1. Nhớ có lần bọn trẻ hỏi, sao lại gọi ngày 20/11 là ngày Hiến cam các nhà giáo? Mình bảo, vì thời ngày xưa của bọn mẹ không có nhiều tiền để mua những thứ quà đắt giá, tháng 11 là tháng mà cam Vinh đang rộ, giá rẻ nên học sinh thường mua túi cam đến biếu thầy cô. Có thầy cô hôm sau phải mang cam sang chia bớt cho nhà hàng xóm vì nhiều quá không ăn hết. Cảnh học sinh ôm túi cam đi lễ mễ ngoài đường là hình ảnh thường thấy vào ngày này. Vì thế ngày 20/11 được gọi vui là "Ngày hiến cam các nhà giáo"
Bọn trẻ cười, bảo mẹ toàn bịa, tặng gì mà tặng túi cam!
Tức mình bảo, cười gì, bọn mẹ còn mua cả mấy cây dừa làm bằng phim rồi nhuộm màu này, mua tượng Lenin, tượng Bác Hồ, tượng tháp Rùa, rồi sổ tay mang đến tặng thầy cô.
Chuyện 20/11 nhớ mãi hai vụ. Có lần, chúng tôi "khênh" một bức tượng đến nhà cô Nguyệt dạy Sinh học ở phố Thuốc Bắc. Trong lúc đang ngồi nói chuyện, chưa kịp rút quà ra tặng cô thì một cậu quên mất, đè chân lên bức tượng làm gẫy món quà. Cậu hốt hoảng cầm túi đứng lên, chẳng nói câu nào đi luôn ra cửa. Chúng tôi thấy vậy cũng đồng loạt chạy theo, mặc cô giáo đứng đó không hiểu đầu đuôi ra sao.
Xuống đến chân cầu thang, cậu mới nói lý do khiến chúng tôi vừa buồn cười vừa tức, bèn góp hết tiền đi mua một túi cam rồi lại lễ mễ quay lên nhà cô. Cô cắt cam cho chúng tôi ăn xong rồi chúng tôi kéo nhau về.
Vụ thứ hai, chúng tôi mua một nải chuối rất to đi đến nhà cô. Hồi ấy không có điện thoại nên đi tìm nhà cô mãi không thấy. Đói hoa cả mắt, chúng tôi bảo nhau, tìm được đến nơi thì cũng muộn quá, thôi mình lấy chuối ăn cho khỏi đói, cô mà biết thì cũng không giận đâu. Nháy mắt, nải chuối hết sạch mà cả bọn vẫn còn thòm thèm. Đấy là năm học lớp 6. Giờ mấy chục năm rồi, quên nhiều chuyện nhưng cứ 20/11 lại nhớ hai chuyện này!
2. Năm nào cũng vậy, cứ sang tháng 11 là các con tôi, đứa đi làm, đứa sắp ra trường lại tíu tít hẹn hò các bạn của chúng đi thăm lại thầy cô cũ. Cả năm có một lần để các bạn học của chúng, dù đi làm mỗi đứa một nơi lại tụ họp, đến tri ân và cùng thầy cô ôn lại kỷ niệm cũ.
Có lần con gái tâm sự: "Vào đại học rồi con mới hiểu là hồi xưa bọn con thật may mắn khi được học cô Oanh mẹ ạ". Đến mẹ còn thấy yêu cô nữa là con. Phụ huynh và cô giáo gì mà gặp nhau vui như Tết chuyện trò rôm rả. Hai đứa con tôi khi nhắc đến thầy cô giáo rất hay nói, cô con, thầy con thế này, cô con, thầy con thế kia... Khi đến thăm thầy, cô về hai đứa hay bảo: "Mẹ ơi, cô con, thầy con gửi lời hỏi thăm mẹ đấy!". Chỉ có thế mà cũng thấy cảm động về chữ tình dành cho nhau!
3. Suốt 12 năm học phổ thông, tôi đều làm Ban phụ huynh cho cả hai đứa chỉ với mục đích nắm rõ hơn thông tin, hoạt động của các con ở trường, ở lớp. Đến trường rồi đi thực tế với các con nhiều lần mới thấy phục sự kiên nhẫn của thầy cô bởi chính mình nhiều lúc cũng điên tiết với bọn trẻ, vậy mà cô vẫn nhẹ nhàng, bình tĩnh.
