“Em đi chữa bệnh mà bắt anh phải về, ảnh hưởng tới công việc của anh trong lúc ni là em cũng không ưng mô chị ạ. Em mong anh yên tâm công tác, mọi việc ở nhà đừng có lo chi cả”- Trần Thị Hòa, vợ cảnh sát biển Trần Quốc Huy bộc bạch khi thấy tôi ái ngại vì Hòa đang mang trong người căn bệnh ung thư quái ác, mà lại chỉ có một mình từ Quảng Bình ra tận Hà Nội để chữa bệnh.

Từ khi phát hiện bệnh, Hòa đã quen với việc tự đi chữa bệnh vì nhà neo người. Chồng Hòa là cảnh sát biển Nguyễn Quốc Huy- Chính trị viên tàu CSB 2016 đang làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa. Ông bà nội, ngoại đều đã già yếu lại phải chăm cụ cố năm nay đã ngoài trăm tuổi và 2 con nhỏ của vợ chồng cô. Mang trong người bệnh trọng, nhưng mỗi lần ra Hà Nội chữa bệnh, lo cho mình thì ít, Hòa luôn canh cánh nỗi lo cho cha mẹ già và 2 đứa con thơ dại ở nhà, một bé chưa đầy 3 tuổi và một bé mới được 8 tháng tuổi. “Hai đứa hắn bé quá chị ơi. Tội nghiệp thằng bé con, hắn phải bú sữa ngoài từ lúc lọt lòng mẹ. Có lẽ thế nên người hắn nóng, bị chàm hết cả hai má. Nhiều lúc ngứa quá, hắn chà mặt vào chiếu rồi khóc, thương hắn lắm chị ạ”.

h2_knrs.jpgTừ khi phát hiện bệnh, Hòa đã quen với việc tự đi chữa bệnh vì nhà neo người
Hòa kể, từ khi mang bầu lần thứ 2 được 4 tháng rưỡi, tự nhiên cô bị đau bụng. Đi khám, bác sỹ nói có khối u trong tử cung, phải đi phẫu thuật loại bỏ ngay không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Khi Hòa sinh con, gia đình nhận được thông báo trong người Hòa có tế bào lạ, cần phải đi khám ngay. “Lúc này gia đình giấu, không nói cụ thể em bị bệnh gì nên em nhất quyết không đi. Bệnh gì thì bệnh cũng không thể xa con được lúc đó. Lúc gia đình nói thật, nấn ná mãi em mới đi được. Mới chào đời được 7 ngày đã phải xa mẹ, cứ nghĩ đến hắn khát sữa, em lại khóc. 29 ngày sau khi sinh, em lại phải lên bàn mổ một lần nữa. Lúc này bác sĩ nói rõ là em bị ung thư buồng trứng, giai đoạn 2. Nghe tin dữ, vợ chồng em như ngã quỵ, chỉ mong bác sỹ nói nhầm”.
   

Những ngày đầu Hòa suy sụp tinh thần, không ăn uống được gì, cô chỉ nằm khóc vì thương hai con còn bé dại. Chồng cô suy sụp không kém, nhưng cố gắng gượng để động viên vợ. Sau khi Hòa phẫu thuật được 2 ngày, anh điện cho gia đình đưa gấp con trai lớn lúc này mới được 2 tuổi lên bệnh viện thăm mẹ. “Mãi sau này chồng em mới nói là lúc đấy anh hoang mang lắm, cứ nghĩ em sắp chết nên cho con lên để nhìn mặt mẹ”.

Được gặp con, Hòa như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật. Cô nghĩ, không thể buông xuôi mọi chuyện khi hai con còn quá thơ dại. Cô bắt đầu tìm hiểu thông tin về căn bệnh trên sách báo, trên mạng và học cách bảo vệ mình trước sự tấn công của bệnh tật. “Lúc mới phát hiện ra bệnh, em cứ nghĩ mình chết đến nơi. Nhưng tìm hiểu thông tin, em được biết là nếu điều trị đúng cách và quan trọng là lạc quan, tinh thần ổn định thì những bệnh nhân như em cũng có thể kéo dài được thời gian. Em xác định rồi, thời gian đối với em rất quan trọng, em phải kiên trì chữa bệnh vì con em còn quá nhỏ, chúng nó cần có mẹ”.

