Trong bộn bề lo toan, bận rộn chuẩn bị cho Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều người lại xôn xao câu chuyện về hành động lạ lùng, có một không hai của một tên cướp.

Sự việc xảy ra lúc 13 giờ 30 phút ngày 28/1, chị Phan Thị Bích Tuyền (25 tuổi, quê An Giang) chạy xe máy qua địa bàn phường An Phú thì bị một nam thanh niên chạy xe máy áp sát, giật giỏ xách. Trong giỏ xách có 107 triệu đồng cùng 2 điện thoại (Iphone X và Iphone 6). Chị Tuyền đuổi theo tên cướp nhưng không kịp. Ngay sau đó chị đến Công an phường An Phú trình báo sự việc. Bất ngờ, ngày 29/1, lực lượng chức năng phát hiện trước UBND phường An Phú có ai đó vứt một túi ny lông. Kiểm tra bên trong, mọi người bất ngờ thấy 100 triệu đồng, cùng 2 điện thoại và lá thư của đối tượng thực hiện vụ cướp.

ten_cuop_bi_an_qnmd.png
Một phần trong bức thư của tên cướp bí ẩn.

Bức thư thể hiện sự ăn năn, day dứt của tên cướp bởi hành động của mình; mong từ nạn nhân, xã hội sự tha thứ và lời hứa sẽ làm người tốt. Lý do dẫn đến hành động phạm tội của tên cướp là vì đã lỡ mượn tiền của tín dụng đen và không thể trả được, liên tục bị gây áp lực trả nợ. Tên cướp lo sợ vì vợ mới sinh con. Nhưng khi cướp được số tiền lớn như vậy, anh ta lại nghĩ đến nạn nhân của mình có thể đang rất cần tiền mà lại bị như vậy. “Toàn bộ số tiền ấy tôi đã lấy một chút ít để trả nợ. Sau này tôi nhất định sẽ trả lại cho xã hội. Và mong mọi người hãy mở vòng tay tha thứ cho kẻ tội lỗi này được một ân huệ và tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến người tôi cướp, mong các anh gửi lại số tài sản đến người đã giúp tôi".

Trước hết phải khẳng định, hành động ăn cướp là vi phạm pháp luật và cần phải bị lên án và trừng trị. Vụ cướp này “rất may” là đã có cái kết có hậu. Bởi, đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra sau những vụ cướp giật trên đường phố. Nhiều người bỗng trở nên tàn phế, hay mất mạng vì khi bị cướp giật đã ngã xuống đường. Vì thế, nói đến cướp giật ai cũng thấy sợ hãi.

Thế nhưng, khi kết tội hay phán xét bất kỳ ai thì người ta còn dựa vào nhiều yếu tố khác như hoàn cảnh, bối cảnh, động cơ, xuất thân… trong trường hợp này, theo như tên cướp vì bị thúc ép bởi những kẻ cho vay nặng lãi mà làm liều. Nếu sự thật đúng như những gì tên cướp giãi bày trong thư thì có thể khẳng định anh ta vốn là người lương thiện, có tình chứ không phải kẻ máu lạnh.

Người Việt rất nhân ái trong quan niệm “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại”. Chính vì thế mà hành động trả lại phần lớn số tiền rồi xin được tha thứ và hứa làm lại cuộc đời để trả nợ cho nạn nhân của tên cướp kia nhận được sự cảm thông, chia sẻ của rất nhiều người. Nạn nhân trong vụ cướp cũng đã đề nghị không truy cứu tên cướp. Nhưng mong rằng, đây không phải là “mô hình” để những tên cướp, những kẻ lười lao động khác vin vào để “nhân rộng”. Bởi muốn nói gì thì nói, ăn cướp là phạm pháp và không ai lường trước hậu quả vụ cướp đó sẽ như thế nào.

Qua sự việc này, các cơ quan quản lý cũng cần mạnh tay với tín dụng đen. Bởi tín dụng đen đã như những cơn lốc kinh hoàng càn quét qua bao làng quê, gia đình. Tín dụng đen là nguyên nhân của rất nhiều vụ việc đau lòng khiến bao gia đình tan nát, vợ mất chồng, con mất cha, thậm chí là cả gia đình ôm nhau cùng chết.

Vì sao người dân mỗi khi khó lại tìm đến tín dụng đen dù biết đó là mô hình kinh doanh không được pháp luật cho phép và có lãi suất vay “cắt cổ”? Chỉ vì người dân dễ vay, dễ tiếp cận, giải quyết được ngay lập tức nhu cầu của người đi vay. Nếu như các chính sách tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn với người dân có lẽ sẽ bớt những câu chuyện đau lòng từ tín dụng đen./.