Một mùa xuân nữa đang đến trên quê hương Việt Nam. Xuân Ất Mùi 2015 còn ý nghĩa hơn gấp bội, khi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng, những dấu son trong lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Trong khó khăn, thách thức của thiên nhiên và nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị bước vào một mùa xuân mới đầy ý nghĩa. Mất 6 ngày 5 đêm lênh đênh trên biển, chiếc tàu HQ 571 đưa đoàn phóng viên chúng tôi ra tới đảo chìm Đá Đông B, 1/3 điểm đóng quân trên bãi san hô có hình chiếc rìu đá của người Việt cổ.
Nghe nội dung phóng sự tại đây
Biển động, tàu chòng chành như nón không quai. Chiếc xuồng "CQ - Chủ quyền" nhồi lắc trên những con sóng lừng đưa chúng tôi lên đảo. Quả thật, có đặt chân lên đảo chìm, dạo một vòng quanh bờ ta luy trơn trượt, người ta mới thực sự cảm nhận vì sao nhà thơ Hữu Thỉnh lại viết "Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết" trong "Trường ca biển":
"Chúng tôi lên với áo quần ướt át
Với nắng nôi muối xát thân tàu
Đảo hiện ra thử thách bạc màu
Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc"
Tiếp chúng tôi trong căn phòng sinh hoạt chung, tuy đơn sơ mà ấm cúng, Thượng úy Trần Anh Tuấn, Chỉ huy trưởng điểm đảo chìm Đá Đông B, không giấu vẻ lãng mạn khi ví von "đảo rập rờn chìm nổi những quả cân, cân người lính và hiểm nguy đời lính". Trần Anh Tuấn nói: “Khó khăn của người lính rất nhiều, nhưng qua rèn luyện, thử thách trên thao trường và trên đảo, anh em đều xác định phải vượt qua. So với đảo nổi, không gian sinh hoạt ở đảo chìm rất chật hẹp, cây xanh rất ít. Khi nước lên chỉ có một hòn đảo nhỏ nổi trên mặt nước. Chúng tôi buộc phải tự tạo không gian sinh hoạt vui tươi, lành mạnh cho mình. Ngày Tết ở đảo thì năm nào cũng đã thành truyền thống, anh em lại tổ chức hái hoa dân chủ, làm báo tường để tạo không khí vui vẻ”.
Còn hạ sĩ Nguyễn Văn Khá ở điểm đảo chìm Đá Đông C tâm sự: “Em không bao giờ quên được cảm xúc ở đảo. Ra đây, em mới có cảm giác hoàn toàn khác với thực tế trên đất liền, học hỏi được nhiều điều. Lúc mới ra, em cũng bỡ ngỡ vì cuộc sống ở đây khác với lúc chưa ra. Ở đây mỗi người đến từ các địa phương khác nhau nhưng coi như anh em trong nhà. Thời tiết ở biển rất khắc nghiệt, nhưng anh em sống với nhau rất tình cảm. Đảo nhỏ nên anh em hàng ngày huấn luyện và sinh hoạt như một gia đình. Anh em sống vui vẻ đoàn kết, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền”.
Nguyễn Văn Khá, cậu con trai thứ 2 trong gia đình quê Hải Dương nhưng nay sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, cho chúng tôi xem bức thư anh viết vội gửi về gia đình, có đoạn: "Lúc học phổ thông, con đã tìm cách học gói bánh chưng, bánh tét cho gia đình, ba mẹ nói đó là giữ lại nét văn hóa, là mang không khí Tết vào trong nhà. Rồi ngày phải xa nhà, ba mẹ dặn giữ gìn sức khỏe, công tác tốt, Tết năm sau về quê - lời ba mẹ con luôn đinh ninh ghi nhớ".
