Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các Bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ mức độ phát triển và có lộ trình cụ thể, nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng… Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ các Bộ, Ngành và Ủy ban nhân dân 5 thành phố xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng trong khu vực trung tâm thành phố. Và trong những ngày qua, người dân TP HCM đã có rất nhiều ý kiến về đề án này.

Hào hứng với viễn cảnh xe đạp trở thành một phương tiện giao thông công cộng phổ thông, xuất hiện thường xuyên trên đường phố Sài Gòn, Nguyễn Thị Mai, sinh viên năm 3, trường đại học Công nghệ Sài Gòn nói: “Em thấy việc sử dụng xe đạp rất tiện lợi. Mình vừa tập thể dục được, vừa đảm bảo sức khỏe. Em rất hào hứng và mong chờ tại TP HCM cũng như nhiều nơi ở nước ta, xe đạp được sử dụng phổ biến”.
xe-dap.jpg
Sinh viên hào hứng với viễn cảnh xe đạp trở thành một phương tiện giao thông công cộng phổ thông (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, với đa số người đi làm, việc sử dụng xe đạp thành phương tiện thay thế xe máy để đi làm là điều không khả thi. Chị Trần Thị Bích Thảo, ở quận Thủ Đức, đang làm việc tại quận 8 cho biết, trước đây chị thường đi làm bằng xe buýt, nhưng thường xuyên bị trễ hẹn với khách hàng nên chị đành phải chuyển qua sử dụng xe máy. Về việc phát triển xe đạp công cộng, chị Thảo cho rằng: “Tính chất công việc của tôi là gặp khách hàng thường xuyên và phải đúng giờ nên không thể đi xe đạp được. Các phương tiện giao thông công cộng khác cũng không giải quyết được. Còn hệ thống giao thông tại TP HCM cũng đang rất chật chội, nên đề án này không khả thi lắm”.

Xe đạp công cộng đã có từ lâu và đến nay có khoảng 50 thành phố lớn trên thế giới phát triển với 600 hệ thống, tiêu biểu như Paris, Lyon (Pháp), New York (Mỹ), Hàng Châu, Vũ Hán (Trung Quốc) hay gần nước ta như Băng kok (Thái Lan)… Điểm nổi bật của xe đạp công cộng đó là ưu điểm về môi trường, trong khi các thành phố lớn trên thế giới đang có bài toán nan giải về ô nhiễm. Sự ra đời của xe đạp công cộng còn đánh đúng vào tâm lý chán cơ giới, không sợ mất cắp hay bảo trì sửa chữa… Ngoài ra, nó còn đóng vai trò là điểm kết nối các hệ thống công cộng lớn như metro với nhau, nên được người dân sử dụng với mục đích “công việc”. Ngoài ra, một yếu tố thành công nữa là nhu cầu du lịch, khám phá của du khách…Không nên thí điểm một lúc tại 5 thành phố

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho rằng, việc ra đời hệ thống xe đạp công cộng là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và hoàn toàn khả thi. Thành phố vẫn đang hoàn thiện dần hệ thống giao thông công cộng, phát triển xe buýt nhanh BRT, metro bởi vì xe đạp công cộng sẽ “giải quyết kết nối những km cuối cùng từ nhà đến trạm, bến xe buýt”.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Tính: “Xe đạp công cộng là hết sức cần thiết và nhiều nước đã áp dụng. Trên thực tế thì hoàn toàn khả thi, nhưng muốn làm được thì cần có những điều kiện nhất định chứ không dễ dàng. Đó là tìm địa điểm, phải mua sắm phương tiện và phải quản lý trong điều kiện không tốt”.

Trong khi đó, thạc sỹ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông lại cho rằng, nếu chúng ta lập tức thí điểm phát triển xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn thì sẽ rất khó khăn và không thành công với mục đích giảm ùn tắc… Thành công của những hệ thống xe đạp công cộng trên thế giới là bởi chúng phát triển trong một môi trường phù hợp, hệ thống giao thông có sẵn rất hiện đại, dòng xe chủ yếu là 4 bánh, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển, kết nối rất tốt các địa điểm.

Khác với một xã hội chán cơ giới như ở các nước, tại Việt Nam, đặc biệt như TP HCM hiện nay, hạ tầng về giao thông còn chưa phát triển, các phương tiện công cộng không thể đáp ứng được nhu cầu người dân thì xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu. Là một đất nước đang phát triển, tư duy của con người Việt Nam vẫn sẽ đi lên từ 2 bánh thành 4 bánh. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như hạ tầng, việc quản lý các phương tiện, hệ thống bến bãi...

Lịch sử phát triển của xe đạp công cộng tại các nước phát triển cho thấy, việc áp dụng cũng chỉ được triển khai ở các thành phố nhỏ, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Thạc sỹ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông kiến nghị: “Theo tôi, không nên làm một lần thí điểm cùng lúc tại 5 thành phố, và không nên chọn TP HCM hay Hà Nội, vì đây là hai thành phố đang kẹt xe nghiêm trọng. Chúng ta nên chọn một thành phố trung bình, phải làm có nghiên cứu, có trình tự, lộ trình, có sự nối kết, phối hợp giữa Bộ Giao thông, các địa phương, Bộ Xây dựng, các nhà đầu tư khác làm… Song song với đó, Bộ Giao thông mới công bố các qui chuẩn, tiêu chuẩn, rồi nghiên cứu tiếp tục, tìm các biện pháp đầu tư, giải pháp công nghệ. Khi thành phố này làm được rồi chúng ta mới tìm được cái hay, cái dở để áp dụng qua các thành phố khác”.

Hệ thống xe đạp công cộng ra đời sẽ dần thay thế tư duy về giao thông của người Việt, phù hợp với xu thế của thế giới, sự tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, để đề án này thực sự hiệu quả và lâu dài thì những thành công và thất bại của hệ thống xe buýt cũng là một trong những bài học thiết thực mà các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi triển khai./.