UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc chỉ đạo giải quyết các tồn tại của Dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, đoạn qua huyện Bình Sơn.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản về nội dung này. Hơn 1 năm thông xe toàn tuyến, rất nhiều những vướng mắc liên quan đến cuộc sống của người dân chưa được giải quyết.
Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu hoàn chỉnh thủ tục để hoàn trả đường cho dân nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa nhúc nhích. |
Theo phản ánh của người dân xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, quá trình thi công cao tốc, nhà thầu thi công mượn một số tuyến đường để vận chuyển vật liệu xây dựng gây hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Nhà thầu cam kết hoàn trả lại mặt bằng sau khi hoàn thành; nhưng đến nay, dự án hoàn thành hơn 1 năm vẫn chưa thấy sửa đường. Bà Huỳnh Thị Hà ở thôn Phú Lễ 2, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn cho biết, đoạn đường từ ngã 4 Trung Dương đến Bình Khương xuất hiện nhiều “ổ gà, ổ voi”, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông:
Bà Hà nói: "Hiện tại, đường hỏng hết, nhiều ổ gà. Xe trọng tải chạy quá nhiều, đến mùa mưa dễ gây tai nạn, nhất là đối với học sinh, con em đi học".
Tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đi qua 3 tỉnh, thành miền Trung với số vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. |
Lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cuối năm 2014, Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cùng nhà thầu thi công là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) có văn bản mượn tạm 4 tuyến đường huyện và 3 tuyến đường xã để tập kết vật liệu, thi công gói thầu A3, dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Chủ đầu tư và đơn vị thi công cam kết hoàn trả các tuyến đường mượn tạm sau khi dự án hoàn thành. Nhưng đến nay, việc hoàn trả các tuyến đường vẫn chưa triển khai. Hiện, hầu hết các tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân, mất an toàn giao thông.
Người dân khổ sở khi qua lại các tuyến đường này. |
Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị: "Chủ đầu tư chỉ đạo đơn vị thi công nhanh chóng hoàn trả tuyến đường. Các tuyến đường đó trước đây họ mượn, chúng tôi đã lập dự toán sửa chữa hết hơn 10 tỷ đồng. Bây giờ họ chưa trả nên phải tiếp tục kiến nghị".
Để đảm bảo an toàn đi lại cho người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu hoàn trả các tuyến đường dân sinh trong quá trình mượn tạm thi công tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng đã giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát bổ sung đầy đủ hồ sơ pháp lý trước ngày 30/8. Từ đó xác định nhiệm vụ thi công của các nhà thầu, sớm triển khai thi công hoàn trả đường cho địa phương. Thế nhưng, hầu hết các đơn vị vẫn chưa triển khai thi công.
Ông Đỗ Vũ Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, địa phương đã có 33 văn bản đề nghị Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam hoàn trả đường cho dân nhưng chủ đầu tư vẫn làm ngơ.
Nhiều ổ gà, ổ voi xuất hiện trên các tuyến đường dân sinh ở Quảng Ngãi sau khi thi công tuyến cao tốc. |
Ông Đỗ Vũ Bảo cho biết: "Đến thời điểm này, VEC mà cụ thể trực tiếp ở đây là Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi vẫn chưa có động thái ngoài hiện trường thực hiện hoàn trả các tuyến đường cho các địa phương. Hơn 2 tháng rồi mà Ban Quản lý đường cao tốc vẫn chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Đình Thọ thống nhất các quy mô, phương thức cũng như thủ tục triển khai hoàn trả các tuyến đường địa phương".
Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có tiền để triển khai các hạng mục còn lại của dự án. Ban đã làm việc với các địa phương có đường cao tốc đi qua, thống nhất phương án sửa đường nhưng phải chờ Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp bố trí vốn:
Ông Hưng nói: "Riêng đoạn ở Quảng Ngãi, vốn đã cắt từ 29/4, còn đoạn ở Quảng Nam thì cắt từ năm ngoái. Các nhà thầu cũng đang kêu. Đoạn Quảng Ngãi còn đang tồn đọng khối lượng 712 tỷ đồng chưa thanh toán. Thực chất bây giờ còn 2 đường thôi, nhưng căng nhất hiện nay là ở huyện Bình Sơn còn 7 đường mà không có tiền để làm, vì chỗ Bình Sơn cũng là điểm nóng"./.