Cả cuộc đời ông là sự đóng góp, chia sẻ, tìm tòi và đi trước khoa học, thậm chí có người không dám làm và chưa dám nghĩ tới. Hồi trước, khi giới thiệu như vậy về bố, tôi thường nhận được những cái nhìn “là lạ”.

Một người bạn, mãi sau này khi đã chơi thân mới thổ lộ là lúc mới quen, nghe câu nói ấy đã nghĩ: “Nhà hẳn là giàu lắm”. Bố tôi là bác sĩ chuyên khoa II tại một trong những bệnh viện lớn nhất, nhưng nhà tôi không có nhà lầu xe hơi, không có phong bì ấm túi, không có phòng khám tư bộn tiền như rất nhiều người tưởng tượng. Bố tôi chỉ là một bác sĩ.

0_ptff.jpg
Ảnh minh họa

Vì bố là bác sĩ nên hàng ngày hầu như lúc nào nhà cũng có khách. Ít thì hai ba người, đông có khi phải chục người, họ ở khắp nơi, các tỉnh bắt xe khách về Hà Nội khám bệnh, có người là diễn viên, ca sĩ, cũng có người là bác sĩ ... Có người khám xong rồi về, có người nằm viện điều trị, rồi dưỡng bệnh. Dưỡng bệnh ở nhà tôi một thời gian, lúc chia tay họ dúi vào tay mẹ một ít tiền cảm ơn... nhưng bố mẹ lúc nào cũng từ chối. Một lần, có người kín đáo cất phong bì vào túi bánh, hôm sau bố mẹ mới phát hiện ra, vậy mà bố bần thần cả ngày như có tội.

Vì bố là bác sĩ nên bệnh viện thường là sân chơi tuổi thơ của lũ trẻ con nhà bác sĩ. Chúng tôi thuộc hết các ngõ ngách trong bệnh viện, quá quen với mùi thuốc sát trùng, các tên bệnh, những câu chuyện liên quan tới mổ xẻ, bệnh tật.

Tôi rất thích đến viện vào đầu giờ sáng, nhòm từ cửa sổ vào phòng họp để quan sát các bác sĩ, y tá giao ban, hội chẩn. Rồi ào một cái, giữa không gian hàng chục bệnh nhân đang đứng ngồi đông nghẹt để chờ khám, các tà áo blouse đổ ra từ phòng họp, đổ về các phòng khám vào việc.

Mỗi ngày làm việc đều hối hả như thế. Hình ảnh đó với tôi ấn tượng và đẹp đẽ đến mức bây giờ, nghe thì kỳ dị nhưng tôi vẫn thích không gian bệnh viện và cảm thấy làm việc ở môi trường như bệnh viện mới thực sự là ý nghĩa.

Vì bố là bác sĩ nên tôi phần nào thấu hiểu được áp lực quá tải của ngành y tế. Có lần, một bệnh nhân nổi cáu vì chờ quá lâu chưa đến lượt khám, quát ầm ĩ: “Tôi là đại tá mà các anh bắt tôi phải chầu chực, nóng nực khó chịu thế này sao chịu được?”.

Trước hàng chục con mắt đang đổ dồn vào, bố tôi điềm đạm: “Tôi cũng là đại tá như anh và tôi đang phục vụ anh. Anh nóng nực chỉ trong mấy chục phút chờ khám, còn tôi nóng nực suốt từ sáng để giải quyết hàng trăm ca bệnh, không lẽ tôi cũng nổi cáu với anh? Ai cũng giống anh thì sao bệnh viện làm việc được”. Một lúc sau, ông bệnh nhân sau khi khám xong đã quay lại tìm bố để xin lỗi.

Bố luôn giải quyết bình tĩnh, nên có lần tôi chứng kiến một bà bệnh nhân đang đầy bức xúc, gạt hết những người khác ra, chỉ về bố tôi: “Tôi không nói chuyện với các anh. Tôi nói chuyện với ông bác sĩ này. Trông ông ấy nhân từ”. Câu nói ấy tôi nghe cách đây đã gần 30 năm, nhưng giờ vẫn nhớ như in.

Trong những cuộc tranh cãi bàn luận về y đức thời nay, tôi nghe đa phần vẫn là những lời chê bai, trách móc, thậm chí đe doạ và chửi bới. Nhưng với tất cả sự trân trọng, tôi vẫn tin ngành y là một ngành cao quý, ở đâu cũng có những bác sĩ tốt, những người dành trọn tâm huyết với bệnh nhân, coi việc cứu chữa người là trách nhiệm thiêng liêng nhất giống như bố tôi đã làm.

Người ta nói người làm ngành y là vì tử vi có sao thiên lương, và con cái vì thế sẽ được hưởng phúc của cha mẹ. Tôi tin vậy. BỐ TÔI LÀ BÁC SỸ và tôi tự hào vì cái giàu có nhất mà bố có đó là tình cảm, sự biết ơn chân thành mà rất nhiều người đã dành cho bố.

Cả cuộc đời ông là sự đóng góp, chia sẻ, tìm tòi và đi trước khoa học, thậm chí có người không dám làm và chưa dám nghĩ tới. Ông, một người bác sỹ bình dị, nhiệt huyết với nghề và làm đúng tiêu chí LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU.

Viết cho bố ngày 27-2-2019, khi bố mất đc tròn 30 ngày./.