Thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái đã tiến hành việc rà soát các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ đảm bảo chính xác, công khai, minh bạch và dân chủ. 

Ông Nguyễn Chương Phát, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái cho biết, trong số 192 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh thì có 52 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có nhu cầu hỗ trợ theo gói hỗ trợ 62.000 tỷ của Chính phủ.

1_3.jpg
Yên Bái vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Theo đó, có 1 doanh nghiệp đề xuất cho vay vốn theo lãi suất 0% của Ngân hàng chính sách xã hội để trả lương cho công nhân. Còn lại 51 doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ công nhân bị thất nghiệp không có việc làm, trong đó có 1.351 công nhân bị dừng làm việc hơn 14 ngày và 132 công nhân chấm dứt hẳn hợp đồng...

"Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ những bộ chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Riêng với tổ chức công đoàn thì đối với đoàn viên, công nhân viên chức, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hiện chúng tôi có  một số giải pháp. Thứ nhất là triển khai vốn vay giải quyết việc làm cho công nhân và người lao động theo chương trình 120 giải quyết việc làm của Chính phủ. Thứ hai, chúng tôi sẽ trích nguồn vốn từ Quỹ Tấm lòng vàng, các đối tượng đoàn viên, người lao động trong quá trình nghỉ việc, không có việc làm thì vay vốn này để sả xuất kinh doanh", ông Phát cho biết.

Hiện nay, nhóm hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng tạm ngừng kinh doanh, nhóm đối tượng người có công, nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, nhóm người nghèo và hộ cận nghèo... thì việc rà soát, thống kê của cơ quan chức năng tương đối thuận lợi vì những nhóm này do Ngành lao động, thương binh và xã hội thường xuyên chi trả hàng tháng, có danh sách cụ thể, hiện chỉ cần rà soát lại để tránh trùng nhau. Trong khi đó, nhóm đối tượng lao động tự do là nhóm khó xác định nhất. 

Ông Lê Văn Lương, Phó Giám đốc Sở lao động, thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: "Cần phải rà soát thận trọng, tránh sai đối tượng. Chỉ có thôn bản và chính quyền địa phương thì mới nắm rõ được chính xác người này làm việc đó hay không, hay là có đúng đối tượng không, phải công khai, dân chủ cho người dân biết, tránh tình trạng sai đối tượng".

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Yên Bái Nguyễn Chương Phát trả lời phỏng vấn VOV.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Yên Bái Trương Thị Lan trả lời phỏng vấn VOV.

Theo bà Trương Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, chủ yếu là doanh nghiệp may mặc, chế biến gỗ, chế biến đá xẻ nhân tạo… không nhập khẩu được hoặc nhập khẩu chậm, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản thì sản phẩm chế biến tiêu thụ chậm, tồn kho cao; nhiều doanh nghiệp vận tải có thời điểm phải tạm ngừng hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực du lịch, trong 4 tháng đầu năm chỉ đón trên 55.200 lượt khách, bằng 11,2% kế hoạch, giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái…

Cũng theo bà Lan, qua thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần 6.900 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng tạm ngừng kinh doanh trong thời gian qua. Đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, bị mất việc làm là trên 10.300 người.  Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng chưa đủ điều kiện nhận bảo hiểm thất nghiệp là trên 2.000 người.

Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tại các doanh nghiệp cần hỗ trợ là trên 5.000 người. Nhóm hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn quốc gia là trên 195.000 khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 5.000 người có công với cách mạng và trên 24.200 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng…

"Các ngành và địa phương rà soát, thống kê, tổng hợp toàn bộ các chính sách an sinh xã hội hiện hành của Trung ương cũng như của tỉnh; rà soát, tổng hợp số lượng các đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh theo 6 nội dung hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Qua rà soát sơ bộ thì tổng số nhu cầu cần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho 6 nhóm đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19 là khoảng 266 tỷ đồng. Các sở ban, ngành sẽ tổng hợp các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, thống kê cụ thể mức hỗ trợ các đối tượng được hưởng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách này để kịp thời đưa ra giải pháp", bà Lan cho biết thêm.

Cùng với thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Yên Bái cũng có nhiều chính sách hỗ trợ trên từng lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, Yên Bái cũng nhận được nhiều sự trợ giúp, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm để ổn định cuộc sống người dân trong thời điểm này./.