Liên quan đến việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, PV Báo Lao động bị hành hung trên đường đi làm nhiệm vụ do cơ quan giao, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Đào Trọng Thi nhấn mạnh, vụ hành hung như vừa rồi thì không phải chỉ với nhà báo, mà với tất cả mọi người, đã là vi phạm nghiêm trọng pháp luật rồi.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị đánh dập ngón tay (Ảnh: VTC News) |
Ông Thi nhấn mạnh: Thực tế ở nước ta có nhiều vụ việc chưa được thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, không chỉ riêng vụ việc với các nhà báo. Do đó, việc giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật, thậm chí việc xử lý những người không thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật phải tăng cường hơn.
Đối với vụ việc nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ông Thi cho hay, Hội Nhà báo cũng phải có trách nhiệm bảo vệ hội viên của mình, phải có kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm. Cá nhân các nhà báo nếu bị tương tự cũng phải chủ động bảo vệ mình, có trách nhiệm với cá nhân mình, đồng nghiệp mình.
Đừng nghĩ mình bị vi phạm, mình bỏ qua, không thèm chấp thì đấy là cao thượng. Mình yêu cầu thực thi nghiêm túc pháp luật không phải chỉ vì mình mà vì xã hội. Nếu mọi người dân đều hiểu được như vậy thì pháp luật sẽ được tôn trọng hơn.
“Những vụ việc như vụ thế này, theo tôi, có thể đề nghị truy tố ra tòa. Và những người thực thi pháp luật không nghiêm có thể quy tội bao che” – ông Thi nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nên chăng xem hoạt động báo chí như hoạt động công vụ, ông Thi cho rằng bản chất tác nghiệp của báo chí không phải là hoạt động công vụ nên không thể xem tác nghiệp của nhà báo là thực thi công vụ được.
“Nhưng điều đó không có nghĩa là tác nghiệp của nhà báo không được nhà nước bảo hộ, không được pháp luật bảo hộ. Thậm chí, nếu so sánh, pháp luật còn có quy định chi tiết hơn, nghiêm khắc hơn để bảo vệ nhà báo so với một số hoạt động công vụ khác”- ông Thi nói./.