"Nếu Hà Nội như một con người, vì bản chất mỗi thành phố đều như một cơ thể sống, thì bạn hãy yêu Hà Nội cũng giống như bạn yêu một người yêu và yêu một ai đó, bạn sẽ là một phần của người yêu bạn, cũng như vậy khi yêu Hà Nội, bạn sẽ là một phần của Hà Nội. Hãy sống với nó, tìm hiểu để mà yêu nó chăm chút cho nó, cống hiến xây dựng cho nó ngày một đẹp hơn, để bạn là của Hà Nội và Hà Nội của bạn như của cả nước chứ không của một riêng ai”!
Tôi không phải người Hà Nội gốc. Nhưng mỗi dịp đi xa, nhớ về Hà Nội, tôi đều rất xúc động, mà tôi đâu có hiểu hết Hà Nội của tôi ở thực tế... Bởi thực ra, mọi hiểu biết về một miền đất đều rất tương đối, dù ai đó có sống cả đời người ở đó, thì sự trải nghiệm thực tế của người ấy về nơi ấy đều có giới hạn. Hà Nội cũng như vậy. Cho nên ngay cả những người bạn bè tôi, những người như hoạ sĩ Thành Chương, như đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hữu Tuấn, hay hoạ sĩ, nhà nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Phan Cẩm Thượng, gọi là sự hiểu biết về Hà Nội của họ khá rộng và sâu sắc, cũng vẫn chỉ là họ hiểu một Hà Nội văn bản. Tức là bên cạnh những điều suốt đời tụi tôi trải nghiệm, lăn lộn với Hà Nội, chúng tôi vẫn phải đọc, phải xem, phải nghiên cứu và lắng nghe từ những văn bản của người khác.
Nếu nói về bản sắc Hà Nội, tức nét riêng của Hà Nội, khó mà nói một từ hay một lời cho trọn vẹn.
Bởi vì bản sắc một thành phố, nếu theo hiểu những dòng viết của ai đó nhận xét trói gọn ở một từ tôi e rằng chưa đủ. Ví dụ như nói, Sài Gòn hào phóng, miền Tây phóng khoáng, Hà Nội thanh lịch... để gọi tên bản sắc, tôi e là chưa chuẩn xác. Nó, một từ ấy, âu chỉ là mới là 1 nét, phản ánh 1 tính rất nhỏ, chứ chưa hàm chứa đầy đủ, có nội hàm bản chất về bản sắc một vùng đất... Khi bạn nhận xét Sài Gòn phóng khoáng chẳng hạn... đấy là anh lấy tâm thế ở vùng anh sống, nhìn qua cách đi lại ăn nói, sống của một số người Sài Gòn mà nói vậy. Và, bởi khi đặt bên một Hà Nội chỉn chu, ngăn nắp xưa, hay vẫn một Hà Nội chậm trãi, thong thả ở mọi quyết định ứng xử với tiền thì khá nhiều vùng đất khác trở thành hào phóng chứ đâu chỉ riêng Sài Gòn? Gọi là Thanh Lịch ư? Hội An không thanh lịch ư? Như thế Hà Nội chẳng phải là cái riêng, rất riêng để gọi đúng từ bản sắc!
Nhìn vào một vùng đất, nhất là một thành phố có một lịch sử quá dài, nay lại đông dân, quá rộng thì những đặc tính trong hai từ bản sắc, đâu dễ gọi tên. Hiểu về nó, nói về nó ra sao, Hà Nội (và những nơi khác cũng vậy), phải ở rất nhiều khía cạnh, phải thực sống lâu với nó và suy ngẫm thật chín chắc, quan sát thật kĩ càng, mới thấy được con người Hà Nội, kể cả người Hà Nội hôm nay.
Số người nhập cư hiện nay ở Hà Nội rất nhiều, từ vài vạn người, sau 60 năm qua Hà Nội đã có tới 7,8 triệu. Diện tích cũng tăng gấp năm gấp 6, đại đa số dân nhập cư từ nhiều miền đất khác tới và khá đông vẫn hành xử theo bản ngã của họ từ quê ra, sao có thể phát biểu rằng, những điều họ và cả những cư dân lâu đời ở Hà Nội gây ra cho bạn khó chịu hay bức xúc nào đó, phản ảnh cái tâm hồn Hà Nội...
