Ở nước ngoài, nếu bạn đánh một cô gái ngoài đường chắc chắn bạn sẽ bị rất nhiều người chứng kiến nhảy vào đánh bạn mà không cần biết lý do. Và gần như việc đàn ông đánh đập phụ nữ thường rất rất hiếm khi xảy ra ở phương Tây – những đất nước văn minh và luôn luôn bảo vệ phụ nữ.

Tại Canada, thậm chí chỉ cần tát vợ mình, nếu cô ấy báo chính quyền, người chồng chắc chắn sẽ bị phạt tù từ 1 – 30 năm tùy mức độ nặng nhẹ. Để thấy rằng về vấn đề pháp luật ở đấy rất nghiêm khắc đối với những trường hợp bạo hành trong gia đình.

Khi mới sinh sống tại Việt Nam, từng chứng kiến cảnh người chồng đánh vợ ngoài đường như tra tấn nhưng những người đi đường họ thờ ơ, không quan tâm, khi tôi nhảy vào can ngăn thì những người xung quanh nói nhỏ với tôi bảo rằng "chuyện gia đình người ta tham gia vào làm gì”. Tôi vô cùng bất ngờ và không hiểu chuyện gì đang diễn ra ở đất nước này?

bao_hanh_lira.jpg
Ảnh minh họa
Sau một thời gian sống tại đây, tôi thấy nạn bạo hành gia đình rất phổ biến, và đặc biệt rất ít người đàn ông phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Thứ nhất, ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đàn ông luôn coi mình ở vị trí số một, xem nhẹ người phụ nữ, tôi thấy rất nhiều đàn ông họ chỉ việc đi làm, thậm chí ngay cả khi thất nghiệp, họ vẫn không bao giờ chia sẻ công việc gia đình với vợ. Từ tính khí gia trưởng và ích kỷ, nếu người phụ nữ không theo ý của họ, họ sẵn sàng ra tay để thể hiện “quyền uy” của mình, để thỏa mãn sĩ diện. Nhiều người bên ngoài xã hội họ không có vị trí cao, không được coi trọng và không bao giờ dám to tiếng với ai, nhưng họ lại cho mình cái quyền đối xử bề trên với người vợ và đánh đập họ không cần suy nghĩ. Rất là hèn nhát!

Thứ 2, lỗi một phần cũng ở phụ nữ Việt!

Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi khi bạo hành xảy ra, sẽ có nhiều người ngoài cuộc muốn giúp đỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó họ lại chọn trở về bên người đã đối xử không tốt với họ. Một phần do phụ nữ Việt Nam luôn có tính cam chịu, và bị ảnh hưởng định kiến xã hội truyền thống, lạc hậu.  Họ rất dễ tha thứ nếu như ông chồng tỏ ra hối hận, ân cần, chăm sóc sau những trận đánh đập. Và cứ thế lặp đi lặp lại.

Thứ 3, trẻ em chính là người hứng chịu hậu quả của việc bạo hành gia đình.

Nếu tuổi thơ phải chứng kiến việc bạo hành liên tục, tâm lý một đứa trẻ khi lớn lên sẽ bị ảnh hưởng rất không tốt. Ban đầu có thể những đứa trẻ rất phẫn uất và bất lực nhưng dần dần chúng buộc phải chấp nhận, cách hành xử xấu sẽ ngấm dần đến một lúc nào đó bộc phát và không kiểm soát được chúng sẽ lại đi theo vết xe đổ của chính cha mình.

Mẹ tôi ở Canada, ngay từ khi còn nhỏ, bà luôn dạy tôi rằng dù bất cứ chuyện gì xảy ra, đàn ông không được phép đánh phụ nữ, bởi vì trách nhiệm của đàn ông là bảo vệ gia đình và chia sẻ gánh nặng với người bạn đời.

Tôi muốn lên tiếng để chung tay kêu gọi mọi người ở Việt Nam đừng lãnh đạm với những người xung quanh đang phải chịu đựng nạn bạo lực gia đình, và thật sự rất rất mong muốn những người phụ nữ nên thức tỉnh và biết bảo vệ chính mình./.