Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đang ở thăm Việt Nam. Ngày 6/5, Ngoại trưởng Kishida sẽ tham dự cuộc họp Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 8 và tham gia lễ ký công hàm trao đổi.
Trước đó, ngày 5/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida đã hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong các cuộc gặp này, lãnh đạo hai nước đã bàn nhiều vấn đề từ việc thúc đẩy các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước tới phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam cho tới các vấn đề Biển Đông và Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp được tổ chức tại Nhật Bản.
Ông Masato Otaka, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, trong các cuộc gặp này, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida khẳng định Biển Đông và CHDCND Triều Tiên là thách thức cấp bách hiện nay. Trong đó ông Kishida nhấn mạnh, Biển Đông là vấn đề quốc tế và an ninh hàng hải là vấn đề mà không chỉ Nhật Bản mà các nước trên thế giới đều quan tâm.
Ông Masato Otaka khẳng định, Nhật Bản là một quốc gia biển và có thế mạnh trong nhiều ngành liên quan đến hàng hải, vì thế, nước này sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải. Nhật Bản đã bàn giao 6 tàu cũ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và dựa trên yêu cầu của Việt Nam, Nhật Bản đang xem xét việc cung cấp thêm các tàu mới cho Việt Nam.
Sang thăm trong bối cảnh Việt Nam phải đối mặt với tình trạng hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida đánh giá tình hình này là nghiêm trọng và cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu xem có thể làm gì để giúp Việt Nam khắc phục tình trạng này.
Ông Otaka cũng cho biết, năm ngoái Nhật Bản đã cam kết viện trợ 750 tỷ Yen cho các nước tiểu vùng sông Mekong cho đến năm 2018. Có khả năng, một phần trong khoản hỗ trợ này sẽ được dùng để giúp Việt Nam khắc phục tình trạng hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long./.
Hạn hán, mặn xâm nhập tại ĐBSCL gây thiệt hại nặng nề
Chống hạn, mặn ở ĐBSCL bằng cách nào?