Tính gần 100 năm qua, đất nước nói chung, Hà Nội nói riêng, lại đã trải qua rất nhiều biến động kinh hoàng về chính trị, thể chế và vài cuộc chiến đã ít nhiều làm một Hà Nội lở loét. Gần đây Hà Nội đang trên con đường phát triển ào ạt và chưa rõ ràng định hình. Nhưng cho dù thế, vài chục năm vẫn chỉ là tiếng vỗ tay, tiếng vỗ tay của thời gian tương đối, mà quy luật và lịch sử cả thế giới từng chứng minh rằng, nơi nào văn hoá lớn, văn hoá nơi đó sẽ chiến thắng; những giá trị văn hoá của Hà Nội hình thành và thay đổi, để định dạng qua 1000 năm nay là văn hoá lớn.
Lại xét cá nhân nhiều người ở Hà Nội. Những biểu hiện bề ngoài của người ta từ lời ăn tiếng nói tới ăn mặc đã bị chiến tranh và cả cuộc sống lang thang làm phôi pha, nên xem ra nếp ăn ở của cha mẹ họ dạy từ khi chập chững biết đi cũng ít nhiều phôi pha cho dù họ chính là người Hà Nội gốc, hay vài đời ở Hà Nội, hoặc con cái nhà giòng giống trí thức đặc Hà Nội, nhưng từ sâu thẳm tâm hồn họ, những đứa con hà Nội này vẫn khác rất nhiều người khác.
Quan sat họ, tôi thấy họ ăn uống khác, suy nghĩ khác, và đặc biệt sự ứng xử với tiền, với của cải, với bạn bè vẫn rất Hà Nội... đấy là điều thăm thẳm ở tâm hồn môt con người không có gì đồng hóa được.
Con người Hà Nội có nhiều nét riêng ứng xử với đời sống khó lẫn vào vùng đất khác. Đa phần như thế. Tôi có thể nói, nếu ai nhận là người Hà Nội phải coi chừng, kể cả bạn sống hai đời ở đây khi ứng xử với tiền. Người Hà Nội gốc - 36 phố phường rất ít kẻ có mộng tích luỹ thật nhiều tiền để... đếm. Khi nghèo khó họ có thể kham khổ, nhưng khi có tiền và có rất nhiều tiền họ tìm cách hưởng thụ tận cùng của sự chơi và tìm mọi cách chơi cho đã.
Những thanh niên 36 phố phường, ngoài sự làm ăn rất chịu khó và linh hoạt với thời cuộc, họ là thợ đồng hồ, buôn bán vặt hay trí thức hoặc 1 kẻ bán hàng lớn thì đa phần đều làm ăn tới một giai đoạn nào đó là tìm cái chơi làm đầu... Tôi có vài người bạn Hà Nội xa xứ gần ba mươi năm, ở Đức bao nhiêu cơ hội trở thành đại gia, như nhạc sĩ Mai Lâm hay nguyên giáo viên ngoại ngữ Minh Thứ vẫn giữ nguyên cái tính ở phố phường, cứ có tiền là chơi, chơi tận cùng.
Ở Hà Nội có nhiều thú chơi tới tận cùng, tồn tại rất nhiều đời nay như thú chơi rượu. Không phải là sự sưu tầm vài chục thứ rượu ngoại đâu nhé. Họ rất cầu kì chọn gạo chọn người cất lên thứ rượu trắng tinh khiết, người nghèo thì dăm chum nhỏ, người giầu thì vài chum to, thậm chí vài chục chum, để rượu rất lâu năm rồi ngâm các vị thuốc. Không phải ngâm thuốc thang mà ngâm thuốc vị. Từng vị theo gia truyền theo kinh nghiệm. Ngày ngày họ tụ tập ở đâu đó, mang theo chút rượu nhỏ, đựng trong chai đẹp nhâm nhi và trao đổi với nhau bên hè đường. Thâm nhập vào giới chơi này cũng khá nhiều sự thú vị mà chỉ có đất Kinh kì Thăng Long mới có cách chơi ấy...
