Từ ngày 16 - 21/11, tại Đà Nẵng diễn ra Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 do Việt Nam đăng cai với sự tham gia của 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Chủ đề của Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 là “Mục tiêu toàn cầu, lợi ích địa phương - Thiết lập Chương trình nghị sự cho phát triển bền vững các Biển Đông Á sau năm 2015”.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về chương trình nghị sự và những sáng kiến của Việt Nam tại Đại hội này.
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển |
PV: Thưa ông, là quốc gia đăng cai lần này, Việt Nam sẽ đưa ra sáng kiến gì để thúc đẩy tiềm năng biển giữa các quốc gia?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Đại hội biển Đông Á do các nước thành viên của PEMSEA sáng lập ra và dưới sự chủ trì của PESEA - Đối tác hợp tác phát triển bảo vệ môi trường các biển Đông Á. Đại hội diễn ra thường kỳ 3 năm 1 lần. Năm nay, Việt Nam vinh dự đăng cai.
Tại Đại hội lần này, chúng tôi muốn gửi thông điệp tới các nước trong khu vực cũng như thế giới, là muốn thực hiện quản lý tổng hợp đại dương cũng như vùng bờ thì phải thể chế hóa các phương thức quản lý tổng hợp thành những công cụ. Đó là chính sách và pháp luật.
Ở Việt Nam, chúng ta đã thể chế hóa phương thức quản lý tổng hợp bằng Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo vừa được Quốc hội thông qua vào tháng 8/2015. Cùng với việc thể chế hóa thành luật, Chính phủ cũng đã xây dựng Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược khai thác sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ xây dựng quy hoạch sử dụng biển để cụ thể hóa các Luật và các Chiến lược, trình Quốc hội vào năm 2016.
PV: Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Ông cho biết nội dung chính của Chiến lược này là gì?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Nội dung của chiến lược này là đưa ra cơ chế để quản lý phối hợp giữa các ngành cũng như giữa các địa phương trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, phục vụ phát triển bền vững. Tránh việc các ngành đứng trên lợi ích của mình để khai thác, sử dụng tài nguyên mà không chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển, làm cạn kiệt tài nguyên cũng như hủy hoại môi trường biển, không đạt được mục tiêu bảo vệ bền vững biển và hải đảo.
Các đại biểu tham dự Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 |
PV: Tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh việc xây dựng cải tạo đảo, đá ở biển Đông Á sẽ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường biển. Vậy các đại biểu có đề cập hoặc ra thông điệp về vấn đề cải tạo đảo, đá ở biển Đông Á tại Đại hội này không, thưa ông?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Việc đề cập đến vấn đề cải tạo các bãi đá ngầm làm phá hủy hệ sinh thái biển, đặc biệt là các rạn san hô biển cũng là một nội dung trong chương trình nghị sự của Đại hội lần này. Đại hội lần này bàn đến vấn đề bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảm bảo đa dạng sinh học.
Đại hội lần này sẽ đưa ra tuyên bố chung thông qua Diễn đàn Bộ trưởng để có những hành động trong phát triển bền vững biển sau năm 2015. Diễn đàn Bộ trưởng diễn ra vào ngày 20/11 sẽ bàn các nội dung cụ thể mà các quốc gia thành viên phải hành động để thực hiện chiến lược phát triển bền vững biển sau năm 2015.
PV: Như vậy vấn đề chủ quyền biển cũng sẽ được nêu ra tại Đại hội lần này, thưa ông?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Đại hội biển Đông Á, vai trò của PEMSEA là đối tác hợp tác phát triển chỉ bàn đến vấn đề phát triển bền vững biển Đông Á chứ không bàn đến các vấn đề liên quan đến tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia mà chỉ bàn đến hợp tác để làm sao biển Đông Á phát triển bền vững về mục tiêu của quốc tế cũng như khu vực và đặc biệt là mục tiêu của các quốc gia ven biển Đông Á.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.