Theo khảo sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự kiến trong năm 2022, cả nước thiếu khoảng 700.000 lao động. Nguyên nhân là do nhiều lao động trở về quê sau đợt dịch Covid 19. Trong các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội cho thấy nhu cầu tìm lao động của các doanh nghiệp là rất lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty xuất nhập khẩu thiết bị mỏ Hàn Việt cho biết, trong nhiều tháng liên tục đăng thông báo tuyển dụng nhưng vẫn chưa tuyển đủ nhân sự: “Nguồn cung lao động hiện nay có thể do dịch bệnh nên việc dịch chuyển lao động khá nhiều nên việc tuyển dụng ứng viên chưa nhiều. Tôi cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều ứng viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp”.
Do nhu cầu bức bách và cấp thiết về nhân lực các trình độ của khối doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kêu gọi các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đưa sinh viên học năm cuối đã được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản phù hợp với thị trường lao động đến các công ty, nhà máy, vừa thực tập vừa lao động sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, việc thực tập, thực hành tại doanh nghiệp đã trở thành thường xuyên, chiếm đến 70% thời gian học tập. Từ ngày 14/2, gần 800 sinh viên năm cuối trở lại học trực tiếp cũng là thời điểm nhà trường tăng cường cho sinh viên đi thực tập tại các Tập đoàn, Công ty lớn như Vinfast, Samsung, đã giải quyết được nhiều vấn đề cho cả phía nhà trường và doanh nghiệp.
“Học sinh, sinh viên của chúng tôi đi thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp thì được doanh nghiệp hỗ trợ cho nguồn kinh phí từ 3,5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng tùy theo từng doanh nghiệp, tùy theo từng ngành nghề cụ thể. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ nhà ở, bữa ăn ca và học sinh, sinh viên đi thực tâp như vậy cũng rất phấn khởi. Chúng tôi cũng nhận được đề xuất của phía các công ty là sau khi các bạn ra trường thì nhận lại làm việc tại công ty. Một số công ty còn muốn giữ chân học sinh, sinh viên ngay khi đang thực tập và xác định là sau khi các em tốt nghiệp thì sẽ về công ty để làm việc”, ông Nguyễn Văn Huy nói.
Cũng như các trường nghề khác, sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3 của Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng đã được tăng cường đi thực tập ở những doanh nghiệp có liên kết hợp tác với nhà trường. Theo ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, chương trình đào tạo của nhà trường phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Sau 1 tháng thực hiện, nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động trực tiếp 3 bên (nhà trường – doanh nghiệp – sinh viên) với trách nhiệm, quyền lợi được khoảng 70 – 80% so với lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, nhà trường có kế hoạch tuyển sinh các khóa học ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho lao động.
“Hiện nay nhiều người lao động qua thời gian đại dịch họ có nhu cầu được học tập, đào tạo, bồi dưỡng trình độ cũng như chuyển đổi ngành nghề nên nhu cầu rất lớn, đặc biệt là trong đó còn có cả bộ đội xuất ngũ. Thế nên nhà trường đã có kế hoạch là tăng quy mô tuyển sinh cho nhiều đối tượng và tổ chức nhiều loại hình đào tạo, trước mắt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhà trường cũng mong muốn công tác tuyên truyền về đào tạo nghề đặc biệt là đào tạo gắn với doanh nghiệp để tăng quy mô tuyển sinh cho các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là việc làm rất cần thiết”, ông Phạm Xuân Khánh cho hay.
Sau quá trình thực tập, sinh viên tự tin, trình độ tay nghề nâng cao, do đó, phần lớn được doanh nghiệp tuyển dụng sau khi tốt nghiệp ra trường. Bà Nguyễn Nhật Hồng, Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực, Trường cao đẳng nghề Việt Hàn Bắc Giang khẳng định, việc đưa học sinh, sinh viên năm cuối hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lao động để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đã tránh được đứt gãy cung cầu lao động: “Chúng tôi thực hiện chương trình này thì sinh viên rất phấn khởi bởi khi các em chưa ra trường đã có doanh nghiệp nhận, thời gian thực tập được tính là thử việc nhưng lại hưởng đủ lương mà lại có việc làm. Các em phấn khởi và cũng là động viên các khóa sau tham gia chương trình này... Doanh nghiệp cũng đánh giá rất cao ý thức sinh viên bởi năm cuối các bạn được rèn luyện trong trường nên vào làm việc rất hiệu quả, hầu như họ không phải đào tạo lại, sinh viên nhà trường ra bao nhiêu là doanh nghiệp tuyển hết bấy nhiêu”.
Qua kết quả đạt được hiệu quả ban đầu trong việc đưa học sinh, sinh viên năm cuối đi thực tập kết hợp hỗ trợ sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa có văn bản cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể cho sinh viên thi tốt nghiệp ngay tại đơn vị này. Đây được coi là hướng đi mới phù hợp thực tế “thích ứng an toàn linh hoạt” để có thể tuyển dụng sinh viên sau khi thi tốt nghiệp, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong quá trình phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp./.