Vũng Liêm là huyện nằm ở cuối nguồn sông Cổ Chiên của tỉnh Vĩnh Long luôn bị nước mặn tấn công khi mùa khô về. Vào khoảng cuối tháng 1 hàng năm nước mặn đã xuất hiện tại các cửa sông, các cống đập đã đóng lại để ngăn mặn. Để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt, ngay từ đầu năm ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long vận hành có hiệu quả các cống đập, Công ty cấp nước tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến của nước mặn để chủ động lấy nước ngọt vào nhà máy xử lý. Nhờ vậy mà các nhà máy nước trong tỉnh luôn đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân trong suốt mùa khô. 

Ông Nguyễn Quân, Trưởng chi nhánh cấp nước Vũng Liêm, Công ty cấp nước Vĩnh Long cho biết, năm nay công ty đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy xử lý nước; tăng tần suất kiểm tra độ mặn trên sông để lấy nước ngọt, nên mùa khô năm nay nhà máy không thiếu nguồn nước để cung cấp cho người dân.  

“Chúng tôi tăng tần suất đi lấy mẫu nước để kiểm tra về chất lượng nguồn nước cũng như hồ chức nước thô và sau xử lý làm sao đảm bảo tiêu chuẩn nước phục vụ sinh hoạt cũng như ăn uống”, ông Nguyễn Quân nói.

Đối với những vùng đặt biệt khó khăn về nguồn nước ngọt, người dân đã chủ động mua sắm dụng cụ trữ nước. Những hộ khó khăn, các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm mua tặng để sử dụng trong suốt mùa khô khắc nghiệt.

Chị Nguyễn Thị Cúc ở xã Trung Thạnh Đông, huyện Vũng Liêm cho biết, gia đình chị luôn luôn chuẩn bị nhiều dụng cụ trữ nước nên đảm bảo nước ngọt sinh hoạt: “Nhà tôi đủ nước dùng quanh năm, có 10 cái kiểu và thùng nhựa, nhà nước tặng 1 cái 2.200 lít, còn cái kia là 1200 lít. Khi có mưa lớn đầy thì hứng cái mới”.

Tại Long Hồ, một trong những huyện có nhiều xã cù lao thường xuyên bị nước mặn xâm nhập, năm nay đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt. Điển hình như trạm cấp nước tại xã cù lao An Bình mùa khô năm nay đã đầu tư 11,5 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy nước An Bình 2, đồng thời kéo dài đường ống nước thêm 14 km ở 2 đầu cồn đưa nước ngọt về phục vụ nhân dân ở những nơi khó khăn về nguồn nước.

Chị Trần Thị Ánh ở xã An Bình lần đầu tiên có nước máy sử dụng phấn khởi cho biết: “Trước đây dùng nước sông lắng, nay có nước máy chúng tôi rất mừng. Nhà đã có máy nước nóng - lạnh dùng”.

Ông Lưu Nhuận, Chi cục trưởng, Chi cục thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cho hay, tỉnh có một số huyện cuối nguồn nằm ven các sông lớn như sông Tiền, sông Cổ Chiên, sông Hậu và giáp tỉnh Trà Vinh gồm huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình, Long Hồ là những địa phương khó khăn về khai thác nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt. Để đảm bảo nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, ngoài triển khai thường xuyên các giải pháp công trình và phi công trình, các hộ dân nơi đây còn tăng cường trữ, chứa nước và khai thác nguồn nước tại chỗ từ sông ngòi, kênh, rạch, nước ngầm, để phục vụ sinh hoạt.

“Các địa phương và đơn vị cấp nước sinh hoạt trong tỉnh luôn triển khai kết hợp giải pháp công trình và phi công trình. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí tượng - thủy văn, nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn từ cấp trên và có triển khai quan trắc riêng tại nhà máy để vận hành lấy nước phù hợp và thông tin đến hộ sử dụng. Triển khai các công trình xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các trạm cấp nước và mạng lưới đường ống cấp nước hiện hữu theo kế hoạch hàng năm để kịp thời đưa vào sử dụng cấp nước sạch sinh hoạt cho người; Lập kế hoạch, phương án cân đối, điều hòa nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế tại các đơn vị cấp nước, đồng thời vận hành và phối hợp vận hành linh hoạt các công trình cấp nước đang quản lý nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân”, ông Lưu Nhuận cho biết.

Hiện nay toàn tỉnh Vĩnh Long đã có 105 trạm cấp nước ngọt nông thôn, trung bình mỗi xã có 2 trạm cấp nước, nhờ vậy mà Vĩnh Long đã đảm bảo nước ngọt sinh hoạt trong mùa khô.

Với sự chuẩn bị và vào cuộc đồng bộ của chính quyền và các cơ quan chức năng cùng sự chủ động phòng chống hạn mặn của bà con, tỉnh Vĩnh Long đã và đang đảm bảo ngăn mặn trữ ngọt phục vụ tốt cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.