Nhiều người bảo, tết bây giờ không vui bằng Tết ngày xưa. Tôi cũng đã có lúc nghĩ như vậy nhưng nay đã thay đổi. Vì những người ngày xưa vui Tết bây giờ đều đã bước vào tuổi lo toan nên rõ ràng là không thấy Tết bây giờ vui như ngày xưa nữa.

tet_xua_va_tet_nay_dsta.jpg
Nhiều nét đẹp của tết cổ truyền vẫn được lưu giữ, phát huy.

Hãy nhìn vào mắt đám trẻ con thì mới thấy chúng háo hức đón Tết như thế nào! Cuộc sống bận rộn nên nhiều người là lao động chính trong gia đình muốn giản tiện đi nhiều thứ, thậm chí muốn bỏ tết cổ truyền để “chập” vào với tết Tây. Nhưng mọi người đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà tước mất sự háo hức của con trẻ, người già. Sắm một cái Tết tươm tất trước hết cho chính gia đình mình. Quanh năm vất vả kiếm sống, làm việc, con cái học hành, chỉ có dịp Tết mới có thể dành thời gian cho cha mẹ, con cái một cách đủ đầy, trọn vẹn nhất.

Cậu con trai bé của tôi 2 năm trước còn không biết lấy tiền lì xì để làm gì thì năm nay, con mong đến giao thừa để mừng tuổi cho ông bà và mọi người trong gia đình. Theo những gì con tiết lộ thì quà Tết của con không phải là tiền mà là một điều rất bí mật, chỉ khi nào mở ra cả nhà mới biết.

Tôi nhiều khi sợ Tết nhưng lại mong đến Tết. Vì có rất nhiều điều thú vị, ấm cúng mà chỉ Tết mới có. Chỉ có Tết người ta mới dễ bỏ qua cho nhau nhiều thứ. Chỉ có Tết mới có đủ sức lôi kéo một người con đi xa vạn dặm trở về chỉ để ăn một bữa cơm đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Tôi đã dưng dưng khi đọc những dòng chia sẻ của nhiều người bạn về cha mẹ họ nơi chín suối. Đó là những kỷ niệm rất đỗi giản dị, thân thương. Một năm hai lần, ngày giỗ và ngày Tết, những người còn sống nhớ về người đã khuất nhiều nhất. Tết với những người còn cha mẹ thì đó là niềm hạnh phúc tràn đầy. Với những người không có hạnh phúc ấy thì là dịp để chiêm nghiệm, tri ân, dành một khoảng lặng để nhớ về những gì đã qua, nhớ lại những gì cha mẹ đã làm cho con cái trong ngày Tết để làm lại như vậy cho những đứa con thân yêu của mình.

Nhiều người bày tỏ  sự nuối tiếc tết xưa, nhưng rất nhiều nét đẹp của tết cổ truyền vẫn còn được giữ lại. Ngày xưa, để chuẩn bị cỗ Tết, kiểu gì các gia đình cũng phải gói bánh chưng, giã giò, ép giò mỡ, làm bánh kẹo… Nhưng nay, điều kiện kinh tế - xã hội phát triển không bắt chúng ta dành quá nhiều thời gian cho những việc đó. Nhưng có những nét đẹp văn hoá mà bao đời nay người dân Việt Nam vẫn lưu giữ như chỉ nói những lời tốt đẹp trong ngày đầu năm mới; Dù cuộc sống có bận rộn, vất vả đến cỡ nào thì bữa cơm tất niên sum họp gia đình vẫn được nhiều gia đình gìn giữ thực hiện; hay truyền thống "mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy"...

Những gì hủ tục cũng dần được loại bỏ. Ví dụ như tục không quét nhà trong 3 ngày Tết thì nay nhiều người không còn theo, hay như việc đốt pháo tưởng như khó có thể bỏ được mà chúng ta đã từ bỏ hàng chục năm nay. Cuộc sống hiện đại, văn minh, nhận thức của con người cũng đổi khác nên chuyện có thể không còn lưu giữ được điều gì đó trong Tết truyền thống là điều dễ hiểu và chấp nhận được. Điều quan trọng là mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên những bữa cơm thân mật, những cuộc đoàn viên, gặp gỡ… mỗi người lại có thêm động lực làm việc, học tập thật tốt để chuẩn bị cho Tết năm sau./.