Người Hà Nội có những phong cách dễ nhận ra, bắt đầu từ giọng nói. Nhưng ở họ, có người thuộc một người Hà Nội đại chúng và, có những người Hà Nội cá tính. Ví dụ, hoạ sĩ Thành Chương là một người Hà Nội cá tính, và nhạc sĩ Phú Quang là người Hà Nội vừa cá tính lại vừa Hà Nội đại chúng... Nói vậy, để nhận biết khi ai đó xưng với bạn “Tôi là người Hà Nội”, thì dù người đó có bắt chước giọng Hà Nội, ăn mặc rất tươm tất nhưng chưa chắc người đó đúng là Người Hà Nội!
Đất thiêng Hà Nội, khi tiếp nhận con người và văn hoá các vùng đất khác, tinh hoa của các vùng đất khác, nó mang tính “vô ngã”. Và, chính vì điều này mà Hà Nội luôn luôn tiếp nhận để tập trung tinh hoa của đất nước của con người Việt, của những vùng văn hoá khác trở thành Hà Nội, thuộc về Hà Nội, hình thành sự tiêu biểu cho cả nước, cho Tộc Việt. Nhưng khi thể hiện mình, khi bạn đối diện với Hà Nội, thì Hà Nội hiện ra với đầy bản sắc một tâm hồn đầy bản ngã.
Chuyện Hà Nội nhiều ý kiến, người khen và kẻ chê. Không thiếu kẻ chê, miệt thị, thậm chí bỉ báng và ghê tởm, bởi khi họ nhìn chỉ đâu cũng thấy ghê tởm xấu xa thì lên thiên đường cũng sẽ thấy không theo ý mình. Tôi cũng biết có người như thế, thậm chí sang tận Paris, một trung tâm văn hoá rất lớn của thế giới, họ cười nói oang oang, nhoáng nhoàng chụp ảnh bên những công trình hoanh tráng mà hình ảnh của nó nhan nhản trên các Cabotan bán đầy bên bờ sông Sen, về nhà để tỏ ra quái đời, sâu sắc họ nhận xét khác đời, xanh rờn: “Paris chả có gì, đường toàn cứt chó”!
Cũng có người địa phương khác về nhìn Hà Nội bình tĩnh hơn, có văn hoá, phê bình Hà Nội với lời lẽ ôn tồn, nói trúng cái tồn đọng của Hà Nội bởi họ suy nghĩ sâu xa, tinh thần tích cực làm chúng tôi tâm phục khẩu phục.
Tôi thực ra là người gốc xứ Thanh rồi dòng họ nội nhà tôi theo lệnh vua Nguyễn đi lấn đất biển ngập mặn ở Thái Bình, họ ngoại vì can qua cũng về bến Hiệp, Thái Bình cách dây vài trăm năm. Tới thời cha tôi, do học Mỹ thuật Đông Dương mà sau cả nhà cũng vì can qua mà lên Hà Nội. Hà Nội đã bao dung cả nhà tôi. Như vậy xét nguồn gốc, tôi là dân Hà Nội nhập cư. Tôi sống với Hà Nội từ khi lẫm chẫm, chứng kiến cả thời tây thời ta, suốt hơn 60 năm qua, từng ba năm cùng bao anh em cao xạ sống chết bảo vệ Hà Nội và có thể nói, chừng ấy để tôi luôn yêu thương mảnh đất này.
Nhớ những năm tháng ở trong rừng tại miền Nam đi chiến đấu, khi nghe tin Khâm Thiên cháy đỏ, tôi đã khóc. Những ngày tôi xa xứ, nơi tôi nhớ nhiều nhất là nhớ về Hà Nội. Tôi nhớ ngõ phố nhỏ nhà tôi, nhớ từ cây me, gốc bàng sần sùi tôi trồng thập kỉ 60, nhớ cái máy nước mùa hạ chen chật người chờ, nhớ Bờ Hồ, sông Hồng, những ghềnh đá và các buổi câu tôm, những bãi gỗ và thuyền bè ngan ngát mùi nước mắm. Từ xa Hà Nội luôn luôn chất đầy tâm khảm lớp lứa chúng tôi là bao con người từ cha ông tới bè bạn đã hy sinh, đã cống hiến đã một mai với Hà Nội. Và, nhờ tình yêu ấy, Việt Nam luôn trong trái tim những kẻ đi xa. Và nhờ tình yêu ấy, tôi đã trở thành nhà văn để viết nhiều tản văn, tuỳ bút, khá nhiều người biết tới như tuỳ bút “Hà Nội xuân tháng Hai” hoặc “Chuyện tình của cha tôi” hay “Phố cũ” là 1 truyện ngắn xuất sắc được giải Báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam.
