Sau khi Đồng Nai, địa bàn giáp ranh với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu công bố dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa- Vũng Tàu đã triển khai ngay công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, dịch bệnh lây lan thông qua các con đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giết mổ, buôn bán sản phẩm động vật, sử dụng thức ăn thừa… Mặt khác, do hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức thấp 32-36.000 đồng/kg, khó tiêu thụ nên lượng lợn tồn đọng trong tỉnh sẽ lớn, cùng với đó là lượng lợn từ Đồng Nai chuyển về Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ tăng lên, đây sẽ là nguy cơ cao dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu họp khẩn bàn phương pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. |
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã yêu cầu các ban, ngành, địa phương khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây truyền, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức và tạo sự thống nhất trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp tự bảo vệ, như: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi và các biện pháp khác theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Đồng thời, tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn lợn tại các địa phương nhằm sớm phát hiện ổ dịch, tăng cường công tác kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vận chuyển vào tỉnh… không chỉ ở tuyến đường bộ mà cả các tuyến đường sông từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, TP HCM...
Tuyên truyền người chăn nuôi tăng cường vệ sinh chuồng trại. |
“Không chỉ tập trung ở huyện Châu Đức hay thị xã Phú Mỹ giáp ranh với Đồng Nai, mà cũng phải chú trọng địa bàn giáp với Bình Thuận. Ngoài ra, hình thành các chốt chặn bao gồm địa bàn trên sông, biển để đề phòng con giống di chuyển từ các địa bàn như Tiền Giang, Bến Tre và TP HCM cũng phải chú trọng các tuyến này”- ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nói.
Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang rà soát các tuyến quốc lộ như 51, 55 và 56 giáp ranh các địa bàn huyện Nhơn Trạch và Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Lagi (Bình Thuận); lập các chốt chặn, kiểm tra các xe vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật từ các địa phương vào tỉnh, nhất là Đồng Nai vào Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tăng cường đề kháng cho đàn lợn. |
“Đối với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, các địa phương cần khảo sát lại những đường nào thương lái có khả năng vận chuyển để tránh vào quốc lộ. Bên cạnh đó, còn có đội kiểm tra liên ngành kiểm tra dịch tả lợn Châu Phi, sẽ di chuyển theo tuyến đó, phát hiện phương tiện vận chuyển cần yêu cầu dừng lại kiểm tra”- Ông Nguyễn Lương Trai, Chi cục trưởng Chi cục thú y – chăn nuôi tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết.
Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, sẽ đề nghị xử lý người đứng đầu các địa phương nếu không triển khai, hoặc triển khai nhưng chậm và triển khai không đồng bộ các biện pháp ứng phó dẫn đến lây lan dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn./.
Yên Bái xuất hiện hai ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên
Đồng Nai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi