Trên báo điện tử Vietnamnet và Tuổi Trẻ đăng bài viết mô tả buổi họp trực tuyến của ngành giáo dục Hà Nội về một chủ đề cực nóng nhưng 700 hiệu trưởng ở tất cả các đầu cầu chẳng ai phát biểu lấy một lời.

Ai cũng biết nhiều hiệu trưởng tâm tư lắm, chẳng riêng gì Thông tư 30 - nội dung chính của cuộc họp - mà còn ở nhiều vấn đề khác của tiểu học nữa. Thế nhưng không ai lên tiếng cho dù vị PGĐ Sở rất mong muốn nhận được phản hồi.

Vì sao?

Lần đầu tiên họp trực tuyến với các trường tiểu học thì chắc phải tập trung về phòng giáo dục? Đương nhiên ở đó phải có lãnh đạo phòng, thậm chí, nơi nào quan tâm tới giáo dục còn có thể có cả vị Phó Chủ tịch huyện phụ trách mảng Văn - Xã nữa. 

hoinghi_mhux.jpgHội nghị trực tuyến về giáo dục của Hà Nội (Ảnh: Dân trí)

Trong cơ cấu tổ chức hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ can thiệp tới các trường (tiểu học) ở góc độ chuyên môn. Còn hai khâu then chốt là tài chính và nhân sự đều do quận, huyện và phòng giáo dục quản lý.

Ngồi cùng với ông nắm hầu bao và điều chỉnh “chiếc ghế” của mình như thế thì các hiệu trưởng dễ rơi vào cảnh trên đe, dưới búa. Nhỡ miệng nói lên điều gì đó cụ thể một chút thì rất dễ rơi vào hai trường hợp: hoặc là cấp trung gian - phòng Giáo dục - chưa “quán triệt tinh thần chỉ đạo” của sở nên hướng dẫn chưa đúng; hoặc trường chưa thông, làm sai, thậm chí chủ trương của sở sai.

Cả mấy tình huống trên, rơi vào cái nào thì hiệu trưởng cũng “chết” thế nên tốt nhất “im lặng là vàng”. Đừng vội trách các thầy vì trước khi làm quản lý họ chỉ là những “thợ dạy” với bản tính và phẩm chất truyền thống là ngại va chạm.

Cái đức tính này bảo hay cũng được, còn nói thiếu tính đấu tranh thì cũng chẳng dám trách ai, vì 5 năm trời trường sư phạm đã trui rèn họ thành những người rất biết vâng lời; lại được giáo viên đi trước rỉ tai một nguyên tắc sống, như một bí kíp để sinh tồn, áp dụng với học trò và với cả bản thân, đó là: Thầy bảo sao trò làm vậy!

Hơn nữa, là một hiệu trưởng ngồi trong cuộc họp trực tuyến kia thì chắc chẳng ai muốn mình là cái gai trong mắt lãnh đạo phòng, sở, huyện. Không hiệu trưởng nào muốn bị điều chuyển sang một trường khác kém hơn; không trường nào muốn suốt ngày phải đón tiếp đoàn kiểm tra; trường nào chẳng muốn mình sớm đạt trường chuẩn, muốn có dự án đầu tư, muốn có nhiều giáo viên giỏi trong các cuộc thi, muốn được cất nhắc, muốn được đi đây đi đó, muốn có danh hiệu này kia… Nói thật, mấy thứ đó có người bảo rằng phù phiếm và hình thức, nhưng với các trường, nó là lợi ích vật chất trực tiếp cho từng giáo viên đấy ạ!

Suy cho cùng thì  cách im lặng cho yên chuyện không chỉ tồn tại trong ngành giáo dục đâu mà còn ở nhiều đơn vị khác. Nhưng trong ngành giáo dục thì có gương tày liếp “đấu tranh - tránh đâu” rồi nên các thầy kiềm chế tốt như thế trong cuộc họp trực tuyến vừa rồi cũng không có gì là lạ cả.

Một nguyên tắc tối thiểu trong quản lý, đó là: NÓI – NGHE – HIỂU – LÀM (chỉ đạo phải có người nghe, người làm; nghe thì phải hiểu, hiểu mới thực hiện đúng, và khi đã thông thì phải làm). Thế nhưng, các khâu trong chu trình nói trên không gắn kết được bởi nhiều lẽ. Trong đó có tình trạng lạm dụng quyền lực trong điều hành. Quản lý theo kiểu bốc thuốc xin - cho. Đơn vị hoặc cá nhân nào trái ý một tí là tìm đủ mọi cách làm cho không ngóc đầu lên nổi. Trong hoàn cảnh như thế thì làm gì có phản biện, làm sao nghe được tâm tư từ cơ sở.

Công cuộc cải cách giáo dục đang vào khâu nước rút. Cứ giữ kiểu im lặng như thế này thì chất lượng của cuộc cải cách lần này…thực sự đáng lo./.