Nhiều năm trước, khi tôi còn đi học ở một trường cấp 1 tại Hà Nội, thày cô chủ nhiệm thường cho cả lớp bầu lớp trưởng, lớp phó (sau khi chỉ định cán bộ lớp tạm thời vào dịp đầu năm). Lớp trưởng phải là bạn gương mẫu, có uy tín với bạn bè trong lớp. Lắm khi trong lớp xảy ra chuyện gì đó bất thường, thì thày cô chủ nhiệm thường gọi lớp trưởng đứng lên để hỏi, lớp trưởng thay mặt các bạn trong lớp giải thích, cũng có thể coi như trình bày “nguyện vọng” vậy.
Lâu nay thì nghe nói chức danh lớp trưởng thường do giáo viên chủ nhiệm chỉ định.
Học sinh tiểu học |
Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, điều 17, nói về mô hình trường học mới, quy định: lớp học có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu; lớp chia thành các tổ, ban hoặc nhóm học sinh có trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký…
Thêm bao nhiêu chức vụ nghe lạ lẫm với môi trường giáo dục bấy lâu nay. “Đổi mới” là đây?
Thực tế, nhiều người lớn còn chưa hiểu hết nghĩa của từ “chủ tịch”. Trẻ con hàng ngày biết đến từ “chủ tịch” nhiều nhất có lẽ qua những bộ phim Nhật, phim Hàn chiếu trên TV. Chủ tịch là người quan trọng mà những người khác khi nói chuyện phải thưa gửi kính cẩn, khi gặp phải cúi rạp chào một cách trịnh trọng. Hay nếu ở ngoài đời thì gần nhất là ông bà chủ tịch phường, chủ tịch xã… tuy không giống các chủ tịch tập đoàn sang trọng trên TV nhưng cũng “oai” vô cùng.
Thế nên mới có ý kiến lo ngại rằng cách gọi này rất dễ tạo cho trẻ em ngộ nhận về quyền lực, tâm lý chức tước, thích chức danh, quyền hành ngay từ nhỏ. Ngoài ra chức danh mới nghe chẳng có chút thân thiện nào so với chức danh lớp trưởng, lớp phó bấy lâu nay vẫn gọi.
Nếu cho rằng với vai trò chủ tịch, học sinh được tham gia nhiều việc dân chủ hơn lớp trưởng ở mô hình trường học cũ: được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin…; thì không lẽ một chữ “chủ tịch” lại có tác dụng lớn lao đến vậy? Để tăng thêm sự chủ động của học sinh, tăng thêm vai trò của lớp trưởng, thì cũng đâu cần một chức danh “đao to búa lớn” mà trẻ con chẳng hiểu được là gì? Chỉ cần bổ sung thêm vào trách nhiệm của lớp trưởng khi thực hiện trong nhà trường mà thôi.
Thật ra công việc của lớp trưởng hay chủ tịch thì cũng vẫn thế. Bấy lâu nay đi họp phụ huynh học sinh tôi thấy, các cháu lớp trưởng không chỉ thay mặt giáo viên hướng dẫn các bạn tự quản trong giờ giáo viên vắng mặt, phân công các tổ trưởng đôn đốc các bạn học hành, đi học đúng giờ, làm đủ bài tập… Mà trong nhiều trường hợp, lớp trưởng vẫn đứng ra bàn bạc cùng các bạn đề xuất nguyện vọng của học sinh với giáo viên chủ nhiệm, với nhà trường và ban phụ huynh.
Thay đổi là cần thiết nếu thay đổi đó thực sự phát huy tác dụng làm cho mọi việc tốt hơn lên. Trong trường hợp này, sự thay đổi là không cần thiết. Chúng ta nên dành cho các em những từ ngữ, khái niệm thân thuộc, dễ mến, dễ hiểu nhất. Với học sinh tiểu học, dùng những từ như lớp trưởng, lớp phó là hợp lý, gần gũi. Từ “lớp trưởng” tự thân đã bao hàm sự quản lý, tự chủ, dân chủ với hoạt động của lớp học rồi.
Có chăng nên thay đổi ở chỗ: nên để học sinh bầu lớp trưởng và luân phiên vị trí này theo học kỳ hoặc năm học, để nhiều học sinh được thử thách, có cơ hội phát huy khả năng, sự chủ động của mình. Việc bầu lớp trưởng cũng cho từng thành viên trong lớp thấy được trách nhiệm của mình đối với lớp học.
Ảnh do dân mạng chế ra để hình dung khi lớp có "Chủ tịch". (theo Thanh niên online) |
Áp đặt bọn trẻ vào chức danh quá sớm để làm gì?. Lúc này xã hội cần nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống. Làm sao để học sinh sống có tự trọng, danh dự, yêu gia đình, bạn bè, đất nước. Làm sao để học sinh không quá thụ động và phụ thuộc. Làm sao để không còn chuyện nhiều em học hết trung học phổ thông rồi vẫn không biết mình muốn gì, phù hợp với việc gì. Làm sao để làm sao ngăn chặn được thực trạng trẻ em vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng… Còn bao nhiêu việc quan trọng cần làm hơn là đưa ra chức "chủ tịch lớp" để gây tranh cãi, tốn thời gian của mọi người./.