PV: Thưa Bộ trưởng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là một cơ quan truyền thông đa phương tiện; trong đó có nhiều chương trình phát thanh và nền tảng dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò và sự đồng hành của Đài TNVN trong việc tuyên truyền ở khu vực miền núi và dân tộc thiểu số thời gian qua?

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Chúng tôi đánh giá rất cao sự kịp thời, năng động, sáng tạo của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đài các thời kỳ, trong đó có những chương trình đặc biệt ưu tiên dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã góp phần hết sức quan trọng trong chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc.

Qua dư luận cũng như đánh giá, dưới góc độ quản lý Nhà nước của chúng tôi thì thông tin của Đài TNVN là thông tin sớm nhất, đến được những vùng sâu xa nhất, kịp thời nhất, và đã chuyển tải đầy đủ những thông tin quan trọng nhất đến với bà con nhân dân trong bối cảnh nhiều nơi còn chưa có sóng truyền hình; nhiều nơi các nền tảng mạng xã hội chưa cập nhật đến được với bà con, thì làn sóng của Đài TNVN đã đến với tất cả các bản làng, những người dân ở vùng sâu, vùng xa; đem đến những nguồn thông tin quý giá cho bà con nhân dân. Đấy là thế mạnh, và có lẽ là mạnh nhất trong các cơ quan truyền thông của Việt Nam hiện nay.

PV: Hiện nay, ngoài chương trình tiếng phổ thông thì Đài TNVN phát 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số. Theo Bộ trưởng, việc mở rộng các chương trình phát thanh tiếng Dân tộc có ý nghĩa như thế nào?

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Việc phát thanh 13 tiếng dân tộc thiểu số, ngoài ý nghĩa là đem thông tin phù hợp với đối tượng là đồng bào các dân tộc, còn góp phần rất quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá, đặc biệt là tiếng nói của các dân tộc thiểu số của đất nước chúng ta.

Bà con chăm chú lắng nghe hơn, hiểu hơn, như vậy, các chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ đến với bà con một cách kịp thời hơn; vì trong tình hình cụ thể thì cũng có một số dân tộc hoặc một số người trong cộng đồng dân tộc đó cũng chưa phải hoàn toàn đã nghe và hiểu hết tiếng phổ thông. Việc phát thanh bằng tiếng dân tộc họ, làm cho họ tin tưởng hơn, cũng làm cho họ hiểu nhanh hơn, đầy đủ hơn. Chúng tôi cho rằng đây là những việc làm thiết thực và đã chứng minh hiệu quả trong thực tiễn, góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi mà người đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu được đầy đủ các chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước, thì họ sẽ đồng thuận và hưởng ứng cao nhất.

PV: Theo Bộ trưởng thì điều gì cần đặc biệt quan tâm để công tác tuyên truyền về dân tộc thiểu số của Đài TNVN tác động hiệu quả hơn tới kinh tế-xã hội vùng miền núi trong điều kiện các nền tảng mạng xã hội liên tục nở rộ như hiện nay?

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Mạng xã hội đưa thông tin nhanh chóng và cập nhật theo thời gian thực nhiều hơn. Trong bối cảnh các nền tảng khác rất nhiều như hiện nay thì tôi cho rằng, Đài TNVN hãy phát huy thế mạnh của mình; thiết kế những chương trình phù hợp với từng đối tượng, nội dung cũng cần thay đổi phù hợp với mong muốn của khán thính giả hiện nay. Vì bạn nghe đài hiện nay đã thay đổi về mặt tư duy nhận thức do tác động nhiều chiều của các loại hình truyền thông khác. Đưa những thông tin kịp thời, chính thống về chủ trương của Đảng và Nhà nước, về chính sách, pháp luật, vấn đề mà đồng bào dân tộc thiểu số đang quan tâm; cả những kiến thức về khoa học kỹ thuật, về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá, kinh nghiệm phát triển kinh tế…; hình thức thông tin cũng phải đa dạng, phong phú hơn.

Có thể tăng lên chứ không chỉ dừng lại ở con số 13. Khuyến khích các địa phương tăng cường thời lượng phát thanh tiếng dân tộc lên nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng: với trình độ, kinh nghiệm hiện có của Đài TNVN, với sự đổi mới để phù hợp với đối tượng nghe đài của mình, thì chắc chắn vai trò của Đài TNVN vẫn tiếp tục giữ vững được trong lòng của thính giả nghe Đài.

PV: Công tác dân tộc trong thời kỳ mới đòi hỏi sự đồng hành mạnh mẽ và hiệu quả của các cơ quan truyền thông chủ lực. Bộ trưởng có yêu cầu và kỳ vọng  điều gì ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhất là đối với Ban Dân tộc - một đơn vị đặc thù chuyên tuyên truyền về vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số?

Bộ trưởng Hầu A Lềnh: Chúng tôi đánh giá rất cao các chương trình tiếng dân tộc VOV4 của Đài TNVN. Quá trình thành lập đến nay, VOV4 luôn luôn khẳng định được vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong chuyển tải các thông tin đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phản ánh những thông tin của vùng đồng bào dân tộc thiểu số để làm cơ sở cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn một điều là với kinh nghiệm, bài học và sự đóng góp to lớn đó, thì Đài TNVN, đặc biệt là VOV4 tiếp tục phát huy kinh nghiệm của mình trong giai đoạn tới đây, sẽ đổi mới về nội dung và hình thức, cách thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như nhận thức của từng nhóm dân tộc, từng dân tộc, để làm sao thông tin của chúng ta được nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhất, để đồng bào cảm thấy yên tâm khi nghe những nguồn thông tin đó.

Có thể sử dụng các nền tảng khác nhau để phù hợp với điều kiện người dân, để giúp bà con có thể dễ dàng nghe sóng Đài TNVN bất cứ nơi đâu. Trước đây, bà con phải lúc nghỉ ngơi mới được nghe, lúc đi làm nương có cái đài; nhưng bây giờ khác, đã có nhiều công cụ, phương tiện khác nhau để tiếp cận, thì mình cũng phải thay đổi, cả về nội dung và hình thức thể hiện; cách thức tuyên truyền thế nào, nền tảng thế nào để làm sao bà con có thể khai thác được trên tất cả các thiết bị hiện có. Làm được như vậy thì chắc chắn ngày càng có được niềm tin lớn hơn với bà con. Hiện nay, chúng tôi biết là bà con nhân dân đánh giá rất là cao thông tin của Đài TNVN, luôn luôn mong chờ trong ngày, từng giờ để được nghe những thông tin trên làn sóng của Đài TNVN./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!