Nhiều người bạn tôi đều như thế. Họ sinh ra ở một gia đình phong kiến hay trí thức trong lòng Hà Nội, lớn lên trong ly lạc có quan hệ với nhất nhiều giai tầng ở Hà Nội, biết nhiều điều ngõ ngách ở Hà Nội và trong sâu thẳm tâm khảm càng yêu Hà Nội họ càng cố gắng tìm hiểu Hà Nội, để làm nhiều việc cho Hà Nội.
Hà Nội hôm nay đang phát triển với tốc độ như vũ bão. Từ phạm vi hạn hẹp vài vạn dân, bó trọn 36 phố phường, Hà Nội có tới 7,8 triệu cư dân, diện tích vươn sat tới chân núi Ba Vì... Nhìn vào một vùng đất, một thành phó ta cần nhìn nó như một con người, nó là một cơ thể sống. Vì thế dẫu Hà Nội là Thủ đô của cả nước, chứa trong lòng nó cả một tầng văn hoá sâu bền nó vẫn có khá nhiều khiếm khuyết, những đặc tính tốt, xấu, như đặc tính một con người. Nhưng Hà Nội dứt khoát có tâm hồn của nó. Mà đã gọi là tâm hồn thì dễ gì nhận biết?
Nói về lịch sử, văn hoá gốc xa xưa của Hà Nội, đến tận cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 vẫn vốn là văn hoá Phường Xã, nó na ná như văn hoá làng xã ở các vùng thôn quê mà thôi. Điều này chứng minh trong sách vở đã ghi, trong các dấu vết còn lại hiện nay ở các khu phố Hà Nội, phường hội, ngay ở trung tâm 36 phố phường vẫn còn đình còn chùa, có các lễ hội y như 1 làng nào ở Bắc Bộ. Nhưng Hà Nội từng chọn là kinh kì của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam nên Hà Nội được ảnh hưởng rất nhiều ở cách ăn ở, giao du, hình thành do ảnh hưởng học tập từ những gia đình quyền quý và trí thức Bắc Bộ.
Cách sống đa phần của người Hà Nội là lối sống thị dân trong những uốn nắn con cái ở gia đình ít nhiều ảnh hưởng các giá trị văn minh tinh tế xã giao trong giao tiếp của tầng lớp trí thức và quyền quý. Những quy ước sống ấy hình thành khá lâu, lại ở đời sống cụ thể thường nhật do đặc tính làm ăn hình thành, nên so những nét khác biệt từng vùng ngay ở lòng Hà Nội xưa. Một Hà Nội buôn bán trong toen hoẻn 36 phố phường khác với một Hà Nội ngoại thành mà đã số làm ăn nông nghiệp.
Cũng khi nó là kinh kì nên nó vô ngã khi tiếp nhận các tinh hoa ở những vùng đất khác; các vị vua hay các trí thức lớn đã tôn tạo một Hà Nội, và nó hình thành các quần thể văn hoá đậm đặc như quần thể Tây Hồ, quần thể Hồ Gươm và khu Quốc Tử Giám. Đây là một đặc thù mà nhiều thành phố khác không có. Những công trình văn hoá ấy là của Hà Nội, khi nó đặt trên đất Hà Nội, nhưng lại không phải từ Hà Nội mà là tinh hoa của con người và văn hóa của nhiều vùng về đây tụ hội mang đậm sắc thái văn hoá Bắc bộ.
