Câu chuyện về những người dân ở Phú Thọ bị nhiễm HIV đang thực sự gây chú ý đối với truyền thông và xã hội. Các cơ quan chức năng đang tích cực đi tìm hiểu nguyên nhân, còn những người dân mang bệnh đang trong tình trang hoang mang, bi đát tột độ. Trong lúc này, liệu pháp về tinh thần đối với người dân là vô cùng quan trọng. Bởi họ nghĩ, mang HIV là dấu chấm hết cho cuộc đời, là chịu sự kỳ thị, tủi nhục không lối thoát.

2_142382_dsul.jpg
Người có HIV hoàn toàn có cuộc sống bình thường khi tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ. 

Khoảng năm 2005, Anh hùng châu Á Phạm Thị Huệ, người dám công khai tình trạng lây nhiễm HIV của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đến tòa soạn của chúng tôi. Khi đó Huệ rất trẻ, mang theo đứa con trai gần 5 tuổi của mình. Huệ đã không ngần ngại chia sẻ quãng thời gian bi đát nhất, đã có lúc muốn tìm đến cái chết... nhưng chị đã dũng cảm đứng dậy để làm tất cả những gì có thể giúp cuộc sống gia đình mình tốt đẹp hơn. Bản lĩnh vững vàng của một phụ nữ trẻ đứng trước sự kỳ thị ghê gớm của xã hội  khiến mọi người rất cảm phục. Giờ đây, sau gần 20 năm phát hiện bị nhiễm HIV từ chồng, Phạm Thị Huệ có cuộc sống, sức khỏe, công việc bình thường như bao người phụ nữ bình thường khác. Chị thật sự là tấm gương về nghị lực sống để những người không may có căn bệnh này lấy đó làm niềm tin kkhông đưa cuộc sống của mình đi vào bế tắc.

Sau này, trong quá trình công tác, trong cuộc sống thường ngày chúng tôi có dịp gặp rất nhiều trường hợp, nam có nữ có, thanh niên có, trung niên có, người ngoài 50 tuổi cũng có nhiễm HIV nhưng họ sống rất lạc quan, yêu đời, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Nhiều người trong số họ sống chung với H hàng chục năm. Nếu họ không công khai, không nói sư thật về bản thân thì không ai nghĩ họ đang mang trong mình một căn bệnh thế kỷ. 

Một sự so sánh khác có lẽ khập khiễng nhưng để thấy “có H không có nghĩa chấm dứt cuộc đời". Gia đình tôi chứng kiến sự ra đi đau đớn của 2 người đàn ông trụ cột đang tuổi  chín chắn, sung mãn nhất cuộc đời – 50 tuổi. Đó là chú và cậu tôi. Cả hai người đều nhận tin bị ung thư khi chưa tới 50 tuổi và ra đi 3 năm sau đó. Khi biết bệnh, tinh thần họ suy sụp vô cùng. Đã có lúc họ ước rằng, thà mình bị HIV còn có cơ hội kéo dài cuộc sống hơn là bị ung thư.

Xét ở góc độ xã hội thì người bị ung thư không bị xã hội kỳ thị, xa lánh như người nhiễm HIV. Tuy nhiên, ngày nay nhận thức xã hội đã thay đổi, người ta có thể giao lưu, sinh hoạt bình thường với người có H. Dù chưa có thuốc đặc trị dành cho người bị HIV/AIDS nhưng đã có thuốc ARV, đã có những hướng dẫn giúp người bệnh sống lành mạnh, kéo dài tuổi thọ, giảm bớt những bệnh do suy giảm miễn dịch mắc phải. 

HIV không phải tự dưng mà có. Nó xâm nhập vào cơ thể con người qua những con đường rất cụ thể mà y học đã chỉ ra và hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh. Vì thế, để cuộc sống không bị đè nén vì những căn bệnh quái ác này, mỗi người hãy sống có trách nhiệm với chính bản thân và với mọi người xung quanh. Câu chuyện xảy ra ở Phú Thọ, có lẽ đến giờ này rất nhiều người tiếc nuối nói câu “giá như...”./.