Điện ảnh Việt Nam ngay từ thời kỳ đầu cũng đã nắm bắt lợi thế của việc chuyển thể tác phẩm văn học thành tác phẩm điện ảnh. Và dù không tạo nên một dòng chảy liên tục, mạnh mẽ, nhưng đã để dấu ấn trong lòng khán giả yêu phim Việt.

Song có lẽ, chuyển thể từ một tác phẩm văn học đến một tác phẩm điện ảnh là điều không phải đạo diễn nào cũng có thể thực hiện được nên vẫn còn bỏ ngỏ cả một “kho vàng” tác phẩm văn học Việt.

Một dòng chảy ngầm nhiều ấn tượng

Có lẽ không người yêu phim Việt nào lại không biết đến phim “Vợ chồng A Phủ”, đạo diễn NSND Mai Lộc, Hoàng Thái. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Đây là phim được chuyển thể từ tác phẩm hay nhất trong tập "Truyện Tây Bắc" của nhà văn Tô Hoài và được chính nhà văn chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. A Phủ và Mỵ đã trở thành hai nhân vật kinh điển của điện ảnh Việt.

vo_chong_a_phu_2_judg.jpg
Hình ảnh trong phim "Vợ chồng A Phủ".

Tiếp theo là phim “Chị Tư Hậu”, Đạo diễn NSND Phạm Kỳ Nam chuyển thể từ tác phẩm Một chuyện chép ở bệnh viện của nhà văn Anh Đức. Và phim đã đánh dấu một tài nữ diễn xuất của điện ảnh Việt NSND Trà Giang.

Tuổi thơ của những người yêu phim Việt ở độ tuổi U6- U7 chắc khó quên ấn tượng với phim “Mẹ vằng nhà”, Biên kịch- Đạo diễn NSND Nguyễn Khánh Dư, chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi có tên Người mẹ cầm súng.

Câu nói của nhân vật Cố Hồng “Nhà ngói cũng như nhà tranh” trong tác phẩm văn học nổi tiếng Tắt đèn của nhà văn Ngô tất Tố đã được thể hiện sống động trong phim “Chị Dậu”, do NSND Phạm Văn Khoa làm biên kịch và đạo diễn.

Có lẽ người Việt gần như ai cũng ám ảnh nhân vật Chí Phèo với lời gào bi thương trước khi chết “Tao muốn làm người lương thiện”, hay Lão Hạc khóc thương con chó Vàng… Và phim “Làng Vũ đại ngày ấy”- Biên kịch Đoàn Lê, Đạo diễn NSND Phạm Văn Khoa, thể hiện trung thành nguyên tác ba tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo, Lão Hạc và Trăng sáng.

Hìn ảnh trong phim “Làng Vũ đại ngày ấy".

“Bến không chồng”- Biên kịch Lưu Trọng Văn, Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Tiểu thuyết này đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1991. Phim thành công nhất của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho đến nay. Phim kể về một vùng quê đồng bằng Bắc bộ, có bến nước, cây đa, sân đình…và những người thiếu nữ và thiếu phụ góa chồng buồn bã đợi chờ những người ra chiến trận…

Tiểu thuyết "Thời xa vắng" của nhà văn Lê Lựu là một tác phẩm được đánh giá cao trong dư luận từ khi nó ra đời vào những năm 80 và nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1986. Đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã phải mất đến 16 năm, để chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, và đưa được tác phẩm đến với công chúng. Là câu chuyện về những con người muốn vươn lên thoát khỏi số phận cổ hủ của làng quê Việt Nam, nhưng lại luôn hoài niệm về một thời xa vắng đã qua.

Và cứ như từng ngắt quãng không đều, điện ảnh Việt thi thoảng có những phim chuyển thể tác phẩm văn học, tuy không đình đám, nhưng phần lớn gây ấn tượng đến khán giả.

Điều đáng ghi nhận như một ưu điểm, những bộ phim chuyển thể cũng khẳng định được chỗ đứng riêng biệt, hầu hết đều là những bộ phim có chất lượng tốt, thậm chí có những giải thưởng về nghệ thuật và  doanh thu cao, có tầm ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển điện ảnh Việt.

“Chuyện của Pao” từ tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, “Mê thảo - Thời vang bóng” từ tác phẩm Chùa Đàn của Nguyễn Tuân, “Mùa len trâu” từ Hương rừng Cà Mau và Mùa len trâu của Sơn Nam.

Hình ảnh trong phim "Chuyện của Pao"

“Cánh đồng bất tận” từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư, “Long Thành cầm giả ca” từ bài thơ cùng tên của Đại thi hào Nguyễn Du, “Thiên mệnh anh hùng” từ Bức huyết thư của Bùi Anh Tấn, “Hương Ga” từ Phiên bản của Nguyễn Đình Tú.

