Những kẻ thủ ác trong vụ nữ sinh ở Điện Biên đi giao gà chiều 30 Tết bị mất tích, sau đó được phát hiện bị giết và xâm hại, cũng đã lần lượt lộ mặt. Điều này, khiến dư luận xã hội được trấn an và gia đình em được nguôi ngoai phần nào.
Trong những ngày qua, điều khiến nhiều người bức xúc hơn cả là những tin đồn ác ý về nữ sinh và gia đình em, như việc kẻ thủ ác phải đi tù thay nay ra thanh toán nợ nần với cha mẹ em, nữ sinh đang mang thai… và đủ các tình tiết quấy nhiễu gia đình em.
Mạng xã hội giúp con người kết nối với nhau nhanh hơn, rộng lớn hơn. Nhiều vụ việc qua mạng xã hội có sức lan toả ghê gớm; thậm chí, qua mạng xã hội mà nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng được các cơ quan chức năng tìm ra sớm hơn. Đó là khi những người sử dụng mạng xã hội biết tận dụng ưu thế, sức mạnh của nó, sử dụng mạng xã hội với động cơ trong sáng, mục đích tốt. Thế nhưng, cũng có không ít kẻ sử dụng mạng xã hội theo kiểu “giậu đổ bìm leo”, gây những hậu quả nặng nề cho người khác. Đã có không ít vụ việc đau lòng xảy ra do những kẻ sử dụng mạng xã hội để bình phẩm, xuyên tạc, mạt sát một cá nhân nào đó.
Khi còn là sinh viên, thầy giáo dạy Triết học Phương Đông đã dạy chúng tôi một triết lý đơn giản trong ứng xử hàng ngày, đó là “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Đó chính là việc, mình làm gì, nói gì cũng phải đặt vào vị trí của người khác xem có phù hợp hay không. Và cũng có người bảo rằng, trong cuộc sống này, không ai biết trước được mình sẽ gặp điều gì bất trắc, chính vì thế "cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười"...
Những tin đồn về vụ việc trên mạng xã hội (ảnh BVPL) |
Trở lại sự việc đau lòng ở Điện Biên, thật buồn khi những tin đồn ác ý lại xuất phát từ những người lớn, những người có thể đang làm cha mẹ. Họ đâu nghĩ tới việc, ngày mà gia đình nào cũng sum vầy hạnh phúc lại có gia đình đôn đáo đi tìm con. Khi tìm được con rồi thì chứng kiến cảnh không thể nào đau đớn hơn nữa. Người Việt Nam có truyền thống “chín bỏ làm mười”, trong cơn hoạn nạn dù có những thứ gây thù chuốc oán bao nhiêu năm cũng được người ta kìm nén, thậm chí là cho qua. Vậy nhưng lại có những người sẵn sàng cứa thêm một vết thương lòng cho gia đình nạn nhân. Trong cơn đau khổ cùng cực, người mẹ vẫn phải lên tiếng xác nhận con gái mình không phải có thai mà xảy ra cơ sự.
Những kẻ tung tin đồn ác ý họ là ai? Là người dân địa phương, có thể là hàng xóm, láng giềng, là người quen biết của gia đình nạn nhân. Tại sao họ có thể hành xử như vậy thì thật khó cắt nghĩa.
Việc ứng xử trên mạng xã hội là một tấm gương phản chiếu đời thực của mỗi cá nhân. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người tung tin giả, đặt điều, gây bức xúc, tổn thương cho gia đình nạn nhân, gây rối loạn thông tin xã hội để làm gương. Có như vậy thì mạng xã hội mới bớt những tin đồn nhảm nhí, gây tổn thương cho các cá nhân, tập thể./.