Sáng 26/7, tại Hội trường Thống Nhất – TP HCM, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật thành phố tổ chức Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”. Tham dự có 50 học giả là những chuyên gia về luật quốc tế đến từ 12 quốc gia, đại diện một số cơ quan ngoại giao đoàn, tổ chức quốc tế và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.

hoi_thao_bien_dong_nuiw.jpg 

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, các học giả khẳng định: Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà trên toàn thế giới. Do vậy, việc duy trì môi trường ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nghĩa vụ của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để bảo đảm an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. 

Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam càng thúc đẩy các bên liên quan hợp tác với nhau trên cơ sở pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để giải quyết hòa bình các tranh chấp.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo quốc tế về Biển Đông

Với những phân tích độc lập, khách quan và khoa học, các học giả đã làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý quốc tế của sự kiện này; phân tích kỹ càng các quy định của các văn bản pháp lý quốc tế liên quan đến việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp chính trị, ngoại giao. Đồng thời thảo luận về khả năng áp dụng các biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông; phân tích sâu sắc hơn những điều kiện, cơ chế khởi kiện và giá trị pháp lý của các phán quyết của các tòa án quốc tế cũng như các trọng tài quốc tế.

 

Giáo sư-Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh nói: “Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng đã đặt ra những vấn đề chính trị, pháp lý. Các học giả dù ít hay nhiều cũng đều nói về khía cạnh quyền con người, về quyền lợi chính đáng của các ngư dân và cách thức mà Trung Quốc đã xử lý. Chính vì lẽ đó đòi hỏi phải có câu trả lời cho những câu hỏi mà cả dân tộc Việt Nam quan tâm”./.