Nữ sinh đánh nhau là chuyện không mới, nhưng nữ sinh nện nhau dã man (ở một trường tỉnh Trà Vinh) kia lại toàn là những em chưa từng vướng “tiền án tiền sự”, trong đó có cả những học sinh hạnh kiểm tốt, học khá giỏi mới là chuyện đáng bàn.
Nó báo hiệu cho người ta thấy bạo lực học đường đã vươn lên một "tầm cao mới”, nó không còn khu trú ở những đối tượng có máu mặt nữa mà một học sinh bình thường cũng coi đó là cách hợp lý để giải quyết mẫu thuẫn.
Người ta bảo đó là trách nhiệm chung và kêu gọi cả cộng đồng vào cuộc. Chẳng sai, nhưng xin hãy nhìn thẳng vào bản chất của sự việc và nói thẳng, nói thực cái nguyên nhân sâu sa của sự việc bức xúc và không hề mới này. Đó chính là sự thiếu niềm tin và chân lý đang ngấm ngầm lan tràn trong lớp trẻ.
Khi nói tới giáo dục người ta hay xem xét nó ở 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội. Vậy thì thử xem trong gia đình con cháu ta được nghe, được thấy những gì?
Chuyện nhỏ to bên mâm cơm, trong phòng ngủ liên quan tới chạy chức chạy quyền, liên quan tới phong bì phong bao dịp này dịp nọ, rồi chuyện đấu đá, chơi nhau, chuyện trái ngang, lừa lọc ở đời… chẳng thể qua nổi tai mắt của con thơ. Sẽ có bậc phụ huynh chẳng muốn kể những chuyện ấy ở nhà nhưng xã hội nó vậy, việc kể hay không kể luôn là sự giằn vặt với nhiều người. Tất cả chúng ta đều muốn con mình không phải là “gà công nghiệp”, biết tự tìm tới chỗ người tốt và tránh xa đám lưu manh.
Trong trường thì các thầy cô xua ra đội cờ đỏ sao đỏ làm tai mắt, biến các em thành những thanh tra đắc lực. Còn các em thì hồn nhiên và tận tâm một cách đáng thương khi cứ phải liên láo ngó ngược ngó xuôi những mong tìm ra thủ phạm. Có em còn truy đuổi bạn mình vào tận lớp để chỉ tay day trán và ghi vào sổ tội đi học muộn giờ. Lại có lớp trưởng được giáo viên chủ nhiệm giao cho “thượng phương bảo kiếm” (cây thước) để gõ bất kỳ học sinh nào trái lệnh trong khi cô ra khỏi lớp. Gần đây người ta còn cổ suý việc trả lương cho lớp trưởng mới lạ. Không biết bên cạnh quyền lợi sặc mùi vật chất như thế thì trách nhiệm của các em là cái gì?
Cũng chẳng biết từ khi nào quan niệm học sinh thông minh, giỏi giang là phải học tốt các môn tự nhiên như toán, lý… để rồi những hoạt động dạy cách ứng xử, lòng nhân ái, tình yêu thương bỗng nhiên bị liệt vào môn phụ.
Hành xử của giáo viên trên lớp, cho dù nhỏ xíu như một ánh nhìn, cũng là những bài học ghi dấu khó quên với học sinh. Thời buổi này có được nhiều không những cử chỉ quan tâm và yêu thương thực lòng của những người thầy người cô trên bục giảng?
Ở ngoài cổng trường thì người ta sẵn sàng nện tuýp sắt vào đầu nhau chỉ vì va chạm nhỏ trên đường. Ai ôn hoà và kiềm chế thì nhận lỗi và đền bù, đồng thời thoả thuận không gọi cảnh sát. Người ta gọi vui như thế là tự xử, và thật lạ là cảnh sát xem ra cũng thoả hiệp với cách giải quyết này. Đằng sau nó còn bao nhiêu chuyện chứ đâu phải chỉ vụ tại nạn giao thông? Câu chuyện tự xử đã trở thành bình thường trong xã hội và một trong những bằng chứng dễ thấy nhất là người ta sẵn sàng giết chết một tên trộm chó mà không cần giao cho nhà chức trách.
Đấy là một thông điệp rõ ràng và rùng rợn nhất rằng một bộ phận không còn tin vào pháp luật. Họ sẵn sàng gạt sang một bên lòng nhân ái, tình người…, để đôn lên con người hung tợn và man rợ, ngõ hầu bảo vệ cuộc sống và tài sản chính đáng của mình.
Một xã hội mà ở nhiều khu vực giải quyết nhiều công việc bằng tiền, sự man trá và bạo lực như thế thì thử hỏi có qua mắt được các em không? Đó chính là lý do khiến một số em đã thiếu niềm tin vào chân lý, không còn tin vào nhà trường và các hội đoàn có thể giải quyết thoả đáng nên đã ra tay manh động. Trách các em một thì hãy tự trách mình mười. Các em là tương lai nhưng cũng chính là hình bóng của xã hội hôm nay./.