Sự sống Kinh Đô nhiều năm ảnh hưởng khá nhiều tới cung cách giao tiếp của người Hà Nội. Điều này cũng hình thành 1 nếp sống mà trong đó có những quy phạm về ứng xử, lễ nghĩa cả ứng xử với sản phẩm nuôi sống con người một cách có sắc thái và đẳng cấp nên sinh ra ẩm thực Hà Nội... Do vậy bên cạnh những điều hay, nét đẹp dễ nhận ra, bạn có thể bắt gặp ngoài lề đường sự xô bồ đường phố, cũng có sự khách sáo hay những sự tiếp đãi tưởng như khinh người. Bạn hãy tìm hiểu kĩ sự ứng sử giao đãi khi tiếp cận với một gia đình truyền thống Hà Nội, bạn sẽ thấy bản chất của vấn đề, khi người Hà Nội gọi con cái khi trưởng thành có gia đình riêng, là anh là chị, con cái gọi cha mẹ là cậu mợ.
Người Hà Nội cũ tiễn khách về với câu: ông bà lại nhà, anh chị lại nhà. Người Hà Nội hôm nay tiễn khách về buông tuồng dễ rãi hơn, với những câu như ông bà hay anh, chị về nhé . Chỉ hai cái từ “về nhé” làm ta gần gũi nhau hơn.
Tất cả những điều lớn và nho nhỏ cá biệt ấy đã tạo nên một văn hoá Hà Nội, nét lớn là bao gồm nhiều tinh hoa của tộc Việt và tạo thành nét đáng yêu gọi chung là văn hoá Hà Nội mang tâm hồn Hà Nội.
Nói tới sự tĩnh lặng lịch thiệp của một tâm hồn Hà Nội. Một nét Hà Nội thanh lịch và trầm mặc, phải tính tới dư địa trí của nó trong lịch sử hình thành, điều ấy để bạn cảm nhận rõ nét và sâu sắc hơn về một vùng đất… Và chính ở điều này,chúng ta phải biết cám ơn tiền nhân khi vua Lý Thái Tổ đã chọn nơi đây là kinh kì. Sự lịch thiệp của Hà Nội không chỉ trong lối sống mà còn nằm ở địa chí, vì từ địa chí, con người hình thành tính cách. Điều này rất rõ nét hơn ở Huế. Khi quan sát đất Huế, tôi nhìn thấy cái gì cũng chậm dãi, lững lờ như con sông Hương thơ mộng. Mưa cũng chậm, người cũng chầm chậm và gió thổi những tà áo cũng bay chầm chậm. Có phải chăng sự sống chậm đã làm cho Huế thơ mộng hơn buồn hơn và có nhiều thi nhân nổi tiếng hơn các mảnh đất khác.
Riêng với Hà Nội. Có mảnh đất nào thành phố có được nơi sông hồ quần tụ lãng mạn như Hà Nội. Nơi đây có Hồng Hà, một dải sông lượn quanh sắc thái rất rõ nét bốn mùa và Tây Hồ rộng lớn, bao la gợn sóng. Bạn hãy tới thực sự sống với Tây Hồ trong mùa Thu hay mùa Đông, để bạn có thể chìm đắm sớm sớm trong bảng lảng những tầng sương bay lãng đãng trên mặt hồ, sương bay như mây khói và bạn hãy lắng nghe ở trong làn sương mỏng mảnh ấy, tiếng âm thanh huyền ảo của tiếng những chuông chùa đang xuyên qua sương sớm, ngân nga trên mặt Dâm Đàm. Những âm thanh đầy tính tâm linh ấy như từ cõi vô ảnh vô hình, song thực ra là từ 1 quần thể hơn 20 chùa cổ, đa sắc thái ẩn quanh chìm khuất ven Tây Hồ.
Khung cảnh ấy bất chợt biến bạn, con người trần tục ta trở nên trầm mặc và khao khát sống chậm trãi hơn, biết yêu người và yêu đời hơn! Đấy là chưa kể bạn có thể rẽ sương ra giữa hồ, nếu may mắn làm quen với một cô gái trẻ xinh như mộng, giờ tóc cắt ngang vai sóng sánh cuộn nhuộm ánh vàng của làng Yên Phụ. Cô gái trẻ và đẹp sẽ đưa bạn trên chiếc thuyền xốp trắng lênh đênh mặt hồ, để bạn khám phá tiếng kêu lách cách của vạn chài, sớm chiều gõ trên thuyền nhỏ, quăng tay lưới bạc, giữa cái bao la của trời đất.
