Theo thông tin mà các trường công bố, mức điểm sàn nhận đăng ký xét tuyển đại học hệ chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay là tổng điểm tối thiếu của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển. Đây chính là những căn cứ để thí sinh lựa chọn nguyện vọng xét tuyển phù hợp với điểm thi tốt nghiệp của mình. Đến thời điểm này, một số trường đã công bố điểm sàn xét tuyển, trong đó trường có mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển thấp nhất là Trường Đại học Duy Tân, với mức 14 điểm cho tất cả các ngành đào tạo.

Các trường khác như Đại học Công đoàn, Đại học Gia Định, Đại học Văn Hiến, Đại học Khánh Hoà, Đại học Giao thông Vận tải… mức điểm nhận hồ sơ dao động từ 15 đến 22 điểm tuỳ ngành.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, mức điểm sàn mà nhà trường đưa ra tương đương năm ngoái bởi căn cứ vào phân tích điểm và phổ điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

"Mặc dù phổ điểm có sự thay đổi nhưng không khác nhau nhiều. Chính vì thế cho nên là điểm sàn chúng tôi cũng lấy về cơ bản như năm 2022 với mức thấp nhất là 17 điểm, cao nhất là 22 điểm. Nhìn chung thì cũng căn cứ vào nhu cầu của thí sinh và khả năng đáp ứng yêu cầu của nhà trường thì các ngành khối kỹ thuật thì vẫn lấy mức 17, còn nhóm ngành khối kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin thì từ 20 đến 22", Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Chương nói.

Cùng với công bố điểm sàn đăng ký xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường cũng công bố điểm sàn đăng ký xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, các trường đều khẳng định, đây chỉ là mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển, chứ chưa phải là điểm trúng tuyển dự kiến.

Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, năm nay trường tiếp tục duy trì mức điểm sàn nhận đăng ký xét tuyển ở mức 16 điểm đối với tất cả các ngành đào tạo, nhưng thực tế điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo chắc chắn sẽ cao hơn: "Theo phân tích của một số chuyên gia, tổ hợp điểm 3 môn Toán- Văn- Ngoại Ngữ của khối D là tổ hợp điểm được sử dụng để xét tuyển vào tất cả các ngành đào tạo của nhà trường có xu hướng giữ nguyên so với năm ngoái. Chúng tôi dự đoán là điểm chuẩn vào các ngành đào tạo của nhà trường có thể tương đối ổn định, bằng với số điểm của năm ngoái. Như vậy khi thí sinh nộp hồ sơ ứng tuyển vào các ngành đào tạo của nhà trường thì có thể cân nhắc tham khảo điểm trúng tuyển của các năm trước".

Căn cứ vào mức điểm sàn nhận đăng ký xét tuyển mà các trường đại học đã công bố, những thí sinh có tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp theo tổ hợp xét tuyển (hoặc điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) đạt và cao hơn mức điểm sàn đều có thể đăng ký xét tuyển.

Tuy vậy, theo Phó Giáo sư Nguyễn Hải Đăng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, dù các trường đều đặt ra mức điểm sàn không quá cao và thí sinh được đăng ký số lượng nguyện không giới hạn, nhưng các em cần sắp xếp thứ tự nguyện vọng sao cho hợp lý để trúng tuyển vào ngành, trường yêu thích, phù hợp với điểm thi của mình: "Đối với những trường mà bạn quan tâm thì bạn nên đặt thứ tự nguyện vọng ở số cao và bạn nên có một số thứ tự mà an toàn cho các bạn mà bạn có thể vào được. Còn nếu mà bạn đặt nguyện vọng thấp quá đối với những trường bạn đã chắc chắn trúng tuyển thì khả năng bạn còn không vào được trường đấy mà là vào trường không mong muốn".

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, muộn nhất đến ngày 25/07, các trường đại học phải cập nhật thông tin về điểm sàn nhận đăng ký xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả các kỳ thi khác để thí sinh biết và lựa chọn. Riêng khối ngành đào tạo sức khỏe và đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong ngày 25/7 để các trường nhóm ngành này đưa ra mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.