Có lần tôi đã nói đùa với cô rằng: “Có hai nghề mà tôi không làm được, đó là nghề y và nghề giáo. Nghề y thì nhìn thấy máu hay người chết là tôi xỉu. Còn nghề gõ đầu trẻ thì tôi nóng tính và không đủ kiên nhẫn như các thầy cô”. Cô cười bảo, bọn em quen rồi với lại bọn trẻ trông nghịch ngợm thế nhưng lại rất tình cảm.
Ngày các con ra trường, cô và trò ôm nhau khóc. Hai đứa nhỏ nhà tôi đều học khá và làm cán bộ lớp nên chưa bao giờ phải xin điểm, nhưng đã thành lệ, dù bận mấy, 20/11 nào tôi cũng cố thu xếp thời gian mua hoa và một món quà nhỏ tự tay mang đến tặng cô như một sự tri ân những gì cô đã dành cho con. Việc tôi đến nhà cô đều được nói rõ với các con lý do, vì thế chúng vẫn kính trọng cô, không hề nghĩ mẹ đến nhà cô để đút lót hay hối lộ. Vì đến cô với một tâm thế như vậy nên thường câu chuyện giữa phụ huynh - cô giáo rất vui, nói đủ thứ chuyện trên đời.
5. Bữa rồi đọc trên báo thấy ca ngợi một trường tiểu học nào đó trong Nam trưng biển "Nhà trường 20/11 yêu cầu phụ huynh không tặng quà thầy cô giáo". Nhiều người cho rằng, việc nhà trường từ chối nhận tất cả các loại quà khiến nhiều vị phụ huynh này cũng cảm thấy con mình "có phúc" khi được học tại đây. Nhiều phụ huynh hoan hô nghĩa cử đẹp của trường khi đã mở lời trước, không "gây khó" cho phụ huynh. Rồi đi trên xe nghe thấy mấy phụ huynh kể lại mình phải mang quà đến nhà cô thế nào, dù thế nọ thế kia nhưng sợ cô trù úm con cái nên vẫn phải cắn răng mang quà đến nhà cô…
Tôi nghe và nghĩ các thầy, các cô giàu lòng tự trọng sẽ bị tổn thương như thế nào khi nghe những lời nói tàn nhẫn như vậy. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày 20/11 dư luận lại loanh quanh câu chuyện phong bì, quà tặng… cứ như cuộc sống thầy - trò chỉ có vậy.
Thiết nghĩ, ngày xưa không có ngày 20/11 nhưng các cụ đã dạy con cháu: “Mùng 1 Tết cha, Mùng 2 Tết mẹ, Mùng 3 Tết thầy” . Mùng 3 Tết, cha mẹ cùng con mang quà đến biếu thầy để tỏ lòng biết ơn thầy dạy dỗ chỉ sau cha, mẹ. Nhà có gì thì biếu thầy thứ ấy, không câu nệ.
Xã hội thay đổi nhưng tôi tin, truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn còn nguyên. Thiết nghĩ việc tặng quà thầy cô cũng rất bình thường, tự nhiên nếu nó xuất phát từ tình cảm tri ân thực sự. Vấn đề “của cho không bằng cách cho”. Tôi vẫn tin là số thầy cô đối xử với các con tùy thuộc vào chuyện phong bì của phụ huynh chỉ là số nhỏ trong số hơn triệu giáo viên trên cả nước.
Việc chúng ta tỏ thái độ quá cực đoan trong việc chê trách các nhà giáo nhận hoa, nhận quà, trong ngày Nhà giáo Việt Nam chẳng khác nào chúng ta khuyến khích sự vô ơn của các con, của cha mẹ đối với những người thầy và tầm thường hóa họ đi rất nhiều. Mà sự vô ơn không thể khởi đầu cho những cái gì gọi là tử tế. Dạy con không biết quí trọng những gì thầy cô dành cho mình thì dù có được chăm bẵm đủ nhưng mãi mãi chúng chỉ là những đứa trẻ không bao giờ lớn!/.