1. Tôi biết có những quán cà phê biên giới ở Châu Âu mà bạn có thể ngồi trên một chiếc ghế, chân bên này là Hà Lan, bạn khua chân sang bên kia đã là... nước Bỉ. Hay đường biên giới giữa Pháp và Bỉ, cũng vậy, nó lẫn trong khu dân cư yên lành, xen kẽ giữa những ngôi nhà mà những gia đình ở đó là hàng xóm láng giềng thân thiết. Một trong những điều khác biệt có chăng chỉ là… giá xăng. Tôi từng kể điều này trong một bài blog sau chuyến đi Bỉ và Pháp năm ngoái.
Đường biên giới hoà bình giữa Bỉ và Hà Lan. (ảnh Internet) |
Vào những ngày này khi biển Đông đang dậy sóng, sao mà tôi thấy nhớ và khao khát những đường biên an bình ấy đến thế.
Khác với những hình ảnh hàng rào dây thép gai và bốt canh gác, đường biên giới giữa Bỉ và Hà Lan được coi là biểu tượng hòa bình của hai quốc gia khi chỉ là những hình chữ thập rời rạc màu trắng mang tính tượng trưng.
Đường biên giới không chạy thẳng mà chạy vòng vèo, có khi xuyên thẳng vào cửa một ngôi nhà, ngang qua một siêu thị hay quán cà phê…
Để tìm hiểu nguồn cơn của sự thú vị lạ kỳ này phải tham khảo lịch sử Châu Âu từ Thế chiến thứ 1 đến Thế chiến thứ 2 nơi châu lục này trong đó có nước Bỉ từng nhiều lần là chiến trường chính với biết bao hi sinh, mất mát, tang thương.
2. Lịch sử cho thấy, các thế lực xâm lược, gây chiến bao giờ cũng cố gắng biện minh cho hành động của họ bằng những mục đích cao cả. Đầu thế kỷ XIX, Napoleon giải thích việc đánh chiếm châu Âu bằng nỗ lực thống nhất châu lục dưới quyền cai trị của mình để vĩnh viễn chấm dứt chia rẽ và chiến tranh. Thế kỷ XX, Hitler biện minh chính sách hiếu chiến bằng sự cần thiết mở rộng không gian sinh tồn của dân tộc Đức thượng đẳng. Còn phát xít Nhật nêu phương châm xây dựng một khu vực cộng đồng đại thịnh vượng và giải thoát các dân tộc châu Á khỏi ách thống trị của thực dân Âu-Mỹ.
Phòng hơi ngạt và lò thiêu người số 1 ở trại Auschwitz. Trong các năm 1943 và 1944, các phòng hơi ngạt và lò thiêu người ở Auschwitz hoạt động với công suất kinh khủng: tính đến mùa xuân 1944, trung bình mỗi ngày, có 8.000 người bị giết theo cách này. (ảnh Internet) |
Gần trăm triệu mạng người đã phải trả giá trong hai cuộc đại chiến thế giới cùng các cuộc chiến khác trong thế kỷ 20 để nhân loại nhận thức được rằng "cùng tồn tại hoà bình, các bên cùng có lợi” mới là con đường bền vững. Bởi vậy, nhằm tránh các cuộc xung đột, không để lặp lại đau thương, thế giới và từng khu vực đều đã chuẩn bị cho mình tâm lý và hành lang pháp lý bằng cách lấy thước đo văn minh là sự tuân thủ luật pháp quốc tế, từ các hiệp định kinh tế đến các thỏa hiệp bang giao quốc tế, để cùng nhau xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp, không để leo thang chiến tranh.
Đối thoại hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, xung đột là cách hành xử văn minh mà nhân loại cũng như bất kỳ quốc gia dân tộc nào đều ưu tiên lựa chọn. Việt Nam cũng vậy, từ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm qua hàng nghìn năm lịch sử, lòng yêu hòa bình, Việt Nam cũng sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền được sống trong hoà bình.
3. Có lẽ quán cà phê biên giới là nơi tuyệt vời nhất để yêu cầu những ai muốn tước đoạt những thứ không thuộc về mình bằng sức mạnh và chiến tranh, đến đó ngồi bên ly cà phê mà ôn lại những bài học lịch sử nhân loại và qui luật của cuộc sống.
Như câu nói của một vị đạo sư “Trên nền đau khổ nảy mầm yêu thương”, dòng chảy cuộc sống luôn biết cách ứng xử với các bài học của quá khứ. Có lẽ Tây âu đã đủ văn minh, đủ trưởng thành từ những bài học đau thương của quá khứ để có thể cùng sống với nhau, yêu thương đùm bọc nhau trong một mái nhà. Thế mới có những đường biên giới kỳ lạ và đáng yêu như thế...
Tôi đã đứng rất lâu lặng ngắm một biên giới như thế...
Ở đó sẽ chẳng có chuyện mấy hình chữ thập chỉ hôm trước, hôm sau bỗng nhiên bị xê dịch đi vài viên gạch, thậm chí vài km… vì chả để làm gì.
Người dân nơi đó đủ trải nghiệm, đủ hiểu biết để không bỏ phiếu ủng hộ cho những thế lực gây hấn và hiếu chiến có thể mang những đứa con của mình ra làm mồi cho súng đạn và làm vật hi sinh cho những điều phi nghĩa.Phải trưởng thành hoặc trả giá, trải nghiệm đến một ngưỡng nào đó người ta mới thực sự hoà giải, cư xử với nhau chân thành.
“Cô bé cầm hoa” (Flower Child), bức ảnh được chụp bởi Marc Riboud, ghi lại khoảnh khắc cô gái trẻ Jan Rose Kasmir đang gài một bông hoa trên lưỡi lê của lính gác tại Lầu Năm Góc trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vào ngày 21/10/1967. Đây được coi là một trong những bức ảnh phản chiến ấn tượng nhất. |
Terri Gurrola được đoàn tụ với con gái sau khi phục vụ tại Iraq trong thời gian 7 tháng. (ảnh Internet) |
Lịch sử chỉ diễn ra một lần và không bao giờ có chữ “giá như”, thế nhưng với hiện tại và tương lai thì khác. Hôm nay (9/5), ngày này cách đây 69 năm, nhân dân Liên Xô đã chiến thắng phát xít Đức, góp phần quyết định chấm dứt Thế chiến thứ 2. Cuộc chiến được ví như một thảm hoạ nhân loại lớn nhất khiến 52 triệu người thiệt mạng. Và cũng chỉ vài tháng nữa thôi, thế giới sẽ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ 1 với hơn 10 triệu người chết. Cuộc chiến khiến châu Âu trở nên suy kiệt cả về vật chất lẫn tinh thần này được hậu thế đánh giá là “một xung đột bi thảm và không cần thiết… bởi vì nếu người ta tìm thấy sự khôn ngoan và thiện chí chung thì chuỗi các sự kiện dẫn đến sự bùng bổ chiến tranh có thể đã bị cắt đứt giữa chừng”.
Nhân loại đã phải chịu biết bao đau khổ và thấm thía nhiều điều từ chiến tranh. Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa./.