Tết nguyên đán đang đến gần. Những ngày này, nhiều người đang cố gắng hoàn thành các công việc để có thời gian sắm sửa, nghỉ ngơi, thăm hỏi gia đình, họ hàng, vui chơi ngày Tết. Trong bộn bề công việc, những người con sống xa nhà vẫn không quên hỏi nhau “Tết này có về quê không?”, hoặc những người sống gần gia đình thì “Có kế hoạch đi đâu dịp Tết không?”…
Các tour du lịch dịp Tết nguyên đán luôn sôi động (ảnh Internet) |
Mấy năm nay, trào lưu du lịch Tết được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ ưa chuộng. Đi du lịch ngày Tết thì thời gian dành cho cha mẹ, họ hàng… sẽ không có. Như vậy, đồng nghĩa với việc chuyến đi vui vẻ của nhiều người để lại phía sau là sự hụt hẫng, trống trải của biết bao người khác, đặc biệt là người già, những người làm cha, làm mẹ.
Nhiều người cứ đến Tết là muốn “bỏ đi thật xa” và họ đã “xách ba lô lên và đi” trong sự ngỡ ngàng, hụt hẫng của người thân, gia đình, bạn bè (thời gian đầu). Là người ngoài cuộc, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ đến những người ngày Tết muốn về mà điều kiện kinh tế, công việc không cho phép. Bạn tôi là một quân nhân. Anh chia sẻ, sau 2 năm ăn tết ở đơn vị Tết này anh được về thăm vợ con, ăn tết cùng gia đình đến mùng 3 có mặt ở đơn vị. Đồng đội của anh là một chiến sĩ trẻ tuổi hơn, mới cưới vợ xung phong ở lại trực vì chưa có con. Và bạn tôi nữa, một người làm bác sĩ ở một huyện đảo xa xôi đã phải đổi trực cho một đồng nghiệp về quê ăn Tết vì người đó có cha già năm nay 80 tuổi…
“Phải sinh con mới thấu lòng cha mẹ”, “Nước mắt chảy xuôi”…. Lúc trẻ mấy ai thấm thía những câu nói ấy. Ai cũng muốn khẳng định cái tôi, được bay nhảy đây đó, được khám phá cái mới. Và cha mẹ, dù rất muốn được gần gũi con cái, sống lại cái không khí sum vầy, hạnh phúc nhưng vẫn tươi cười bảo “Con cứ đi đi”. Còn những người trẻ vô tâm kia, có mấy ai một lần nghĩ rằng, cha mẹ mình đang giấu nước mắt vào trong để khoe ra nụ cười động viên con cái.
Cuộc sống đang ngày càng “Tây hóa”. Có những thứ rất phù hợp, cần được nhân rộng để giúp cuộc sống gia đình, xã hội tiến bộ hơn, nhưng lại cũng có những thứ là truyền thống văn hóa tốt đẹp, ăn sâu vào cội rễ mỗi con người để trở thành bản năng riêng có của mỗi dân tộc khi Tết đến xuân về, đó là nỗi khát khao chia sẻ tình cảm, là sự chăm lo cho người già, em nhỏ… mà không phải quốc gia, dân tộc nào cũng có được. Nét đẹp văn hoá đó đang bị mai một.
Tôi còn nhớ cách nay hơn chục năm, một thầy giáo người nước ngoài dạy tôi về báo chí đa phương tiện. Ông nói đến những mối nguy của công nghệ hiện đại đối với gia đình truyền thống. Hình ảnh thầy tôi đưa ra là 4 người trong một gia đình ngồi chung một chiếc bàn nhưng mỗi người lại sử dụng một loại phương tiện truyền thông cá nhân, người thì có một chiếc ipod nghe nhạc, người thì dùng máy vi tính xách tay… Thầy tôi bảo, xã hội càng hiện đại thì con người lại càng ít giao tiếp với nhau hơn và nhiều gia đình lúc đó đặt ra qui định cấm sử dụng điện thoại, máy nghe nhạc, tivi trong các giờ sinh hoạt chung của gia đình. Giờ đây, những thứ mà xã hội phương Tây tiên tiến đã vấp phải khiến nhiều người lo lắng đã hiện hữu trong xã hội chúng ta. Một người, với một chiếc điện thoại thông minh có thể cả ngày anh ta/chị ta chẳng cần giao tiếp với ai, chỉ nghe nhạc, lướt web, chat, game… Điều này khiến nhu cầu giao tiếp, chia sẻ của họ ngày một ít đi và khả năng giao tiếp của họ cũng vì thế mà cũng hạn chế dần, lâu thành ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân.
Tết sum vầy, xuân đầm ấm… những mỹ từ đó dường như đang ngày càng trở nên sáo rỗng. Bởi, nhiều người không còn quá lo lắng cuộc sống vật chất thì họ lại quên đi yếu tố tinh thần, tình cảm – sợi dây ràng buộc vô cùng quan trọng trong gia đình, xã hội đang ngày càng mong manh, yếu ớt.
Đi đâu, làm gì ngày xuân, theo phong tục truyền thống thì mỗi người vẫn luôn hướng về tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Người trẻ có thể suy nghĩ khác, nhưng cả năm đã làm việc chăm chỉ, vất vả rồi hãy dành một khoảng thời gian nhất định cho cha mẹ mình ở nơi mái ấm kia đang mong ta từng ngày trở về. Ai cũng có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 chốn để về - đó là gia đình thân yêu của ta. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý để có cái Tết sum vầy đúng nghĩa/.