Trong khuôn khổ Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 do Việt Nam đăng cai, sáng 17/11 tại Đà Nẵng, các đại biểu tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế có chủ đề: "Một thập kỷ của quan hệ đối tác trong phát triển bền vững vùng biển Đông Á - Hiệp lực và thành tựu".

Tại phiên họp toàn thể sáng nay, bài phát biểu của Đoàn Việt Nam do ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày. Nội dung gồm 3 phần: Phần thứ nhất là về yêu cầu quản trị đại dương và vùng bờ biển. Phần thứ 2 về vấn đề quản trị đại dương và vùng bờ biển trên thế giới. Phần thứ 3 về cơ chế điều phối, phối hợp trong quản trị đại dương và vùng bờ biển ở quy mô quốc gia và khu vực ở khu vực các biển Đông Á cũng như việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bền vững các biển Đông Á; cơ sở để định nghĩa lại khái niệm quản trị đại dương và vùng bờ tại khu vực các biển Đông Á.

vov_bien_1_acnm.jpg
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển nêu rõ, Đại dương thế giới chiếm 3/4 diện tích bề mặt trái đất, cung cấp nguồn của cải, không gian sống và có vai trò quyết định trong việc điều hòa khí hậu và đảm bảo các điều kiện môi trường sống cho hành tinh chúng ta. Môi trường và các nguồn tài nguyên của đại dương thế giới đang bị ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng do chất thải từ trên bờ và từ các hoạt động trên biển; do khai thác, sử dụng tài nguyên không theo những quy hoạch hợp lý. Sự suy thoái của nguồn tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học là do đánh bắt quá mức, phá hủy các hệ sinh thái và các sinh cảnh, sự xuất hiện của nhiều sinh vật ngoại lai xâm hại. Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng những vấn đề mà đại dương đang gặp phải.

Theo ông Hiển, cách tiếp cận thích hợp nhất trong quản trị đại dương là quản lý tổng hợp; trong đó có cơ chế điều phối, phối hợp các hoạt động. Trong khuôn khổ của quốc gia, cơ chế điều phối, phối hợp cần được xác lập theo chiều ngang, giữa các bộ, ngành và các cơ quan khác của nhà nước cùng các tổ chức, chính quyền địa phương có liên quan tới quản trị đại dương; đồng thời, phải thiết lập cơ chế quản lý theo chiều dọc, từ cơ quan nhà nước ở trung ương tới các cơ quan nhà nước ở địa phương và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Toàn cảnh Đại hội biển Đông Á

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: “Do tính chất tổng hợp, việc chỉ đạo phải được thực hiện ở cấp quốc gia để đảm bảo vai trò điều phối, phối hợp hoạt động của các bộ, ngành và địa phương. Có thể thành lập một Ủy ban quốc gia đứng đầu là lãnh đạo Chính phủ để thực hiện vai trò điều phối, phối hợp, hoặc giao cho một bộ thực hiện vai trò quản lý tổng hợp. Việc quản trị phải đảm bảo sự tham gia và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng bản địa theo cơ chế đồng quản lý”.

Cũng tại phiên họp sáng nay, đại biểu đến từ CHDCND Triều Tiên nói về quản lý đới bờ; đại diện Liên Hợp Quốc nói về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đại dương, những tác động của nông nghiệp tới môi trường biển và những giải pháp bảo vệ môi trường biển./.