Thượng úy Trần Anh Tuấn cho biết: “Từ khi có kế hoạch thay quân, chúng tôi đã lên kế hoạch và xác định phải chuẩn bị đón Tết chu đáo cho mọi người lên và rời đảo. Ngay từ bây giờ, chi đoàn đã tiến hành làm báo tường để chuẩn bị đón Xuân, trang trí cây cảnh, chuẩn bị thực phẩm để đáp ứng nhu cầu vật chất tinh thần của người lính”.
Lính Trường Sa còn có những món đặc sản (chỉ có ở đảo chìm) là những cuộc thi nói trạng, miêu tả những món ăn đặc sắc nơi quê nhà. Thiếu tá Trần Như Nam, Chỉ huy trưởng đảo chìm Núi Le, chia sẻ: “Anh em chúng tôi ở đây coi nhau như người một nhà, lấy cán bộ chỉ huy làm người anh, người đi trước, bày dạy cho các em, người đi sau. Cứ mỗi tối xem thời sự, ăn cơm xong, anh em lại thi kể chuyện trạng với nhau. Bởi vì ở đây chẳng có cái gì đem lại sức khỏe và tinh thần cho mình, ngoài thể thao thì chỉ có 1 nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”.
Còn cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo chìm Tốc Tan A, B, C lại tổ chức các cuộc thi thể thao liên đảo trong dịp này, vừa rèn luyện thân thể, vừa tạo động lực tinh thần cho anh em, làm vơi đi nỗi nhớ đất liền trong dịp Tết.
Thượng úy Nguyễn Huỳnh Bảo Vân, Chỉ huy trưởng điểm đảo chìm Tốc Tan A, nói: Trước đây, trên đảo có những thiết bị tập thể thao do các đoàn tặng, nhưng bây giờ bị nước biển làm hỏng nên chúng em tự đúc tạ, làm xà để tập. Ở đây, ngoài việc đơn vị huấn luyện, anh em tập bơi, kéo xà, cử tạ… Địa điểm ở đây nhỏ hẹp nên tập xà cũng khó hơn so với anh em bên Tốc Tan B. Phong trào tập tạ ở đây phát triển mạnh. Chúng tôi đã khuấy động phong trào để anh em rèn luyện sức khỏe”.
Vui Xuân không quên nhiệm vụ, người lính đảo Trường Sa thậm chí còn không buông lơi cả việc tính toán vật tư hậu cần, phòng những ngày biển động. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, tiểu đoàn trưởng D556 công binh trên đảo Trường Sa Đông, cho biết: “Dù trên đảo có cơ sở vật chất nhưng anh em chúng tôi vẫn ăn ở dã ngoài để phòng khi biển động vẫn có đủ lương thực, thức ăn. Tháng 3/2014, sóng to, biển động nhưng chúng tôi vẫn làm chủ được bữa ăn cho 90 người ăn trong một tuần”.
Rời Trường Sa, về Hà Nội, chen giữa đào hoa tươi thắm, đường phố đông vui chờ đón Tân niên, ngắm đàn cháu nhỏ rồng rắn vào Văn Miếu xem cảnh Tết xưa, tôi lại bồi hồi nhớ về tâm sự của các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa và nhà sư Thích Nhuận Huyền ở chùa Vĩnh Phúc trên đảo Phan Vinh, muốn gửi tới gia đình, bạn bè và mọi người trên khắp mọi miền của Tổ Quốc. Chiến sĩ Mai Nguyễn Minh Tiến nói: “Em chỉ mong gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, anh chị, gia đình, bố mẹ đón Tết vui vẻ. Dù không có em ở đó, vẫn mong gia đình luôn nhớ tới em. Em ở đây sẽ dốc hết sức mình để bảo vệ biển đảo”. .
Mùa Xuân mới đang về. Nơi đầu sóng, ngọn gió, tại xứ đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, những cán bộ, chiến sĩ, người dân vẫn đang ngày đêm:
"Giữ nguyên lời dặn của ông bà
Chúng tôi vốc cát lên
Chúng tôi nghe cát nói
Chúng tôi bắt đầu như thế với Trường Sa".