Danh hài đem lại tiếng cười cho người, năm tháng cuối đời chìm sâu vào cô quạnh. Những phận buồn nghệ sỹ mỏng manh, bạc bẽo không thiếu ở xứ mình. Nghệ sỹ hài Văn Hiệp nhận danh hiệu NSƯT khi đã vĩnh biệt cuộc đời. Với những nghệ sỹ như: Mạnh Linh, Hồ Kiểng, Chánh Tín, Đơn Dương... bóng tối che phủ hào quang ánh đèn xinê, sân khấu...

Tự dưng nhớ tới những điệu chèo mê từ thuở nhỏ. Một dạo, nhiều âm điệu lạ làm ta quên chèo. Nay đời sống tít mù, giá trị đảo lộn, cần thăng bằng, ta yêu lại chèo như để đi tìm cái kết có hậu trong những câu chuyện cổ. Không chỉ có “Happy-end”, chèo còn độc ở hệ thống phân vai. Một số mẫu nhân vật trong nhiều vở không có tên riêng, chỉ gọi chung kiểu như: phú ông, thầy đồ, thư sinh, hề... Tất cả những mẫu người trong xã hội được phân theo cặp: Vua-Tôi, mẹ Đốp-Lý trưởng, Thị Kính-Thị Mầu, Lưu Bình-Dương Lễ... Nhân vật nào cũng lộ hết màu sắc cá tính: bi-hài, yêu-ghét, trung nghĩa-đểu cáng, ngay thẳng-xu nịnh... và được phân định rành rẽ theo phúc phận. 

robin_williams_weapons_of_self_destruction_1024_mwmk_ehnv.jpg
Danh hài Robin Williams
dDiễn viên nào sẽ có vai của người đó. Có người trời sinh ra gương mặt hóa thân được nhiều tạng người khác nhau: tốt-xấu va đập chan chát, ẩn hiện “tranh tối tranh sáng”; có người lại đóng chặt vào các vai chính diện, đôi khi thèm được là anh thường dân xấu bụng mà không dễ; rồi lại có anh chỉ quen đóng vai đểu, lướt qua sân khấu, màn hình tivi, cất lên giọng nói... là người ta thấy đểu nên chẳng dễ để mơ một vai quân tử, trượng phu; rồi mãi vai vua quan cung cấm nhàm chán kẻ hầu người hạ bỗng thích hạ cố đóng anh Nô ngây ngây dại dại nơi thôn dã nghèo hèn, cười-khóc giữa nhân gian.

Chỉ ngoài đời là không như sân khấu, người ta hay nghĩ đến chỗ của người khác. Kẻ kém cỏi tìm cách hạ bệ người giỏi giang; người bất tài len lỏi leo lên chiếc ghế quyền lực. Lưu Quang Vũ gửi lại đời vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt”. Tình cảnh trớ trêu đó đầy rẫy trong cuộc sống bây giờ. Lưu Quang Vũ chỉ là người gom lại đưa vào trong cốt chuyện dân gian. Hình ảnh ông Trương Ba giỏi cờ thuở xưa lại phập phồng câu chuyện thời đại, mang vác những tầng ý nghĩa nhân tình thế thái không giới hạn thời gian. 

Một cảnh trong vở diễn "Hồn Trương Ba da hàng thịt" của Lưu Quang Vũ. Ảnh: Lao Động
Chèo và sân khấu rõ từng mảng miếng bao nhiêu. Cuộc đời lại phức tạp, khó đoán định bấy nhiêu. Có nhiều vị thoắt có chút phẩm hàm là giọng lưỡi có gang có thép hẳn. Chả bù cho trước đó, lưng khom khom cúi cúi nom rõ khổ. Có vị ngày làm quan “mũ ni che tai” im thin thít, nghỉ hưu liền đăng đàn mắng nhiếc ầm ầm...

Trở lại chiếu chèo, cảm thương nhất là bác hề chèo. Cái cười chua xót, bi phẫn, cái cười che đi khuất chìm số phận. Những nỗi đau tận đáy không khóc được phải giấu vào tiếng cười. Đau đến phát... cười, thế thì còn gì đau bằng. Bác hề xưa một lúc gánh hai vai giữa sân khấu bi-hài. Xé ruột xé gan, tiếng cười còn đớn đau hơn cả nước mắt. Vẫn không quên Hề Hoạn bị chôn sống trong vở “Bài ca giữ nước” của Cụ Tào Mạt, tiếng cười như tiếng sét cứa ngang trời...

Thôi dừng miên man để nhẩm lại bài thơ một câu của Dương Tường đề nơi mộ chí: “Tôi đứng về phe nước mắt”.

Ở đâu cũng thế thôi, nghệ sỹ khóc-cười giữa cuộc đời nhiều nỗi...!./.