Ông không dạy tôi ngày nào, nhưng tôi lại học được từ ông rất nhiều. Tôi chưa một lần gọi ông là thầy, chỉ gọi là bác, là nhà giáo, nhưng ông thực sự là người thầy trong tôi. Xin được gọi ông với cách gọi quen thuộc: Bác Đình Cao. 

Bác Đình Cao là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nghỉ hưu, người giúp tôi rất nhiều trong quá trình dàn dựng chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” trên Hệ VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tôi cũng chẳng nhớ ai đã giới thiệu tôi với bác. Giờ chỉ còn nhớ mỗi hình ảnh một ông già nhỏ thó he hé cánh cửa, ló đầu ra nhìn ra ngõ ngóng cái thằng phóng viên là tôi, mỗi khi tôi trễ hẹn, dù chỉ 2 – 3 phút.

chan_dung_nguoi_thay_kldm.jpgẢnh minh họa

Đến muộn, bác không trách, chỉ động viên: “Sợ bạn bị tắc đường”. Bác gọi tôi là bạn hoặc bằng tên: Thiệu Phong. Gọi điện đến cơ quan cho tôi mà người khác nhấc máy, bác vẫn nhẹ nhàng: “Tôi là Đình Cao. Làm ơn cho tôi gặp Thiệu Phong”. 

Trong xã hội hiện nay, trong khi có người ra sức “dìm hàng” để chứng tỏ mình, hoặc lên mặt kẻ cả, bề trên, trịch thượng gọi người khác bằng nó, bằng thằng… thì bác vẫn gọi tôi thân mật và tôn trọng như thế, dù tôi chỉ là lứa hậu sinh, đáng tuổi con cháu.

Người ta bảo chỉ cần qua cách lập ngôn, biết người đó văn hóa tới đâu. Với bác Đình Cao còn hơn thế. Trò chuyện với bác, tôi luôn bị hấp dẫn và bị thuyết phục bởi tính điềm đạm, chừng mực và rất cầu thị - một thái độ không dễ tìm ở những người có nền tảng học vấn, kiến thức cao hơn hẳn người đối thoại. Và có một điểm rất thú vị là khi trò chuyện với bác Đình Cao, cách ăn nói, ứng xử của người Hà Nội xưa được “phục dựng” lại gần như nguyên trạng.         

Lần nào đến làm việc, bác Cao cũng chuẩn bị sẵn một cốc sữa, vài cái bánh quy để mời tôi. Chắc ông biết hết giờ ở cơ quan là tôi phóng xe đến thẳng nhà ông nên bụng đói. Trong lúc tôi ăn vội miếng bánh, ông rà soát lại nội dung làm việc mà chúng tôi đã trao đổi trước đó.

Nội dung làm việc được ông nghiên cứu rất kỹ, viết tóm tắt trên trang giấy học trò. Những dòng chữ viết tay của ông không đẹp nhưng rõ ràng, có chỗ ghi bút đỏ, có phần ghi bút xanh, bút chì. Và trên đầu bao giờ cũng có hàng chữ lớn, nắn nót bằng mực đỏ: CÂU TRẢ LỜI CHO BẠN PHONG, ĐÀI TNVN.

Tôi lưu lại file âm thanh các buổi phỏng vấn chắc chắn không thể đầy đủ bằng phần ghi chép này. Những ghi chép ấy bác Cao giữ nó rất cẩn thận. Bác bảo: “Những câu hỏi của bạn là gợi ý tốt cho công việc nghiên cứu của tôi. Có câu hỏi có thể phát triển thành một đề tài”.

Chẳng học hàm học vị gì ghê gớm, nhưng chương trình có nhà giáo Đình Cao tham gia là thương hiệu của VOV2 và được nhiều thính giả yêu thích.

Mãi sau này, khi hai bác cháu thân thiết, bác mới kể cuộc chiến biên giới Tây Nam khiến bác dở dang cái luận văn cao học. Vì thế, cho tới khi về hưu bác cũng chỉ là giảng viên chính.

Tôi vừa điện hỏi thăm sức khỏe của bác, nhân tiện trao đổi mấy cuốn từ điển gây xôn xao dư luận gần đây. Vẫn giọng nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, bác nói: “Những sự việc như thế càng làm cho mình phải kỹ lưỡng hơn, thận trọng hơn vì mình vẫn đang chủ biên mấy cuốn từ điển”. Bác khoe đã sử dụng khá thành thạo máy tính. Ở tuổi trên 80 mà vẫn chịu học hỏi như thế thì trẻ tuổi như tôi phải học rất nhiều.

Bây giờ, chắc bác làm việc với đồng nghiệp với những nội dung được in vi tính đẹp lắm rồi. Nhưng tôi vẫn không thể quên tập tài liệu viết tay được bác soạn rất công phu trước mỗi lần làm việc, trải qua nhiều năm cộng tác với VOV2. Xấp tài liệu bằng giấy học trò, viết tay chi chít mực xanh mực kia không chỉ là tư liệu quý đối với bác, mà còn xứng đáng là một hiện vật quý báu của Phòng truyền thống Đài Tiếng nói Việt Nam sau này./.