Hòa tâm sự, kể từ khi xác định được như vậy, tinh thần cô cũng thoải mái hơn rất nhiều. Mỗi lần đi ra Hà Nội hóa trị, cô cũng tự mình lo lắng mọi việc để mọi người khỏi bận tâm nhiều. “Em ra đây nếu việc gì không làm được còn có những người cùng phòng bệnh giúp đỡ, động viên nhau nên không không lo lắng nhiều. Ở nhà, bố mẹ chồng em đã già yếu nên rất vất vả khi chăm sóc hai cháu nội còn quá nhỏ, nhất là thằng cu bé, mỗi buổi tối khát sữa, hắn dậy khóc đến mấy lần”.

Luôn là hậu phương vững chắc

Hai lần Hòa trở dạ, thì cả hai lần đều không có mặt chồng ở bên. Nhìn những gia đình khác có đông đủ chồng vợ trong những lúc như vậy, Hòa không khỏi chạnh lòng. Nhưng Hòa nói, chỉ là thoáng qua, vì cô hiểu công việc của chồng mình, cô chỉ mong chồng yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Sáu năm yêu nhau, 4 năm làm vợ chồng, nhưng thời gian em ở bên anh Huy chắc chỉ tính bằng tháng. Nhưng em hiểu công việc của chồng mình là như vậy, nhất là thời điểm hiện nay. Anh có yên tâm công tác, thì em cũng mới yên tâm chữa bệnh được. Mình ở nhà, có khổ mấy thì cũng không bằng các anh nơi đầu sóng ngọn gió chị ạ. Em đi chữa bệnh một mình quen rồi, tự em có thể lo liệu được chứ bắt anh về để chăm sóc mình, em cũng không ưng mô chị ạ”- Nhìn đôi mắt Hòa lấp lánh niềm vui khi kể về chồng, thì mới thấy cô yêu và tự hào về người chồng của mình biết bao nhiêu.

Dù mang trọng bệnh, nhưng Hòa luôn vui vẻ, lạc quan
Hòa tự hào khi có người chồng luôn yêu thương vợ con và hết lòng vì công việc. Chồng cô, anh Nguyễn Quốc Huy- Chính trị viên tàu CSB 2016 là người đã dũng cảm ở lại trên boong tàu trong lúc tàu Trung Quốc đâm tàu CSB 2016 để quay lại những bằng chứng quý giá. “Nghe tin tàu CSB 2016 bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn thuyền, em lo lắm, mãi đến khi chồng em điện thoại nói em cứ yên tâm, không ai làm sao thì em mới đỡ lo. Lần nào điện thoại cho em, chồng em cũng động viên vợ yên tâm chữa bệnh, anh và mọi người vẫn khỏe mạnh, bình an. Anh nói thế để em đỡ lo chứ em biết ngoài ấy các anh vất vả lắm. Em luôn tự hào về chồng mình và mong anh hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Hòa khoe, hôm qua, khi cô từ Quảng Bình ra Hà Nội chữa bệnh cũng là thời điểm tàu CSB 2016 cập bờ, anh Huy được gọi điện về cho vợ. Cuộc nói chuyện chỉ ngắn ngủi trong vòng 2 phút nhưng đã gói trọn niềm yêu thương của người hậu phương và người ở nơi đảo xa dành cho nhau. Trong cuộc nói chuyện, cô không bao giờ quên lời dặn mà dường như chồng cô đã nằm lòng “Anh không phải lo cho em mô. Anh ở ngoài đó nhớ giữ gìn sức khỏe và công tác tốt nhé”.

Trong suốt câu chuyện với tôi, dù có nhiều lúc Hòa phải dừng để nghỉ vì mệt nhưng nhìn đôi mắt lấp lánh niềm tin, tôi tin rằng em có đủ nghị lực để vượt qua tất cả. Chắc chắn là vậy, vì em sẽ mãi là hậu phương vững chắc cho những cảnh sát biển như Huy vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, là niềm tin để mọi người vững tin rằng, không có gì có thể quật ngã được ý chí, nghị lực của con người./.