Dư luận xã hội chưa khỏi bức xúc về clip thầy tát trò và trò phản kháng đánh lại thầy ngay trên bục giảng ở trường THPT Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (Bình Định), thì chỉ sau chưa đầy một tuần lại xảy ra vụ Phó hiệu trưởng trường THCS Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) bất ngờ dùng kéo cắt vụn gần 2 triệu đồng trước sự ngỡ ngàng của hơn 20 cán bộ, giáo viên ngay trong cuộc họp. Tiếp đó là việc thầy giáo dạy mỹ thuật ở trường THCS Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) tát một học sinh lớp 8 đến chấn thương, thủng màng nhĩ.

Thực ra câu chuyện nào cũng có nguyên nhân của nó song những thông tin được đăng tải này vẫn luôn khiến người ta sửng sốt, bàng hoàng và phẫn nộ. Một thầy giáo trẻ đã nóng vội hành xử với học trò của mình như côn đồ, rồi một nhà quản lý giáo dục cũng xử sự một cách tầm thường như vậy thì thử hỏi nhân cách, đạo đức sư phạm sẽ đi về đâu?

Điều đáng tiếc là những sự việc như vậy lại xảy ra ở môi trường sư phạm - nơi những tưởng sẽ là “khuôn vàng, thước ngọc” cho mọi hành vi, cư xử của con người và là nơi “ươm mầm” cho tương lai.

Vẫn hy vọng và mong rằng những hành vi đó chỉ là cá biệt, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng khiến người ta ngần ngại khi muốn tin vào chuẩn mực của hệ thống giáo dục hiện nay.

Hình ảnh “người thầy” trong mắt trẻ thơ luôn lung linh, đẹp đẽ. Những đứa trẻ khi bắt đầu hình thành nhân cách, suy  nghĩ về tương lai đều đã từng một lần ao ước được đứng trên bục giảng.

co-giao-1.jpg

Tôi còn nhớ những ngày đi học PTTH. Cả lớp chúng tôi vẫn luôn thần tượng về thầy giáo dậy môn vật lý với phong cách giảng bài hay, am hiểu và rất tâm lý học sinh. Trong mắt những học trò chuyên A ngày ấy, thầy luôn là tấm gương để chúng tôi phấn đấu và noi theo. Thế mà, chỉ vì một chuyện cứ ngỡ bình thường lại khiến những suy nghĩ về người thầy giáo ấy trong chúng tôi đã hoàn toàn khác hẳn.

Chuyện là thế này. Vì yêu quý thầy, chúng tôi rất thường lui tới nhà thầy chơi và  cũng được thầy dành tình cảm đặc biệt coi như người trong nhà. Song cũng chính vì điều này mà chúng tôi phát hiện ra việc thầy “câu” trộm điện không trả tiền. Chuyện này đã làm sụp đổ thần tượng của chúng tôi một cách thảm hại.

Với người khác, lũ học trò có thể cho qua, cảm thấy bình thường vì thời đó cuộc sống quá khó khăn, nhiều nhà cũng làm cách này để đun nấu, bớt đi những phiếu mua dầu thời bao cấp để dùng đổi thêm gạo cho bữa cơm hàng ngày khỏi thiếu thốn. Tuy nhiên, với thầy giáo thì không điều gì có thể ngụy biện được cho hành động này.

Hình ảnh người thầy mà chúng tôi ngưỡng mộ đã hoàn toàn không còn như trước, dẫu hàng ngày thầy vẫn lên lớp, vẫn giảng bài rất hay, vẫn gieo vào lòng chúng tôi những điều tốt đẹp nhưng hình như câu chữ bắt đầu trơn trượt đi đâu đó!?

Một câu chuyện khác. Cạnh nhà tôi là một cô giáo tiểu học. Thời đó, chuyện học thêm, dạy thêm không như bây giờ. Đồng lương eo hẹp khiến các thày cô giáo cũng như nhiều cán bộ, công chức khác đều phải làm thêm.

Gần khu nhà chúng tôi là làng Triều Khúc với nghề dệt khăn mặt truyền thống. Cô giáo nhận sợi về và giao hàng cho những nhà bên cạnh nối sợi, giúp họ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Chuyện như vậy thì tốt quá, chẳng có gì để nói.

Thế nhưng, vô tình một lần sang nhà cô giáo chơi, thấy cô vảy nước lên đống sợi đã nối và để chúng trên sàn đất, tôi hỏi: “Sao cô lại vảy nước lên sợi và để dưới đất như vậy thì ẩm dễ làm mục sợi lắm!”. Cô giáo cười, xoa đầu tôi và trả lời rất thản nhiên: “Làm vậy thì sợi mới nặng, bán được nhiều cân hơn, bé ngốc ạ!”.  

Tôi không biết phải nói như thế nào về chuyện này. Có lẽ cô giáo nghĩ tôi cũng ngốc thật! Mới là trẻ lớp 5, cô giáo nghĩ chắc tôi sẽ không hiểu được chuyện gì đang diễn ra, nhưng con bé “khôn trước tuổi” như tôi đã hiểu ra rằng, sợi thì nặng cân lên mà hình tượng về nghề giáo trong tôi lại nhẹ đi.

Có ai đó đã nói rằng: “Ngay cả một sợi tóc cũng để lại bóng mình trên mặt đất”. Những người làm thầy và những ai định chọn nghề này chắc chắn phải hiểu câu nói này một cách sâu sắc nhất./.