Bạn sẽ ngồi bên mạn thuyền hay quán nhỏ cafe dìu dịu đèn nến ven Tây Hồ, để nghe cô kể về làng cô, dù nay đã lên phố, cư dân vẫn ứng xử tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn, nguyên hương như thuở nào, có nhau như ngày nào; câu chuyện của cô gái ấy tựa câu chuyện của nghệ sĩ điêu khắc Lê Đình Nguyên và đạo diễn điện ảnh Trần Lực, cư dân của làng phố Yên Phụ hôm nay, kể về những xóm giềng của họ, cái làng phố nho nhỏ, có thể gửi cả chùm chìa khoá, nhà cửa, cả con chó nhỏ khi họ đi công tác xa dài ngày...
Những tấm lòng và cách sống như thế còn khắp đâu đây, không hề cá biệt nếu bạn tìm hiểu kĩ trong những khu 36 phố phường, trong ngóc ngách buồn thiu chật chội phố cũ, hay những làng hoa, dù đã thay đổi nhiều, nhưng nếp làng vẫn giữ như ngày nảo ngày nao, trên Nhật Tân, Ngọc Hà, nơi đất lành trở thành nơi quần tụ bao văn nghệ sĩ về đấy mà nương bóng nương thân.
Hãy nghe giọng người dân ở đấy, cô gái ấy cất lên, nói trong những câu chuyện bình dị ấy, một giọng nói ngọt, ấm hay trong trẻo, tròn vành rõ chữ, thấm vào da thịt mát xanh như nước sớm mặt hồ...
Hỏi ai một lần căm ghét Hà Nội vì vài điều nho nhỏ đụng chạm ở hè đường, đã bao giờ biết để đắm chìm trong khung cảnh ấy chưa, mà căm ghét Hà Nội?
Hà Nội như thế địa linh và nhân kiệt, che chở những con người Việt vẫn là một vùng đất luôn hấp dẫn biết bao tâm hồn đến với nó, biết chia sẻ với nó để thương yêu lần nhau!
Nhưng bên cạnh nó khi nó là cơ thể sống Hà Nội khi chất chứa mọi tầng lớp mọi con người nó cũng đầy những thói quen phong tục chưa hoàn mỹ, nhất là ở xu thế toàn cầu và hội nhập... đấy là cái chiều mà nhiều người đã phát biểu hay viết ra, chỉ ra khiếm khuyết còn tồn đọng ở Hà Nội. Nhưng tuyệt nhiên, khi đã gọi là Văn hoá vùng miền thì thói xấu không phải là văn hoá. Cũng như sự không nên hẹp hòi cạn nghĩ mà phát biểu Văn hóa chửi, từ một hiện tượng báo chí nêu ra. Một là, đã gọi là Văn hoá thì chửi đâu phải là văn hoá, sai về ngôn ngữ! Hai là, Hà Nội có hơn hai vạn quán bán bún và phở, chỉ có 1 hay 2 quán có tác phong bán hàng xấu, sao dám nói cả vùng đất có 1.9998 hàng quán không chửi để nói rằng Hà Nội có văn hoá chửi xấu xa? Đấy có phải là cách nhìn sáng suốt và minh triết không?
Hà Nội hiện tại rất nhiều vấn đề cần khắc phục, nó khi là 1 cơ thể sống thì tất nhiên có mặt nào đó không ổn hay chưa ổn, nhất là tình trạng một Hà Nội đang mò mẫm phát triển, chưa ổn định hôm nay? Nhưng tôi tin rằng cái gì đã là văn hoá sẽ tồn tại và ngày càng hoàn thiện hơn để Hà Nội vẫn là một cơ thể lành mạnh, đẹp, chậm trãi bình tĩnh và còn thăm thẳm trong lòng nó sự u tịch đang suy nghẫm để hành động cho cuộc đời./.