung quanh các em. Chỉ có điều, các em có đủ sự bình tĩnh, đủ sự từng trải và thông minh để nhận ra những cánh cửa bí ẩn, cùng với những con đường tươi sáng ấy không?
Thiên tài Lỗ Tấn bảo: “Trên mặt đất, làm gì có đường. Cứ đi mãi rồi sẽ thành đường”. Nhưng rồi người đời sau cũng rất thông minh và lịch lãm lại bảo: “Trên mặt đất có thể đã có đường. Nhưng cứ đi mãi thì rồi cũng lại không thành đường!”
Đường chỉ có ở những bàn chân có sức khám phá và sáng tạo. Và sức khám phá, sáng tạo ấy, không phải chỉ ở trong các trường đại học, cao đẳng. Đó là thông điệp của Bill Gates, Mark Zuckerberg và nhiều thiên tài khác. Họ đã đi trước chúng ta và đang chờ đợi chúng ta ở phía trước kia. Đừng bao giờ tuyệt vọng!.../.