Hơn một tháng nay, Hạnh Lê tự nấu ăn và mang cơm đi làm để tiết kiệm chi phí. Không riêng cô, nhiều đồng nghiêp ở văn phòng cũng phải thay đổi thói quen ăn hàng quán trước đây. Vắng khách, cùng với việc lo ngại dịch bệnh, quán cơm gần đó đóng cửa im ỉm, chưa biết ngày nào trở lại. Chị hàng trà đá ngày thường “hớt” khách từ quán cơm nên cũng đông đúc, nay than thở một ngày bán không quá 50.000 đồng.

Nhưng Hạnh Lê còn may mắn chán, bởi cơ quan cô không cắt, giảm lương. Chị Hồ Phương, những ngày đầu năm mới hẵng còn kể về mơ ước có một ngôi nhà nhỏ với vườn cây ăn quả ở ngoại ô Hà Nội, nay vừa rao thanh lý lại homestay tâm huyết - “nồi cơm” chính của cả gia đình, đã gây dựng được thương hiệu từ mấy năm nay. Không sang nhượng sao được khi mỗi sáng ngủ dậy, chị phải đối diện với căn homestay không một bóng khách kèm chi phí vận hành, thuê nhà, lương nhân viên…

pho_phuong_vov_1_dbem_fbrg.jpg
Phố phường vắng vẻ "mùa" Covid-19.

Đã nhiều đêm, anh Trung, chủ một quán pub nhỏ trên phố Lý Nam Đế không ngủ được. Hai mắt trũng sâu, sụt một lúc 10kg, anh đã nghĩ đến nhiều cách để cải thiện tình hình kinh doanh của quán: giảm giá, khuyến mãi giờ vàng, đưa vào menu các loại đồ uống mới, mời DJ nổi tiếng, thông báo đến khách hàng đã phun khử trùng, khử khuẩn quán nhưng vẫn không mấy khả quan. Dễ hiểu thôi bởi khi đồng lương bị cắt giảm, nhiều người mất việc, thiếu việc thì nhu cầu vui chơi, giải trí là thứ cần được thanh lý đầu tiên.

Hồng làm freelancer trong lĩnh vực quảng cáo, đồ hoạ. Như nhiều người trẻ khác, cô làm việc hăng say, hết mình cho công việc nhưng yêu thích lối sống hưởng thụ. Hồng quan niệm làm được, kiếm được thì cũng phải tiêu được, với đồ hiệu đắt đỏ, những chuyến du lịch, nhà hàng quán ăn sang trọng. Song đã hơn 2 tháng nay, Hồng không có việc mới, số tiền tiết kiệm ít ỏi cũng đã cạn dần. Hồng bảo, trước đây cô từng nghĩ chỉ cần mình giỏi là không lo thiếu việc làm. Nhưng mọi thứ giờ đây không đơn giản như vậy.

 

Tôi còn nhớ đêm ngày 6/3, khi thông tin về bệnh nhân số 17 từng đến tòa nhà T18 khu đô thị Times City, bạn tôi sống tại Times đã đăng tấm ảnh chụp một vài người dân di tản ngay trong đêm và thảng thốt: “Trời ơi, mọi thứ bắt đầu rồi. Tôi phải làm gì bây giờ?”. Cũng là chị, chỉ vài giờ trước đó, trên facebook còn đăng ảnh tập gym khoe cơ bụng, bữa tối lành mạnh với chuối và yến mạch.

Ngày 7/3, tôi đi siêu thị mua đồ cho bữa chiều. Ngăn tủ trống rỗng bởi mọi người đã vơ vét từ sớm để tích trữ. Tôi đi đến cửa hàng thứ 2, 3, nhân viên đều lắc đầu. Những cây rút tiền hàng dài người nối đuôi nhau xếp hàng, ô tô và xe máy ken đặc đường chở trẻ con về quê. Tôi trở về nhà với cái túi rỗng không và một nỗi hoang mang mơ hồ. Chưa bao giờ tôi thấy thế giới rộng lớn quanh mình yếu đuối và dễ tổn thương đến thế. Những ngày sau, những tin nhắn lạnh lùng đến vào mỗi tối thông báo số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam. Truyền thông đưa tin về dịch bùng phát ở Hàn, ở Ý, Mỹ… Số người chết tăng nhanh, các quốc gia phong toả. Kịch bản đối phó với Covid-19 thay đổi từng giờ. Sự tự tin rằng con người có thể kiểm soát và trấn áp mọi thứ bị lung lay. Và nỗi hoang mang lớn dần…

Lao động phổ thông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Covid-19.

Cách đây 2 tháng, người ta còn lắc lư theo nhạc của Đen Vâu - những câu hát được coi là tuyên ngôn sống của giới trẻ: “Đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công”, “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”…

Cách đây 2 tháng, lúc trà dư tửu hậu, người ta bàn với nhau về những chuyến đi xa thoát khỏi thành phố chật chội và oi bức. Về cuộc sống YOLO (sống một lần duy nhất), sống hết mình không cần biết đến ngày mai… Về trào lưu nghỉ hưu sớm – những người trẻ trong độ tuổi từ 20 tới 30 tiết kiệm thu nhập để có thể nghỉ hưu sớm vào năm 30 hay 40 tuổi. Về thu nhập thụ động, về tự do tài chính - khi người ta có thể làm mọi thứ mình thích, đưa ra mọi quyết định trong cuộc sống mà không bị chi phối bởi tiền bạc….

Người ta hỏi nhau: “Bao giờ mới hết dịch?”, “Bao giờ cuộc sống mới trở về bình thường?”. Không ai trả lời được. Không ai dám chắc chắn. Rủi ro và cả cơ hội chia đều cho tất cả mọi người. Sau trận đại dịch, không tránh khỏi việc ai cũng ít nhiều bị rớm máu.

Phố phường vắng vẻ như ngày Tết.

Covid-19 đến và nó thay đổi nhiều thứ. Những thói quen mới được thiết lập: nấu ăn, làm việc nhà, trồng cây, đọc sách, dành nhiều thời gian hơn cho lũ trẻ con, chăm sóc bố mẹ già. Điều quý giá nhất, sau tất cả, không phải những gì hào nhoáng xa hoa, mà là sức khoẻ. Cuộc sống thì ngắn ngủi, khó lường và con người cần kề vai, giúp đỡ lẫn nhau.

Nó cũng nhắc nhở mỗi người biết trân trọng cuộc sống hiện tại. Điều chỉnh, thích nghi bản thân để phù hợp bất cứ nghịch cảnh trong cuộc sống. Suy nghĩ nghiêm túc về việc quản trị, phòng ngừa rủi ro. Những dự định công việc mới khi mọi thứ đi qua…  

Hình ảnh các tình nguyện viên chống dịch Covid-19 ngủ tạm bợ trên nền đất khiến nhiều người xúc động.

Và dịch bệnh cũng giúp chúng ta nhận ra giá trị của những điều bình thường. Đó là những buổi sáng bình thường, Hà Nội tắc đường, khói bụi và ồn ã, những gương mặt vội vã đưa con cái đến lớp để kịp giờ vào sở. Có thể người ta không còn buồn than vãn, hoài nghi về những công việc lặp đi lặp lại đến mức nhàm chán, về sự đúng sai của cách đo chỉ số ô nhiễm không khí, về một cô người mẫu lộ clip nóng đêm hôm qua, về những phát ngôn sơ hở của một nhân vật nổi tiếng…

Được sống, và sống bình thường, đã là một hạnh phúc./.