Có góc nào của Hà Nội “dáng Tết” sôi động hơn cả? Anh thầm hỏi như vậy và theo thói quen, lượn lên một vùng đất vùng trời quen thuộc hàng mấy chục năm mỗi độ Xuân về. Ấy là khu vực Yên Phụ-Nghi Tàm-Nhật Tân-một vùng ven Hồ Tây. Chao ôi là sắc xanh non của rặng cơm nguội vàng dọc đường Yên Phụ trước khách sạn Thắng Lợi. Rặng cơm nguội xanh non ấy đã quyến rũ anh cho đến hôm nay, đến mức năm nào không đảo qua được một vòng ngắm nó, năm ấy coi như Xuân không về.
Cũng mất vài năm sau 1975, ở mảnh đất phương Nam, tàu xe khó khăn không về Tết được, đành đón Xuân dưới cái nắng chang chang của SàiGòn. Còn đều đặn mỗi độ “Tết đến Xuân về”, kiểu gì anh cũng phải “đánh đường” lên Yên Phụ và đảo qua “dinh Đào” và các làng hoa lân cận.
Dinh Đào giờ đã mất.Cả vùng đào Nhật Tân giờ chuyển ra ngoài bãi sông Hồng, nhưng xem ra cái hồn cốt của một vùng đào không còn nữa.
Vậy mà sáng nay, ở góc đường Yên Phụ, ven con đường dốc xuống làng Nghi Tàm xưa, nhìn thấy những củ thủy tiên đâm hoa được bày la liệt, không chen lấn với đào,với cúc,với hồng,lòng anh chợt rưng rưng… Xuân vẫn đang về,Tết rồi sẽ đến.
Tết đến với người phụ nữ đang gò lưng đẩy chiếc xe đạp cũ kia, loe hoe trên chiếc thùng sắt là mấy nhánh đào con mang bán cho những ai thích để trên bàn thờ gia tiên một sắc hoa đào.
Tết đến với người phụ nữ đội mũ tai bèo, đẩy chiếc xe đạp trên có buộc một cây quất vừa vừa, qua lại trước cổng nhà anh trong buổi sáng nay. Anh hỏi: “Từ sáng đến giờ tôi thấy cô mấy lần mang quất qua đây?”. Như hiểu ý anh hỏi gì, người phụ nữ khoe: “Ấy, từ sáng đến giờ em bán được 4 cây rồi đấy”.
Trên đoạn đường ven đê quai Tứ Liên,s áng 28 Tết người mua chen chúc. Từng đợt từng đợt những chiếc xe ôm chở quất, những chiếc xe ba bánh chở quất, những chiếc ô tô chở quất, những cây quất to ngất ngưởng, với cái dáng không phải khoe công chăm sóc mà là khoe túi tiền của người mua lần lượt chạy đi không làm anh chú ý bằng những con người đang vất vả phục vụ các”thượng đế”.
Bình- chủ một vườn quất nhỏ, nói với anh: “Vườn em còn mấy cây, bán cũng được, mà không bán cũng được”. Tính tình xởi lởi, ra giá vừa phải, vườn quất của Bình hết rất nhanh. Còn hai cây quất dáng đẹp, lộc hoa đều đủ, ai hỏi Bình cũng lắc đầu: “Em để dành cho hai chú giúp em đánh cây chở hàng, nhà tận Tuyên Quang.”
Gần trưa, hai người thợ hớn hở đến nhận cây, chằng buộc cẩn thận trước khi làm chuyến “mã hồi” cả trăm cây số về nhà. “Năm nào cũng vậy, quất em mang từ đây vể là nhất cả vùng”. Họ tự hào nói thế, bao nhiêu vẻ mệt nhọc, lam lũ tan biến, cũng như nụ cười của người phụ nữ đội mũ tài bèo một buổi sáng bán được 4 cây quất.
Mua đầu chợ, bán cuối chợ… người nghèo thường vậy. Và dịp Xuân nào, đi chợ hoa, anh cũng mua mà không mặc cả những bông hoa của người nghèo, nào lay-ơn,vi-ô-lét,cúc trắng,cúc vàng…
Mỗi người đều có Xuân, có Tết trong những ngày “Tết đến-Xuân về”, trong mưa bụi lâm thâm, trong sắc hoa đào đỏ thắm tại các vườn đào, trong cả những cành đào nở sớm, nở hết nhà ai mang vứt lăn lóc nơi đầu đường, xó chợ.
Dân ta còn nghèo, còn nhiều cảnh lam lũ vất vả. Nhưng dường như mỗi năm “Tết đến Xuân về” mỗi người cũng khác. Dù chạy đôn chạy đáo,vợ chồng chì chiết cãi lộn vì hàng họ không chạy, vì một món nợ chưa trả được,t hì đến bữa cơm của chiều 30, dường như mọi nỗi vất vả lo toan đều gác sang một bên, để chuẩn bị đón giao thừa, để chúc mừng năm mới…
Ở đất Bắc tới ba chục năm, Hoàng Hiệp mới viết được câu ca “Ôi nhớ chiều ba mươi Tết”… người dân Hà Nội nào đi xa mỗi khi nghe hát đều thấy rưng rưng. Như anh, ngày 28 tháng Chạp Giáp Ngọ này, đi một vòng quanh cái góc Thủ đô mà anh cho là “Tết nhất” của Hà Nội, cảm thấy, nhìn thấy, nghe thấy cái hối hả, cái quay cuồng, người đi như ma đuổi, người dọn nhà đến bở hơi tai, những câu than vãn “có mấy ngày Tết mà khổ quá”-“năm sau thì dẹp nhé…”; và tất cả như tan đi khi phút giao thừa đến, nghe cái tĩnh lặng của đất trời, khi trên chiếc bàn con để mâm cơm cúng giao thừa nghi ngút khói hương.
Tết đến rồi. Xuân đến rồi. “Em ơi mùa xuân đến rồi đó…”
Mở trên trang mạng VOV.VN, thoạt đầu đoc bài viết của tác giả Cảo Thơm nào đó, than vãn về Tết, anh đã định commen cãi lại. Nhưng hóa ra tác giả “cao tay”, đến những dòng cuối cùng mới hạ một câu “Hãy mở lòng ra”. Vâng, hãy mở lòng ra, ta sẽ thấy Tết đên Xuân về trong từng làng quê xóm nhỏ, trong từng làn da thớ thịt căng lên mà đón Xuân về. Và anh đã mở lòng ra để viết những dòng này./.