Vài năm trở lại đây có một slogan với điện ảnh Việt: “Phi cảnh nóng bất thành phim Việt”, khi trào lưu và xu hướng làm phim phải có cảnh nóng…Và muốn thật “nóng” thì PR cho phim phải tập hợp các cảnh nóng trong một trailer, bất kể nội dung phim là gì. Phải chăng nếu không có cảnh nóng biết lấy gì PR?
Đây không chỉ là hiện tượng mà trở nên một công thức “thời thượng” và được cho là mang lại hiệu quả nhất để PR cho phim của các nhà sản xuất. Không chỉ khi phim sắp ra rạp, ngay từ khi là một dự án, đã úp mở phim có cảnh nóng, “nóng” trần trụi, “nóng” cuồng nhiệt, “nóng” bỏng mắt… và kèm theo một số hình ảnh diễn viên trên phim trường trong vài phân đoạn diễn xuất đang “vật lộn” rất cực nhọc với các cảnh nóng, hay hình ảnh “mát mẻ” của diễn viên chuẩn bị nhập vai.. Chưa hết, tiếp theo đó là những bài phỏng vấn diễn viên chủ yếu là khai thác các tình tiết mô tả diễn cảnh nóng như thế nào, khó ra làm sao, e ấp hay tỉnh táo, lóng ngóng hay trơn tru, cảm xúc hay trơ lì, phim thật- tình giả hay tình thật- phim giả…. Chỉ với mục đích câu khán giả khi phim ra rạp.
“Mỹ nhân” vẫn phải có cảnh nóng mới đắt giá?
Chiêu trò này ngỡ chỉ có phim thị trường của các hãng sản xuất tư nhân áp dụng nhằm mục đích câu khách đến rạp, bảo đảm cho việc kinh doanh thu hồi vốn hay có lợi nhuận, và cũng là một trong những công thức chính (sex- bạo lực- kinh dị- hài…) để làm phim giải trí nhằm thu hút khán giả, mà đa phần là phục vụ thị hiếu bình dân. Nhưng với phim Nhà nước đặt hàng, với một mục tiêu tạo ra một tác phẩm nghệ thuật “Có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực” như các slogan của LHP VN hay giải Cánh diều,mà điển hình nhất là “Mỹ nhân”, 1 trong 4 bộ phim được Bộ VHTTDL đặt hàng từ 2013 chuẩn bị ra rạp công chiếu ngày 13/11/2015 cũng phải dùng chiêu cảnh nóng để PR.
Phim "Mỹ nhân" có sự tham gia của Hoa hậu Triệu Thị Hà, Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền. |
Câu hỏi đặt ra phải chăng đã là “Mỹ nhân” rồi mà cũng vẫn cần phải có cảnh nóng mới đắt giá?
Một bộ phim lịch sử về một giai đoạn lịch sử “Chúa dấu Vua yêu một cái này”…, lộng hành, chuyên quyền, sống trụy lạc, gây nhiều bất ổn cho quốc gia… , với bài học cho hậu thế “hồng nhan họa thủy”… Nhưng thay vì chọn lọc một số cảnh đặc sắc, tiêu biểu để làm một trailer tóm tắt thông điệp của phim để PR, thì hầu như chỉ có những cảnh nóng được tổng hợp cùng với những lời giới thiệu không kém phần nóng bỏng: Phim tràn ngập cảnh nóng, hoa hậu … lần đầu làm chuyện ấy trong phim, hoa hậu lần đầu nude trong các cảnh nóng với nam diễn viên…, nữ diễn viên… tái xuất với những cảnh nóng trần trụi… Và gần như hàng loạt kênh truyền thông đều tung trailer đến bỏng mắt với những cảnh nude, cảnh nóng trần trụi trong phim. Không lẽ “Mỹ nhân” chỉ có thế, và muốn kéo khán giả tới rạp “phi cảnh nóng không khách xem phim”?
Không chỉ “Mỹ nhân”, mà tình trạng PR bằng chiêu trò cảnh nóng đã như một công thức mặc định của phim Việt. Từ phim tâm lý xã hội, đến phim bạo lực giang hồ xã hội đen, từ phim hài đến phim kinh dị, hay cả với phim cổ trang xuyên không giả tưởng…. thì các trailer PR toàn đưa cảnh nóng của các “mỹ nhân”, mà có khi PR quá lố đề khán giả tưởng rằng phim rất nhiều cảnh nóng, nhưng thực sự chỉ vài scene với vài chục giây, y như đánh lừa khán giả.
Không cảnh nóng phim có đắt khách?
Chẳng cần xa xôi, chỉ tháng trước(tháng 10/2015) và hiện tại vẫn đang “đậu” ở một số cụm rạp, phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” công chiếu trong vòng 1 tháng doanh thu hơn 70 tỉ, một con số trong mơ với các phim “triệu đô” không hề được PR bằng các trailer cảnh nóng, bao lực hay kinh dị rất “nóng” thường thấy. Trailer phim không có “sao”, không “hotboy”. “hotgirl”…, hoàn toàn “sạch” đến trong veo, như một bài thơ làng quê , như câu chuyện kể lại những kỷ niệm hay ký ức, hay mơ ước thời niên thiếu bất cứ ai, và khán giả có cảm xúc khi cầm chiếc vé xem phim là cầm chiếc vé trở về tuổi thơ…
Cảnh trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. |
Và một hiện tượng mà mấy chục năm nay mới có đối với ĐAVN đặc biệt là với phim tài liệu, “Lửa Thiện Nhân”, một phim không hề có tình tiết giật gân, hay những hình ảnh mang tính phô trương…, nhưng “cháy” các phòng vé của nhiều cụm rạp lớn ở Hà Nội, TP.HCM. Phim chỉ đơn giản kể lại câu chuyện về tình thương, lòng nhân ái, sự ấm áp của con người không phân biệt mọi khoảng cách, như một câu chuyện cổ tích thời @, nhưng đã đánh mạnh vào cảm xúc người xem, như một thông điệp nhân văn, chân- thiện- mỹ cuộc sống.
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” tung trailer hùng vĩ và đầy cảm xúc
Cũng không cần phải ngó đâu, gần nhất là phim “Con ma nhà họ Vương”, một phim được cho là kinh dị vừa công chiếu, mặc dù trailer cũng đầy cảnh nóng, và còn nóng hơn là nhiều hình ảnh bắt mắt khoe cận cảnh “6 múi”các nam nhân thuộc “người của công chúng”…, nhưng phim không đắt khách bởi nội dung không đủ hấp dẫn.
Đến lúc nào thì phim điện ảnh Việt Nam mới xóa bỏ được slogan mang tính châm biếm: “Phi cảnh nóng bất thành phim Việt”?
Đến khi nào phim ĐAVN thực sự có được những bô phim mang tính nghệ thuật cao, nội dung nhân văn sâu sắc, thực hiện theo "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt ngày 11/11/2013; "Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt ngày 25/1/2014 thông qua Quyết định 199/QĐ-TTg???./.