Mấy ngày nay, anh Phàn Lổ Xeng, thôn Nậm Cang, xã Liên Minh dành toàn bộ thời gian tất bật quét dọn, sắp xếp nhà mới giúp con trai. Sau trận lũ, mất trắng nhà cửa, tài sản, nhưng “còn người còn của” – anh Xeng tự an ủi vậy và và tin rằng căn nhà mới của con kịp hoàn thành trước tết sẽ mang may mắn về.

"Không có chỗ ở nên mới cho con chuyển về dựng nhà ở trên đất vườn rau này. Vừa về ở chắc tầm được tuần. Chuyển về nhà mới cho yên tâm, không phải lo như ở nhà cũ nữa, vui lắm. Tết này nhà có gà, lợn cũng có một con để ăn rồi", anh Phàn Lổ Xeng chia sẻ.

Trông ra con suối Nậm Cang, không còn thấy vẻ dữ tợn của mùa lũ, mà thay bằng dòng chảy hiền hòa. Tranh thủ nước cạn, anh Tẩn Chằn Quyên thuê máy xúc về khơi dòng, san gạt lại trại cá nước lạnh đầu tư hơn chục tỷ chỉ còn một đống hoang phế từ sau cơn lũ.

"Chúng tôi sẽ cố gắng để khôi phục dần sau Tết. Phương án sẽ chờ quy hoạch rồi xây lại kè cho an toàn, sau đó mới khôi phục mặt bằng để xây bể cá. Tôi cũng mong muốn ngân hàng chính sách sẽ hỗ trợ vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi nhất", anh Tẩn Chằn Quyên chia sẻ.

Giữa ngã tư trung tâm xã, dù hôm nay không là Chủ nhật, nhưng rất đông chị em phụ nữ xã Liên Minh trong nhóm hưởng ứng Chủ nhật xanh nô nức xuống đường từ sớm. Từng tốp chị em đồng bào Mông, Dao, Tày với đầy đủ chổi, xẻng, bao tải, găng tay tỏa đi các ngả.

Chị Tẩn Phẩy Chiêu, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Nậm Cang chia sẻ: "Ở đây mưa rất lâu rồi, cũng lạnh nữa, hôm nay tranh thủ trời nắng cho chị em đi lao động, cắm cờ, tổng vệ sinh chuẩn bị đón tết. Đường nông thôn mình sạch sẽ, khang trang, bà con đón Tết cũng sẽ phấn khởi hơn".

Sau trụ sở Ủy ban, một nhóm bà con đang bận bịu vo gạo, rửa lá dong. Ai nấy tay nhanh thoăn thoắt, từng chiếc bánh chưng vuông, bánh chưng gù gói xong, lần lượt được xếp đầy ắp nồi lớn. Chủ tịch UBND xã Phàn Phủ Seng khoe, bánh luộc chín sẽ phát mời bà con ăn tết. Năm nay dù khó khăn, nhưng qua nắm bắt tình hình, hộ nào cũng sẽ có tết đủ đầy.

"Theo phong tục địa phương thì vào cuối năm, mỗi hộ gia đình đều chuẩn bị một con lợn, hoa đào, gói bánh chưng, dọn dẹp vệ sinh, treo cờ đón năm mới. Trước thềm năm mới, xã cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai và các hộ nghèo, giúp bà con ổn định tinh thần bước sang năm 2024", Phàn Phủ Seng cho hay.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, sau trận lũ, 17 công trình lớn nhỏ từ giao thông, thủy lợi, nước sạch, cầu, ngầm tràn… của Liên Minh đều được tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền cũng như rà soát ngân sách địa phương để giao danh mục đầu tư trong năm 2024 và giai đoạn tới.

"Đến thời này UBND tỉnh đã giao 4 danh mục, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã giao 2 danh mục, UBND thị xã Sa Pa cũng đang rà soát lại các nguồn lực để tiếp tục giao, thực hiện đầu tư tái thiết lại khu vực vùng lũ. Liên quan đến các trại cá, chúng tôi cũng đề nghị các ngân hàng xem xét, giúp đỡ bà con để sớm khôi phục, tiếp tục nuôi, phát triển cá nước lạnh trên địa bàn", ông Phạm Tiến Dũng cho hay.

Còn theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần, rất nhiều nhà hảo tâm đã chung tay hướng về Liên Minh với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Ngoài sử dụng nguồn vận động để thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống nhất hỗ trợ khôi phục hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại nhà cửa.

"Riêng phần kinh phí chuyển trực tiếp cho Sa Pa vào gần 5 tỷ đồng. Có thể nói, tất cả nguồn lực tiếp nhận được từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh chúng tôi đã dành tối đa để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đúng theo tinh thần Nghị định Chính phủ đã quy định", Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần cho hay.

Nắng ấm chan hòa đang trải khắp những con đường bê tông trải dài ở xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Sa Pa mang tên Liên Minh. Tên gọi Liên Minh như khẳng định nơi ấy luôn có những con người đoàn kết, gắn bó tạo nên sức mạnh, chiến thắng mọi nỗi đau, vươn lên quật cường như mầm xanh ưỡn mình trước gió đón xuân về.