1. Sự giản dị đến vô cùng thực dụng ở Mỹ là một trong những bài học tôi muốn ghi nhớ. Tất cả mọi người có thể ra đường trong trang phục nào mà cho là thoải mái nhất. Họ không quan tâm quá về việc bạn mặc quần áo hiệu gì và giá trị của nó là bao nhiêu, quan trọng bạn có cảm thấy thoải mái khi mặc nó không? Tất nhiên tùy vào văn hóa của mỗi người mà chọn cho mình những trang phục lịch sự hay buông tuồng. Vì thế nếu để thể hiện tính khoe mẽ tại nước Mỹ đôi khi hơi phí, trừ khi điều đó được cộng đồng hồ hởi suýt xoa: ồ mắt kính đẹp hay kim cương to thế. Không hẳn họ không sùng hàng hiệu nhưng việc mất thời gian cho những điều đó không nhiều bằng việc họ có công việc thế nào và có cái gì nằm trong đầu.

1_civil_siege_tattered_dxai.jpg
Ảnh minh họa

* Thật khác với Việt Nam, những ngày kỷ niệm tại Mỹ chú trọng về những điều liên quan đến việc đó. Chẳng hạn, ngày sinh nhật ai đó, họ tìm những câu chuyện hoặc hình ảnh hoặc đồ vật dụng nào đó liên quan để ngồi nhắc lại với nhau khiến cho buổi sinh nhật đó gắn kết hơn bằng những kỷ niệm.

Ngày tưởng nhớ - họ đem ra những tấm ảnh của người đó kể những câu chuyện và trang trọng cùng những người thân đến thăm tại nghĩa trang. Hoàn toàn ngược lại với kiểu cách mổ lợn giết gà, thậm chí xả thịt chó ăn uống lê thê cả ngày trời và cười nói huyên náo - cảm giác như lễ hội “mừng” người chết để người sống lấy cớ rượu chè, đánh chén. Gần như chẳng thấy ai nhắc về người mất trong sự trang nghiêm, kính nhớ. Mọi thứ bày biện ăn uống ê chề trong khi gia cảnh còn nghèo nàn và thiếu thốn.

- Đám cưới: con gái tôi lấy chồng ở tuổi đôi mươi và với một thanh niên gốc Mỹ trắng. Tức là họ không pha trộn kiểu cách của dòng máu khác và đã tự trị ở vùng đó từ nhiều đời. Phong tục cưới thật trang trọng, gần gũi và ý nghĩa. Cả gia đình tập trung làm đồ uống kiểu hoa quả và trà mời khách. Bánh cưới đặt ở tiệm rất trang nhã. Không thể hiện mấy tầng rượu như ở Việt Nam, vì hầu như các đám cưới tổ chức ở các khách sạn hoặc nhà tổ chức chuyên nghiệp. Âm nhạc được đích thân chú rể chọn và bật lên khi nhận cô dâu từ tay bố vợ dẫn vào khán phòng. Quà cưới được mọi người chuẩn bị trước ngày cưới vì họ gửi cô dâu chú rể bản danh sách những món đồ cần thiết sử dụng trong gia đình. Đến ngày, họ chỉ việc mang đến. Và tất nhiên quà mừng cũng tùy theo sự thân thiết giữa gia chủ với người bạn đó. Hoặc họ cũng gửi phong bì tiền cho cô dâu chú rể làm vốn cho cuộc sống mới.

* Ở Mỹ, ăn uống không phải chủ đề chính làm phân tán đi mục tiêu chính của đám cưới - đó là cô dâu chú rể. Chú rể sẽ tự mua nhẫn tặng cô dâu và ngược lại cô dâu cũng sẽ trao chú rể chiếc nhẫn mình mua. Họ chỉ biết về size tay nhau còn lúc mua hoàn toàn bí mật và bất ngờ. Các tiết mục giống như ở Việt Nam không có như phức tạp cỗ bàn, phông ảnh cưới dán chữ chi chít… Vì trên thiệp mời đã đầy đủ thông tin về cô dâu chú rể. Và tất nhiên khách mời ai cũng biết mình đến đám cưới ai!

Sau đám cưới, tất cả những người đến tham dự đều được nhận về một món quà kỷ niệm và kèm theo là lời cảm ơn từ cô dâu chú rể.

Khiến ai ra về cũng vui vẻ và ấn tượng sau khi dự lễ cưới.

* Những tấm hình kỷ niệm là những khoảnh khắc rất đáng nhớ của gia đình và những người bạn. Không có cảnh ăn uống bị cho vào hình. Sau này khi xem lại ảnh cưới thấy rất tình cảm và ghi nhớ.

Tác giả mặc áo dài (tay phải) trong đám cưới con gái bên Mỹ

2. Tính tiết kiệm: sang đây thấy học được con gái lẫn con rể tính cách biết tiêu tiền. Hai đứa tuy còn trẻ nhưng đã có những chi tiêu kế hoạch dài hạn và ngắn hạn.

Những khoản chi không cần thiết được cân nhắc và gạt bỏ rất rõ ràng và không hề phải lăn tăn. Ở Việt Nam, gia đình mình từng có những lúc chi tiêu lãng phí, không hợp lệ đôi khi dẫn đến việc sinh thừa mà không đem lại hiệu quả. Còn ở Mỹ, để tránh mẹ vợ suy nghĩ hoặc hiểu sai vấn đề, cậu con rể trình bày trước mẹ sẽ làm những gì tiếp theo và trách nhiệm của người chồng chăm sóc vợ như thế nào. Mặc dù chồng có tiêu chuẩn đủ để chu cấp cho vợ, nhưng tính tự lập nên con gái vẫn chủ động làm việc để cùng chồng xây dựng cuộc sống.

Rõ ràng họ là một đất nước tư bản, có điều kiện để thể hiện nhiều hơn điều kiện chúng ta đang có. Nhưng tư duy khôn ngoan và thông minh thì không dại gì khoác chiếc áo rộng khi mà bản thân còn trăm mối chưa đâu vào đâu. Họ biết quy hoạch mục tiêu cuộc sống chứ không phải cứ cưới nhau về, mọi việc sau tính…

3. Tôn trọng và quan tâm đến mọi người, nhất là phụ nữ hay động vật. Mỗi khi lên xuống xe, người ta thường xuống mở cửa sẵn với một thái độ sẵn sàng như việc đó tất yếu. Tất cả các đồ nặng, nam giới sẽ giành lấy việc bê vác và họ sẽ tỏ vẻ không hài lòng khi thấy đàn ông không giúp đỡ kẻ yếu (là em bé hoặc phụ nữ - trước hết phải là người trong nhà). Có con thú bị thương và lê lết ngoài đường, gia đình con rể đem về chăm sóc và làm vật nuôi trong nhà.

Đó chỉ là vài ví dụ, tôi không có ý định chê bai hay phán xét gì ai cả vì mỗi nơi có một văn hóa sống khác nhau. Tất cả tương lai phụ thuộc vào cá nhân của mỗi người chứ bạn không thể đổ tội cho cả một đất nước hay lên án quê mình vì không thể nào chối bỏ quê hương. Đất nước tôi không có tội, chỉ là cá nhân ảnh hưởng của những sự giáo dục kém ngay trong gia đình họ, dẫn đến ảnh hưởng sang cái chung.

Nhân tiện đọc bài viết của một người bạn trên trang mạng, anh ấy chia sẻ về những điều được mất khi quyết định sang Mỹ sinh sống.

Tự tôi thì thấy quê hương vẫn là nhất chỉ có điều mình chọn cách sống nào mà thôi./.