“Quyên” từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Văn Thọ, “Ngừoi trở về” từ Người về bến sống Châu của Sương Nguyệt Minh, “Nước 2030” từ Nước như nước mắt của Nguyễn Ngọc Tư… Và gần nhất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, “Cuộc đời của Yến” dựa trên Vàng- Đá của Hồ Hải Quỳnh…

Phim không phải minh họa tác phẩm văn học

Điện ảnh lại có ngôn ngữ biều đạt riêng, là sự thể hiện hình thể nhân vật qua biểu lộ cảm xúc trên gương mặt, ánh mắt, nụ cười, lời thoại, hành động, trang phục.., là âm thanh, ánh sáng, hình ảnh bối cảnh… để trực tiếp gây cảm xúc đến khán giả.

Có thể cảm hứng từ câu chuyện văn học mà trở thành một câu chuyện khác, đứng độc lập, thành tác phẩm điện ảnh riêng biệt. Không nhất định tác phẩm văn học có gì, thì tác phẩm điện ảnh phải như thế khi chuyển thể.

Cũng như khi chuyển thành tác phẩm điện ảnh, nhân vật qua sự “nhào nặn” để đạt được ý muốn của đạo diễn sẽ không còn “nguyên gốc” như ở tác phẩm văn học.

Nhưng rõ ràng lâu nay, các phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của điện ảnh Việt vẫn chưa có phim nào thật sự gây hiệu ứng “đôi”, từ phim đến tác phẩm văn học, từ tác phẩm văn học đến phim. Phim lơ lửng giữa minh họa tác phẩm văn học và tác phẩm độc lập, nên luôn bị so sánh.

Phim cho dù là tác phẩm độc lập, nhưng cách khai thác chi tiết, hay diễn tiến tâm lý nhân vật  trong tác phẩm văn học phần lớn khi chuyển thể đều “non”, nên hiệu ứng cảm xúc ít, chưa so được với tác phẩm văn học phần lớn tạo dựng tên tuổi lâu bền với độc giả.

Chính điều này đã làm cho nhiều phim Việt chuyển thể tác phẩm văn học thiếu hấp dẫn, nhất là một số phim trong 3 năm trở lại đây, chưa thành công như mong đợi. Khán giả là độc giả tác phẩm văn học thì xa lạ với phim, khán giả của phim thì thấy phim không đủ hấp dẫn.

Ngoại lệ có phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là đã chạm vào cảm xúc của cả hai loại khán giả - độc giả.

 

Còn đó một kho vàng tiềm ẩn

Tác phẩm văn học đã mang đến các nhà sản xuất phim nguồn cảm hứng lớn để dựa vào đó để làm ra những kịch bản chất lượng. Ngoài ra, những tác phẩm văn học đã có độ “thử” thời gian luôn có một số lượng lớn độc giả. Và họ là khán giả tiềm năng muốn nhìn những nhân vật của mình bước khỏi trang giấy và hiện diện trên màn ảnh rộng, như đang sống một cuộc đời thực. Đó là lợi thế của điện ảnh.

Nền văn học Việt Nam qua nhiều thời kỳ kể từ khi lập quốc đều có những tác phẩm “sống mãi với thời gian”, ngoài một nền văn học dân gian phong phú còn có các tác phẩm như tinh hoa văn chương Việt của những tác gia kiệt xuất, những tác giả làm nên diện mạo văn chương Việt hàng ngàn năm từ xưa đến nay.

Việc khai thác cái “kho vàng” này cho tời hiện tại còn quá khiêm tốn, không đáng kể so với tỉ lệ phim được sản xuất tính từ năm 1959 (phim truyện điện ảnh đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam được sản xuất) đến nay.

Từ tác phẩm văn học, đến kịch bản phim, ra đến hiện trường, hoàn thành tác phẩm là một quá trình dài đòi hỏi người đạo diễn phải dồn vào đó rất nhiều tâm huyết, và cả tài năng, biết nắm bắt những gì “đắt” nhất của tác phẩm văn học.

Có lẽ vẫn còn khoảng cách giữa tác phẩm văn học với các nhà đạo diễn, không chỉ về “tâm”, “tài” mà còn vướng mắc nhiều vấn đề chưa khai thông, khi làm phim chuyển thể tác phẩm văn học, đầu tư vào phim có thể gấp nhiều lần phim khác?

Trong khi thực trạng điện ảnh Việt đang rất thiếu kịch bản có chất lượng, thì việc khai thác “kho vàng” tác phẩm văn học Việt là nguồn tài nguyên phong phú , giàu ý nghĩa nhân văn, văn hóa… nên khai thông.

Không phải vì khó mà ngó lơ “kho vàng” giàu có. Nên chăng có sự liên kết như một thỏa thuận giữa văn học và điện ảnh ở khía cạnh Hội nghề nghiệp và các dự án chiến lược của ngành điện ảnh?/.