Clip phóng sinh cá hải tượng long được lan truyền trên mạng xã hội đúng vào rằm tháng 7 đã gây sự chú ý của cộng đồng mạng cũng như dư luận xã hội. Một số người tỏ ra lo ngại và cho rằng, hành động này tiềm ẩn nhiều nguy hại với môi trường sinh thái. Bởi hải tượng long là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, nếu thả xuống sông hồ có thể gây nguy hiểm đến các loài cá khác. Thậm chí có thể làm mất cân bằng sinh thái, gây hậu quả khó lường. 

Trả lời phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, cá hải tượng long không thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, loài cá này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, khi trưởng thành nó có thể dài tới 3m, nặng 200kg và ăn tạp. Thức ăn của chúng là các loài cá, tôm, cua, tép.

Ông Hùng cho rằng, phóng sinh cá hải tượng long là hành động phản cảm, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật. Bởi cá hải tượng long thuộc bộ cá rồng, đây là loài giới hạn mua bán quốc tế quy định tại phụ lục 2 Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Việc buôn bán những loài này giữa các quốc gia cần có giấy phép xuất khẩu do cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hùng cho biết, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản khuyến cáo các địa phương hướng dẫn người dân phóng sinh những loài bản địa có nguy cơ tuyệt chủng và không nên thả những loài lạ, có nguy cơ xâm hại thuộc danh mục do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành.

“Loài cá này mặc dù chưa trong diện nguy cấp nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng nếu không khai thác hợp lý. Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên thả, phóng sinh các loài nguy cấp quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Không nên thả những loài ngoại lai, đặc biệt là những loài ngoại lai xâm hại thuộc danh mục của Bộ Tài Nguyên Môi trường đã ban hành. Nếu thả những loài có nguy cơ xâm hại là vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Tổng cục thủy sản cũng phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đã có quy chế phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nên phóng sinh loài nào, cách phóng sinh như thế nào”, ông Lê Trần Nguyên Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, chiều qua, Tổng cục thủy sản đã đề nghị Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TPHCM) xác minh vụ việc xảy ra ở khu vực nào và có những ai tham gia. Từ đó, sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của cá hải tượng long đối với môi trường tự nhiên để có cơ sở xếp loài này vào nhóm xâm hại hay có nguy cơ xâm hại. Từ đó sẽ có những chỉ đạo, biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật.

Dịp lễ Vu Lan báo hiếu hàng năm, nhiều người đã đến chùa cầu nguyện, thả cá, phóng sinh chim. Tuy nhiên, cần phải phóng sinh đúng cách, nếu phóng sinh không đúng cách có thể tạo nghiệp.

Theo Thiền sư Phúc Phong, giáo pháp của đức Phật không dạy đặt mua, đặt hàng các chúng sinh về rồi làm động tác dư thừa là cúng lễ rồi thả nó đi, vô tình mang tội nhiều hơn phước. Bởi con người vì tính hướng thiện là phóng sinh thì lại đi cướp sự tự do của chúng sinh sau đó mang về cúng rồi thả chúng về trời.

“Không phải phóng sinh những con vật hoặc những động vật có giá trị cao thì sẽ được phước đức cao. Muốn có phúc đức lớn, phước dày thì nên bắt đầu từ những việc làm thiện đức, có nhân, có quả, có phước có báo. Mọi người hãy tích phước bằng những việc làm thiện nguyện như, cứu giúp người đang bị bệnh nguy nan, trẻ em bị bệnh K, teo tim, teo mật, teo não bẩm sinh. Con người là chúng sinh, cũng cần được giải phóng, cần được phóng sinh. Như vậy, thay vì phóng sinh theo hình thức bắt về để thả thì hãy phóng sinh chính nhân tâm của mình”, Thiền sư Phúc Phong cho hay./.