Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến ý kiến của các đại biểu Quốc hội trên nghị trường về thực trạng của đất nước. Nợ công đang ở tình trạng báo động, bội chi ngân sách cao. Trong 3-4 năm gần đây phải vay nước ngoài để trả nợ. Khi xem xét việc nâng lương cho người lao động cũng phải nâng lên, đặt xuống nhiều lần.

Trong khi đó, chúng ta quá lãng phí. Chủ trương “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được nói nhiều. Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào việc mua sắm, trang bị xe công cho các cơ quan công quyền, người có chức vụ, thì có thể thấy rõ là lãng phí. Theo ý kiến các đại biểu Quốc hội, nhiều cán bộ cứ lên chức là lại thay xe mới. Có khi xe bảy chỗ chỉ dùng để đưa đón một người. Nhiều đại biểu còn đưa ra giải pháp khá hay là dùng chế độ khoán trong xe công, như thế sẽ tiết kiệm được hàng trăm ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Ở các nước tiên tiến, các Bộ trưởng, thậm chí đến cả Thủ tướng cũng tự lái xe riêng đi làm. Thậm chí họ còn đi cả xe buýt.

vf_2__secq.jpg
Bộ trưởng Bộ giao thông Singapore đi làm bằng xe buýt (Ảnh: Istomp)

Còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng, đó là nạn lãng phí, nạn phô trương hình thức, làm tiêu hủy không biết bao nhiêu tiền bạc của dân. Nó nguy hiểm, bởi không ai phải chịu trách nhiệm. Những đồng tiền hoang phí ấy, nhìn bề ngoài, tưởng như không rơi vào túi ai.

Không phải chỉ trong lĩnh vực xe công, còn nhớ cách đây không lâu, trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi thảo luận việc thực hiện pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, ông đã đi đủ 63 tỉnh thành: “Có tỉnh xây dựng trụ sở nghiêm túc, đúng công năng, cán bộ ngồi gần kín chỗ, nhưng nhiều tỉnh trụ sở to như cung điện, rộng mênh mông như công viên, trông như nơi du lịch thắng cảnh, đẹp và lộng lẫy nhưng rất phản cảm vì quá xa hoa, khi mà tỉnh còn nghèo, đất nước còn nghèo”.

Cứ như nhận định của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, cùng với việc đi lại tốn kém, mua xe vượt chỉ tiêu, những cuộc tham quan học hỏi kinh nghiệm các nước, thực chất là những chuyến du lịch trá hình, tiêu không biết bao nhiêu tiền bạc của dân, các cơ quan chức năng không thể không biết. “Biết nhưng sao chưa thấy tuýt còi. Nếu không dám nói, không dám hành sự thì phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội, không làm được thì để người khác làm”, ông Ksor Phước còn thẳng thắn kiến nghị “cần phải có quy chuẩn chung về trụ sở các cơ quan nhà nước, công khai để nhân dân giám sát”.

Đó là tiếng chuông báo động rất kịp thời. Qua các kênh truyền thông, nhiều người dân cũng đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước: “Những điều mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu ra rất đúng. Rất đáng phải suy nghĩ”. Có người dân muốn cụ thể hơn: “Điều ông Ksor Phước nói quá hay và quá chuẩn. Nhưng rất tiếc, ông lại không nhắc tên tỉnh nào. Phát biểu chung chung thế này, dù rất hay nhưng còn lâu mới loại bỏ được tham nhũng, lãng phí. Cần chỉ đích danh những địa phương nào và xử lý như thế nào. Không khéo cứ nói ra rồi lại để đấy. Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin”. Tất nhiên, không thể đòi hỏi một vị quan chức Quốc hội phải đi vào những vụ việc quá cụ thể. Đó là công việc của các cơ quan chức năng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước

Cũng bàn luận xung quanh ý kiến khá ấn tượng của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, một độc giả dẫn ra một ví dụ cũng rất ấn tượng. Đó là buổi nói chuyện của Nhật Hoàng với công chúng Nhật sau vụ động đất, sóng thần, mà ông được xem qua chương trình Thời sự trên VTV1. “Bản tin cho thấy, Nhật Hoàng ngồi trên chiếc ghế hết sức bình thường, không có chạm trổ. Còn chiếc bàn trước mặt đặt micro giống như bất cứ chiếc bàn nào trong các quán cafe bình dân”.

Điều giản dị này, ta có thể thấy trong nhiều vị nguyên thủ các nước, thấy ngay ở Bác Hồ của chúng ta. Không phải trong những năm kháng chiến gian khổ, Bác làm việc ngay trên phiến đá chông chênh kê bên bờ suối, mà sau này, khi về giữa Thủ Đô, Người vẫn ngồi viết trên chiếc ghế tre và chiếc bàn tre. Dân còn nghèo, nên Bác sống rất đạm bạc tằn tiện. Bữa ăn của Người là bữa ăn của một nông dân nghèo. Tiếp khách quốc tế, Bác vẫn mang trang phục của một người nông dân nghèo. Bộ quần áo nâu và đôi dép cao su. Một đồng chí cán bộ tỉnh ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng trách Dân không chu toàn với Bác…”. Bác cười điềm đạm: “Bác sống thế mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”.

Và bây giờ, nói như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, xây trụ sở tỉnh như cung điện trong khi tỉnh lại rất nghèo. Ký giả Lê Đức Dụ đặt câu hỏi: Nhìn hình ảnh những trụ sở - công sở nguy nga ấy, không biết người ta có nhớ đến những ngôi trường tạm bợ, cột tre, phên nứa và mái lợp bằng tấm bạt nhựa vẫn còn rất nhiều nơi rẻo cao biên ải? Có nhớ tới những túp lều trọ học chênh vênh bên những bờ suối, triền đồi? Có nhớ tới những đứa trẻ phải dùng cặp sách làm phao bơi qua sông đi học, đánh đổi mạng sống của mình chỉ vì thiếu một cây cầu nhỏ?

Chính vì thế, câu hỏi của ông Ksor Phước: “Dân ta đang nghèo như vậy, xây trụ sở hoành tráng để làm gì?” không chỉ là một câu hỏi, đó là điều cần được giải quyết bằng những bài toán rạch ròi và minh bạch về tiêu chuẩn diện tích làm việc, về tiêu chuẩn tiện nghi, về số tiền đã lãng phí và cần công khai cho người dân  được biết.

Tôi không thể điểm hết tiếng nói của dân trong một bài báo ngắn này. Không ít người tỏ ra lo ngại. Văn phòng cơ quan nhà nước muốn xây dựng cũng phải trải qua bao nhiêu là cửa thẩm định, phê duyệt, từ trên xuống dưới, chứ có phải một người có thể tự ý làm được đâu. Bùng nhùng qua rất nhiều khâu, liên quan đến rất nhiều người. Và rồi khi xảy ra sự vụ thì chẳng có ai phải chịu trách nhiệm cả. Điều ấy mới thật sự đáng lo ngại. Chống lãng phí, chả nhẽ khó khăn đến thế ư?/.