Ở Việt Nam cũng như nhiều nhà, gia đình tôi từ nhỏ bắt buộc phải mời cơm. Ai quên bị quở trách. Từ nhỏ không ý thức thành phản xạ có điều kiện.-Con mời cậu ăn cơm - Con mời Mợ xơi cơm. Em mời anh, chị ăn cơm... Đó dần như một nghi lễ trước khi ăn của người Việt.
Rồi tôi vào lính. Chả ai mời cơm ai cả. Tiểu đội trưởng thấy mâm cơm dọn ra hay 6 cái bát đại men hoa Tầu bưng vào bảo: Tiểu đội ăn cơm! thế là tất cả ăn vội vã cho một trận đánh sắp diễn ra. Trở về tôi quên phắt Nghi lễ mời cơm. Bữa ăn, cậu tôi không mắng, sớm hôm sau khi uống trà ông nhắc khéo: "Con lâu ngày đi xa quên việc mời cơm mọi người".
Ảnh minh họa |
Những gia đình không sùng đạo, họ bao giờ cũng là câu của gia chủ: - Xin mời nào!
Ở đội lao động xuất khẩu của tôi, các cháu không mời kẻ trên người dưới nữa, chúng nói: Tít tít nào.
Truyền thống mời cơm như một nghi lễ giờ đây mất dạng. Tôi cũng thế... bỗng dưng quên phắt bao nhiêu năm.
Cách đây ba tuần, tôi và họa sĩ Thành Chương đi ăn phở. Chúng tôi ngồi vào một bàn mà kề bên đã có 1 cặp vợ chồng trẻ và hai đứa con của họ.Phở được bưng ra, vừa cầm đũa bỗng chững lại vì thấy người vợ trẻ cất lời ánh mắt thật dịu dàng:
- Em mời anh dùng phở.-Mời vợ ăn đi! Người chồng nói rồi đứa trẻ lớn cũng nói: Con mời bố mẹ ăn phở. Thằng út chừng hơn hai tuổi bấy giờ tót vào bên mẹ.
Tôi giật mình. Bao nhiêu lần đi ăn quán, tôi chưa một lần nghe một cặp vợ chồng nào ứng xử với nhau như thế. Họ ở đâu? Tôi quan sát họ bên nhau và tự thấy cô gái trẻ kia đẹp lên nhiều lắm. Rõ ràng họ là những người Hà Nội còn sót lại ở kinh kì.
Ăn xong, tôi nán lại cho Thành Chương đi. Quay ra nói với người thiếu phụ trẻ: Rất cám ơn vợ chồng cháu, nhắc chú hôm nay nhớ lại một bài học. Và việc trọng như "Tương kính như tân" là một truyền thống đẹp.
Ra xe Thành Chương hỏi, có chuyện gì thế. Tôi bảo, không có gì. Đêm ấy tôi về suy nghĩ rất nhiều.
Tục mời cơm ở ta thật tốt. Nó là một hình thức từ vô thức dạy con người ta từ nhỏ hiểu lẽ biết ơn cha mẹ cho ta miếng ăn, giúp ta tôn trọng người trên kẻ dưới, anh chị ta và điều ấy vô hình chung đã thành ý thức. Từ vô thức thành ý thức như thế khi cùng với nhiều việc khác trở thành những nghi lễ nhỏ để giáo hóa con người: Biết ơn cha mẹ, tôn kính người trên.
Có nên chăng chúng ta bắt đầu làm lại từ đầu:
- Con mời bà xơi cơm.
Nhiều truyền thống nho nhỏ rất đẹp đang mất dần, xóa đi cái phong hóa bao nhiêu thế kỉ của một dân tộc để cho cái nọ nối cái kia xói mòn phôi pha dáng vẻ văn hóa đã thực sao?/.