Chiều 14/1, tại Trung tâm Phát thanh Quốc gia, 58 Quán sứ, Hà Nội Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có buổi làm việc về xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt).

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình và Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ chủ trì buổi làm việc.

dai_6_vov_pxyq.jpg
Các đại biểu tham dự buổi làm việc giữa VOV và Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt).

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV cho rằng, việc VOV và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đặc biệt các cơ quan nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ tham gia soạn thảo, xây dựng Luật Ngôn ngữ là cần thiết.

Chỉ rõ thực trạng về sử dụng ngôn ngữ trên báo chí hiện nay, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, thực tế việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt rất đa dạng và còn nhiều vấn đề phức tạp. Đất nước Việt Nam với 54 dân tộc rất cần có luật về ngôn ngữ.

Tổng Giám đốc VOV  khẳng định, trong suốt quá trình 74 năm xây dựng và trưởng thành, hầu hết lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của VOV đều có ý thức sử dụng ngôn ngữ nói chung, trong đó có tiếng Việt.

Mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã tồn tại nhiều năm. Năm 2017, VOV đã phối hợp với Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và các trường ĐH, học viện tổ chức hội thảo về ngôn ngữ và đã có tới 243 tham luận gửi đến bày tỏ sự quan tâm về vấn đề về ngôn ngữ, về Tiếng Việt.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV (giữa): "Việt Nam với 54 dân tộc rất cần có luật về ngôn ngữ".

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, trong lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tổ chức các hội nghị về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đặc biệt, trong khi đất nước còn đang đối diện với những khó khăn thì vẫn có hội nghị toàn quốc bàn về vấn đề này.

Khẳng định việc xây dựng Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam là đòi hỏi cấp thiết, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho rằng,  hiện nay, chúng ta đã có đủ lực lượng, đơn vị để làm việc này nhưng cách thức làm như thế nào để đạt hiệu quả thì là vấn đề cần phải bàn bạc kỹ lưỡng.

Tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến, liệu chúng ta có cần văn bản pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực ngôn ngữ hay không và nếu có thì ở mức độ nào? Liệu văn bản đó là Pháp lệnh của Chủ tịch nước hay lên đến một Luật? Việc xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng việt) nên là một luật rộng hay hẹp?

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (giữa) phát biểu
“Nếu xây dựng luật một cách rộng thì là Luật Ngôn ngữ còn luật hẹp là Luật Tiếng Việt. Nếu xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng việt) thì phải có cơ quan, đơn vị đề xuất.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch chưa đặt ra vấn đề này. Vậy nơi nào sẽ đề xuất, đặt vấn đề xây dựng luật thì cũng cần nhận được ý kiến góp ý từ các đơn vị, chuyên gia...”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Cũng tại buổi làm việc, các chuyên gia, nhà ngôn ngữ đã bày tỏ sự cần thiết nên xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt).

PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt) là rất cần thiết bởi luật cũng là sự khẳng định chủ quyền dân tộc và là căn cứ để chúng ta sử dụng cho nhiều công việc khác.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ (thứ 3 từ trái sang): Khi nghiên cứu để xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt) thì phải đi đúng hướng  

Còn GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt). Bởi thiếu Luật Ngôn ngữ có tính quốc gia thì sẽ nảy sinh những hệ lụy khiến xã hội hoang mang, lo lắng như đã từng xảy ra với đề án cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu để xây dựng Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt) thì phải đi đúng hướng. Từ chuyện dạy chữ viết nước ngoài phải chuẩn hóa, dạy đánh vần như thế nào cho chuẩn xác.

Luật Ngôn ngữ (Tiếng Việt) cũng phải phân bổ chức năng của các tiếng dân tộc thiểu số, điều khoản về ngoại ngữ phải rõ ràng./.