Những năm 90 của thế kỷ trước, nghệ sỹ Vũ Hà, biên tập viên Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) nảy ra sáng kiến xây dựng chương trình “Câu lạc bộ Hài truyền thanh”. Lúc ấy tôi là Trưởng ban Thư ký Biên tập nên Vũ Hà vào chuyện khá hài hước: 

- Báo cáo sếp, Đài ta suốt ngày nói, hát, cải lương, vọng cổ quá nhiều rồi, bây giờ phải cười thôi.

Thấy tôi chỉ chăm chú nghe, không nói gì, không tỏ ra thích thú hay phản đối, anh trịnh trọng:

- Tôi báo cho ông biết, cụ Trần Nhật Lam, cụ Trần Mạnh Thường đồng ý sái cổ rồi. Còn ông thì sao?

Tôi cười trước, nói sau:

- Quá hay chứ còn sao trăng gì nữa. Vấn đề là chọc làm sao cho thính giả cười được, cười nghiêng ngả.

- Chí lý. Tôi nghĩ nát nước rồi. Trước hết là phải có kịch bản hay. Tôi thấy ông cũng có máu hài. Đặt luôn nhé.

Không để cho tôi tỏ thái độ, Vũ Hà chốt luôn:

- Một chuyện cười. Tác giả Vĩnh Trà. Tít đặt sau nhé.

nsutphambang_38604_ohxo.jpg

Không cựa được, tôi bò lăn bò càng viết, xóa, gạch chéo, viết. Cuối cùng cũng ra một chuyện, dài khoảng 7 phút. Tôi băn khoăn chọn người diễn. Cười trên làn sóng chủ yếu là ngôn ngữ, kịch tính và nhạc minh họa. Xuân Hinh thì phải hề chèo một tý, còn Văn Hiệp thật dân giã. Nhân vật của tôi vừa tỏ ra đứng đắn vừa hài hước, ranh giới nổ ra xung đột, nảy ra tiếng cười khá mong manh. Đã bật ra cười thì phải cười thành tiếng, cười xả láng. Nhưng sau tiếng cười lại kéo thính giả vào chiều sâu suy nghĩ. Cười mà thấy đau, cười mà thấy xót, cười mà thấy thương, cười mà thấy ghét. Kỳ vọng vậy nên tôi chọn nghệ sỹ Phạm Bằng. Tôi được xem nghệ sỹ diễn nhiều trên sân khấu, trên làn sóng, trên phim. Tôi nghe bác phát biểu ngắn gọn, vui tai trong Hội thảo tại Đài TNVN. Nhưng lần này chọn bác thể hiên kịch bản của mình thì đâm ra do dự. Kịch bản chưa tới mà mời nghệ sỹ tên tuổi, có nên không. Tôi đem chuyện bàn với Vũ Hà, anh nói luôn:

- Trời ơi, ông băn khoăn làm gì cho tốn nơ ron thần kinh. Không mời Phạm Bằng thì mời ai?

Đưa bản thảo cho bác Phạm Bằng tôi như học trò chờ trả bài. Nghệ sỹ nheo nheo mắt, cười tủm rồi thả một tiếng: “Được”. Phạm Bằng diễn đi diễn lại vài ba lần, rồi bắt tôi và Vũ Hà góp ý. Cả hai chúng tôi cười thoải mái. Phạm Bằng lại nheo nheo mắt. “Thế là đạt.” Diễn vui thế, nhưng khi góp ý, bác rất nghiêm túc, đứng đắn:

- Các cậu này, lên sân khấu, lên phim chọc cho người ta cười bằng mắt, cử chỉ, hành động đã khó, còn chọc trên làn sóng, chỉ có ngôn ngữ, lại không có khán giả trước mặt, còn khó cho người diễn nhiều, nhiều lần nữa…

Trước khi leo lên xe máy, ra về, Phạm Bằng vỗ vai Vũ Hà:

- Cậu leo lên “Câu lạc bộ Hài truyền thanh” là dũng cảm đấy. Có gì cứ ới tớ một câu. Có ngay. Nhưng mà nói trước nhé. Một tuần cười một lần, mà giữ được cả tháng, cả năm là khó lắm đấy. Cười không dễ đâu.

Vũ Hà nói to, cố át tiếng xe máy hở ống bô của nghệ sỹ Phạm Bằng:

- Chúng em sẽ cố ạ. Tiếng cười hơn mười thang thuốc bổ mà bác./.