Tôi bắt đầu để ý đến chữ tín của người Mỹ từ một chuyện mà mình cả đời chắc cũng chả bao giờ dám nghĩ tới khi còn chưa sang đây công tác. Thực ra thì cũng không có gì to tát cả. Một anh bạn mua đồ qua mạng. Đã quá thời hạn mà chưa thấy hàng đâu, anh này mới viết thư đến người bán khiếu nại. Bên bán khẳng định là hàng đã xuất và hứa kiểm tra lại. Lỗi của ai thì chưa biết, có thể là của người mua, có thể là của người bán, cũng có thể là của công ty vận chuyển nhưng chỉ vài ngày sau, anh nhận được món hàng mới cùng lời xin lỗi của bên bán là đã gây bất tiện cho khách hàng. 

promise_ablog_aoju.jpg
Ảnh minh họa.

Chuyện thứ 2. Một anh bạn nữa mua một chiếc nồi cơm điện khá đắt tiền từ chuỗi bách hoá Macy's nổi tiếng nước Mỹ. Sau một thời gian sử dụng thì chiếc nồi bị hỏng, vẫn trong hạn bảo hành. Anh bạn rủ tôi đi cùng, mang nồi đến xem sao. Tới nơi, vừa mở mồm trình bày được dăm câu ba điều, cô nhân viên bán hàng, sau khi kiểm tra vài dữ liệu trong máy tính, bảo: "Mày để đấy, nồi mới đằng kia!". Anh bạn cứ đứng chờ, tôi thì quanh quẩn trong cửa hàng, tưởng nồi sẽ phải kiểm tra để xem lỗi của nhà sản xuất hay của người sử dụng rồi tính. Một hồi mà thấy anh bạn vẫn đứng ngẩn, cô nhân viên mới hỏi :"Sao mày còn đứng đấy, không ra chọn cái mới đi?". Ô, thế không kiểm tra à! Nhỡ tao tự làm hỏng thì sao? Làm ăn bên tao thế này thì chả mấy mà vỡ nợ. Đến lúc cầm cái nồi mới tinh đi ra thì chúng tôi một lần nữa thất kinh, không tin nổi tai mình. Cô bán hàng bảo: "Bây giờ đang đợt giảm giá, mày được trừ thêm 30% nữa". Trên đời này có nhẽ đâu thế, vừa được đồ mới lại vừa được trừ tiền. Buôn ngược! Thế mà lợi nhuận của bọn Macy's này cứ lên ầm ầm, năm ngoái tăng tới 5%.

Đấy là chuyện doanh nghiệp. Giờ đến chuyện người Mỹ bán hàng. Cách đây hơn 1 năm, tôi mua một thiết bị điện tử trên eBay. Đồ sản xuất cách đây hơn 4 chục năm nhưng gần như mới tinh, cực hiếm. Khi nhận hàng, mở thùng ra mới thấy có một vết nứt nhỏ. Chắc là lỗi của công ty vận chuyển vì trong ảnh đăng rao bán không hề thấy vết nứt này. Điên người, máy nguyên bản mới mua chứ nứt thế này thì mua làm gì. Viết thư lại cho người bán, ông này khẳng định là lỗi của công ty vận chuyển và hứa sẽ khiếu nại. Hàng ngày ông đều gửi cho tôi thông tin cập nhật nhất về vụ việc. Sau khoảng 1 tuần, ông nói công ty vận chuyển sẽ đến nhà tôi để đánh giá thiệt hại và tính đền bù. Tôi nói không có nhà vào thời điểm đó. Suy nghĩ một lúc, ông bảo rằng: "Nếu cứ phải hẹn đi hẹn lại thế này thì phiền cho mày quá, thôi tao chịu thiệt. Tao sẽ hoàn hết tiền cho mày, còn máy thì mày cứ giữ lấy mà dùng". Đến nước này thì chẳng còn bực mình tí nào nữa, coi như xí xoá, tiền tôi ông cầm, máy ông tôi dùng.

Lại một lần khác, tôi mua một món đồ cũ nữa, chủ nhà không dùng muốn bán, trong đó có một chi tiết sắt bị hơi cong. Chủ nhà nói lúc vận chuyển bị thế, họ cũng không muốn động vào. Khi đến nơi xem đồ, tôi bật cười, tưởng gì chứ cái sắt cong này dùng tay uốn cái thẳng luôn, chắc không mất đến 2 giây. Thôi thì đằng  nào chả mua, tôi hỏi thẳng, có cái gì đâu mà ông không uốn lại, coi như vẫn nguyên bản, ai biết đấy là đâu. Chủ nhà độp luôn: "Không vì cái sắt cong này mà tao giảm giá cho mày đâu, giá đó là giá của đồ nguyên bản. Tao thừa sức uốn lại nhưng chỉ không muốn lừa mày". Ông bảo, dối trá không chỉ là sự sỉ nhục (nguyên văn "humiliation") đối với lòng tự trọng mà nếu bị phát hiện thì uy tín của tao cũng chẳng còn gì. Chả thế mà ai đã từng mua đồ trên mạng của người Mỹ, nước nào khác thì tôi không biết, đều thấy thông tin rất chi tiết về đồ bán, như đã qua tay mấy chủ, đã chỉnh sửa gì hay chưa, có ưu điểm, nhược điểm gì... toàn những thứ nếu không nói ra chắc cũng chả ai biết.

Buôn to bán lớn thế nào hay những gì gì khác thì không dám bàn, nhưng chỉ riêng những chuyện nhỏ nhặt về chữ tín như vậy thôi, bảo sao nước Mỹ cứ giàu bền vững. Tôi chưa thấy gian dối và chộp giật trong từ điển kinh doanh của họ./.