Thời gian gần đây việc bầu chọn danh hiệu đại sứ Du lịch tốn kha khá giấy mực của báo chí, nhất là khi người cầm chắc phần thắng bất ngờ rút lui vào phút quyết định. Chiêu này khiến dư luận bắt đầu có vẻ như ngộ ra rằng tìm một đại sứ tầm cỡ như cô ấy không phải là một việc dễ dàng. Bộ VHTT&DL buộc phải thông báo hoãn công bố "chức danh" này.

Trở lại thời điểm tháng 9/2011, khi cả nước bất ngờ trước việc bất thình lình Bộ VHTT&DL quyết định bổ nhiệm diễn viên điện ảnh, người mẫu Lý Nhã Kỳ là Đại sứ du lịch Việt Nam, thì tôi lại cảm thấy rất chi là... bình thường.  Với tôi, cô ấy không phải là đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam.

Người đầu tiên là ai không rõ nhưng tôi biết chắc chắn rằng, trước cô Lý Nhã Kỳ, có một người đảm nhiệm công việc này rất thành công, có khi hiệu quả chả kém  gì, đó là bà nội tôi.

Bà sinh ra và lớn lên ở làng Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Sau khi lấy ông tôi- người cùng làng, bà lên phố bán tạp hóa cho người Pháp. Số tiền kiếm được bà dành để nuôi các con và mua một căn nhà giữa phố Hàng Nón, nhờ thế ông tôi cũng dễ bề bí mật hoạt động cách mạng.

Sau khi đất nước thống nhất, đến thời kỳ mở cửa, tôi còn nhớ như in hình ảnh cả phố đổ ra xem những ông tây đầu tiên trên đường. Thời đó hàng quán chưa nhiều như bây giờ, cả con phố dài chỉ lác đác có vài cửa hàng. Cửa hàng tạp hóa của bà tôi là nơi họ dừng chân mua nước ngọt đóng chai. Bà luôn bán đúng giá như bán cho hàng xóm. Bán giá Việt cho Tây thời đó hiếm, vì mọi nơi có chế độ hai giá áp dụng cho người nước ngoài.

Chứng kiến những đau thương mất mát chiến tranh do ngoại bang mang đến, chả cần ai tuyên truyền, bà tôi không bao giờ trút giận lên những khách du lịch mà ngược lại, bà luôn niềm nở ân cần trò chuyện dù chỉ bằng vài từ tiếng Pháp bồi mà bà học được thủa còn trẻ.

Chỉ vài câu thôi mà chả hiểu sao có những người ngồi "buôn" với bà tôi cả tiếng đồng hồ. Ngôn ngữ "buôn" đa dạng lắm, mồm miệng tay chân đủ cả và thường phải có sự hỗ trợ của giấy bút để vẽ những hình ảnh nguệch ngoạc "minh họa". Bà tôi già thế mà mấy anh chị tây trẻ măng cứ quấn lấy bà. Hôm trước đến rồi hôm sau còn tạt qua quyến luyến chào từ biệt để rời Hà Nội.

Khi tôi lên cấp 2, bắt đầu học tiếng Anh là lúc tôi trở thành phiên dịch bất đắc dĩ của bà. Những câu bà thường hỏi là: Anh/chị từ đâu đến? Thấy Việt Nam đẹp không? Đi chơi được nhiều chưa? Đồ ăn Việt Nam ngon không? Ăn nem chưa? Thế sau này có quay lại Việt Nam không? Quay lại nhớ đến đây chơi nhé... Trước khi chia tay khách bà hay giúi vào tay họ khi thì quả cam, lúc thì trái táo. Mấy thứ trái đầy rẫy ở xứ nhiệt đới này có gì lạ mà khi nhận, tôi thấy họ rưng rưng.

Để chủ động lúc tôi không có nhà, bà yêu cầu tôi phiên âm những câu bà thường dùng để bà "buôn" cho tiện. Tôi vâng lời làm như bà yêu cầu dù trong đầu thắc mắc hỏi rồi người ta trả lời làm sao bà hiểu. Ấy thế mà những lữ khách ghé mua nước ngọt vẫn hỉ hả "buôn" rất lâu với bà.

