Những vị khách phương Tây bỏ ra hàng ngàn đô la để đến Việt Nam nhặt rác trong một tour du lịch mới lạ. Thế này thì tốt quá, ta cứ vô tư xả rác, có khi phải phát động phong trào: “Toàn dân xả rác ra đường” để tạo công ăn việc làm cho cho những vị khách “thừa tiền” và thích “của lạ".
Tôi còn lo xa, tính trước cho trường hợp một vài quốc gia trong đó có Singapore muốn áp dụng mô hình thành công này thì phải kèm theo điều kiện bắt buộc là nhập khẩu rác của... Việt Nam.
Cho đến khi xem hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của cô bé người Úc chăm chỉ nhặt rác và hồn nhiên phát biểu: “Nó rất là tốt cho môi trường, như thế này thì nhìn đẹp hơn nhiều so với việc nhìn thấy rác ở khắp mọi nơi”. Thì ra họ không phải là những kẻ thừa tiền và ham của lạ. Việc thu dọn rác này được họ coi như một hành động thiết thực, làm sạch môi trường bằng những công việc nhỏ nhất để trả ơn thiên nhiên.
Câu nói vô tư của một cô bé và những người xa lạ đến từ hàng ngàn cây số được truyền hình đến gần 90 triệu người dân Việt Nam khiến tôi bừng tỉnh và thấy... cay cay.
Càng nghĩ, lại càng thấy xấu hổ.
Là phóng viên theo dõi và đưa tin về sự kiền bầu chọn quốc hoa từ 3 năm qua, tôi cũng như nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhiều người say sưa vận động bỏ phiếu cho hoa sen hồng.
Nhưng sau khi xem bản tin trên, tôi bắt đầu nghiêng về phương án lựa chọn hoa xấu hổ.
Biết xấu hổ là còn có lòng tự trọng. Điều đang rất thiếu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Biết xấu hổ thì sẽ biết sửa sai. Hồi còn sinh viên trong một lần đi dạo với một cô bạn nước ngoài mới sang học tiếng Việt. ăn kem xong, tôi thản nhiên vứt que kem xuống đất còn cô ấy thì cẩn thận gói nó vào tờ giấy và bỏ vào túi. Cô ấy bảo sẽ vứt khi nào tìm thấy thùng rác còn không sẽ mang về vứt ở khách sạn.
Lúc đó tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng vì ngay trước khi ăn kem chúng tôi có thảo luận về câu ca "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" và tôi lỡ tinh vi "khoe" rằng tôi là người Hà Nội gốc, rằng dòng họ nhà tôi là những người lập nên phố Hàng Thiếc.
Trước giờ tôi cứ ngỡ "thanh lịch" là điều gì đó tự nhiên ngấm vào máu mình rồi, mình là người Hà Nội cơ mà. Nhưng giờ mới thấy cái tính "sạch nhà, bẩn ngõ" mới là cái thứ tự nhiên ấy.
Từ đó, bất cứ khi nào ăn uống ngoài đường, tôi không bao giờ vứt rác bừa bãi nữa. Tuy vậy, những lúc như thế, tôi vẫn không quên được gương mặt cô gái ấy với nụ cười gượng như xấu hổ giùm tôi.
Trở lại chuyện bình chọn quốc hoa, không ít người cho rằng đây là cuộc bầu chọn tốn kém mang tính hình thức trong khi đất nước còn biết bao việc cấp bách khác phải làm.
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, mấy nghìn năm qua không có quốc hoa thì có sao, giờ có quốc hoa và nếu như hoa sen hồng được "chỉ định" làm quốc hoa thì sẽ thế nào? đất nước có nhờ một bông hoa mà bớt khó khăn hơn không? Du khách có vì nó mà đến Việt Nam đông hơn không? Văn minh nơi công cộng có vì nó mà cải thiện hơn không? Sen hồng có giúp học sinh yêu sử hơn không?v.v...
Tôi từng tham dự nhiều kỳ Festival Huế, hoa sen hồng xuất hiện dày đặc trong các sự kiện. để đảm bảo cho sự xuất hiện đó, ban tổ chức đã phải liên tục thu gom hoa khắp nơi vì sen là loài hoa mau nở, chóng tàn. Thứ hoa mọc nhan nhản ở Huế bỗng trở nên khan hiếm và... tăng giá. Ấy chỉ là một sự kiện diễn ra ở một tỉnh trồng sen nhiều nhất nhì cả nước thôi nhé.
Kể ra cũng hơi ích kỉ khi nghĩ đến chuyện mình sẽ không dám mua thứ hoa yêu thích nữa chỉ vì nàng lọ lem "dân hoa" nay thành công chúa.
Trong cuộc họp báo quí 1 mới đây, Bộ VHTT&DL đã khẳng định sẽ không có một văn bản nào "phong" một loài hoa nào thành quốc hoa. Quốc hoa sẽ do người dân bầu chọn và tôn vinh.
Tuy nhiên ngẫm lại thì thấy cuộc bầu chọn quốc hoa không hoàn toàn chỉ tốn kém và hình thức, nó có những ảnh hưởng tích cực đáng kể đến không ngờ.
Bất cứ một ai khi được hỏi thì sẽ dừng lại suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước, về lịch sử và văn hóa truyền thống dân tộc để từ đó chọn loài hoa đại diện cho phù hợp.
Bên cạnh sen hồng, hoa lúa, hoa mai, hoa đào... với những lời tán dương quen thuộc thì ta bất ngờ và bật cười khi một số lượng không nhỏ ủng hộ hoa xấu hổ, hoa hồng, hoa đồng tiền với nghĩa bóng... Cười đấy rồi đau lòng đấy, càng ngẫm, càng ngẫm càng ưu tư!
Tôi thấy ở những đề xuất đó, cho dù chỉ mang tính trào phúng, những tín hiệu tích cực. Nó làm rung lên dây thần kinh xấu hổ của người Việt. Còn xấu hổ thì còn lòng tự trọng và còn biết sửa sai, biết nhìn thẳng vào sự thật, biết học hỏi và phấn đấu cho tiến bộ.
Tôi tôn trọng những người chọn hoa sen, mai, đào... và mong mọi người đừng ai lên án lựa chọn hoa xấu hổ của tôi cũng như lựa chọn hoa hồng háu ăn và hoa đồng tiền thực dụng của những người khác.
Nếu các bạn tôn vinh hoa sen, hoa mai, hoa đào... hãy sống cho đẹp như loài hoa mà bạn hướng tới.
Tôi chọn hoa xấu hổ bởi vì trong lúc này, mỗi con người và cả xã hội cần phải nhìn lại mình với cái nhìn phê phán, để tự sửa mình, tự gột rửa mình, đẩy lùi những thói hư, tật xấu làm cuộc sống bị ô nhiễm, làm méo mó nhân cách con người...
Biết xấu hổ là bước khởi đầu để ta trở về với cái đẹp và cái thiện, cũng như bông hoa xấu hổ trở nên đẹp hơn ở sắc tím mong manh e ấp dịu dàng./.