Lên cấp 3, tôi bắt thăm phải lớp chuyên tiếng Pháp. Bà mừng như tìm được tri kỷ. Bà yêu cầu tôi dạy lại cho bà mấy câu tiếng Pháp chuẩn và dĩ nhiên bằng cách phiên âm. Khách tây đến nhà, trong câu chuyện kể về gia đình, bà không quên khoe về đứa cháu biết 2 ngoại ngữ, hiểu văn hóa phố cổ và trong nhiều lí do ngồi "buôn" của lữ khách có thêm lí do "chờ chút nữa nó đi học sắp về, nó làm phiên dịch".

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm ở VOV, tòa nhà 37 Bà Triệu thuộc khu phố Pháp được ngăn cách với khu phố cổ nhà tôi bởi Hồ Hoàn Kiếm. Tôi có sở thích dậy sớm từ 5h rồi đi bộ đến cơ quan mỗi buổi trực. Một bữa, kênh truyền hình Pháp bày tỏ muốn ghi hình một buổi đi làm của tôi cho một phóng sự giới thiệu về Hà nội. Tôi chần chừ. Bà ra sức động viên, bà không nghĩ đến việc to tát là quảng bá Hà Nội ra thế giới mà chỉ đơn giản là "cháu lên hình để những khách quen của bà nhận ra, lại đến chơi với mình".

Tôi nghe lời bà, sau bữa đó chúng tôi nhận được nhiều thư của bạn bè gửi về.

Lây tính cách của bà, một hôm bố tôi đưa một đoàn khách 5 người Pháp về nhà chơi rồi mời ăn. Trước đó họ quen nhau tình cờ khi nhờ bố tôi chỉ đường. Câu chuyện tưởng chỉ có vậy, ai ngờ 2 năm sau khi bố tôi qua đời, một người nước ngoài đã cố công tìm đến để trao một bức thư của một trong số 5 người bạn Pháp này. Trong thư là lời cảm ơn bố và gia đình tôi, ca ngợi người Hà Nội, văn hóa Hà Nội. Họ khuyên bạn mình khi đến Hà Nội nhất định phải ghé thăm gia đình tôi... Thắp một nén hương, tôi đặt lá thư trước bàn thờ bố, nước mắt trào dâng...

Khu phố nhà chúng tôi giờ đây rất sầm uất với những cửa hàng thời trang lộng lẫy váy áo. Bà tôi giờ đã hơn 90 tuổi, chẳng còn minh mẫn như xưa nhưng gia đình tôi vẫn giữ nguyên cửa hàng tạp hóa dù rằng có người hỏi thuê mỗi tháng ngót nghét 30 triệu. Cửa hàng giờ chỉ bày tượng trưng vài gói bánh và mấy chai nước cho vui vì bà tôi sức yếu chậm chạp thi thoảng cũng bị lẫn. Nhớ nhớ quên quên nhưng mỗi khi gặp du khách nước ngoài, bà vẫn luôn niềm nở, ân cần.

Vậy đấy các bạn ạ, bà tôi không trẻ đẹp, không có chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch, càng không có khả năng vận động tài chính phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá du lịch.  Cả đời chỉ làm có một nghề rất bình thường: bán tạp hóa. Từ gánh tạp hóa đó, đại gia đình tôi với gần 80 người con, dâu, rể, cháu, chắt của bà đã trưởng thành với lòng tự trọng.

Nếu như hiệu quả của những việc mà Lý Nhã Kỳ đã làm được cho ngành du lịch trong nhiệm kỳ vừa qua còn nhiều bàn cãi thì tôi hoàn toàn tự tin khẳng định rằng chính những đại sứ du lịch dân gian như bà nội tôi mới tạo ra thành công bền vững của du lịch nước nhà. 

Thay vì loay hoay di tìm những cô gái xinh đẹp làm đại sứ, tại sao không tìm cách nâng cao ý thức, biến từng người dân làm đại sứ du lịch?./.